Nam bộ kháng chiến - miền Nam đi trước về sau…

Năm 1858, thực dân Pháp và Iphanho (Tây Ban Nha) nổ súng bắn vào cửa biển Đà Nẵng xâm lược Việt Nam. Năm 1859, người Pháp vào Gia Định và sau đó bằng rất nhiều hiệp ước, nước Việt Nam mất dần vào tay thực dân Pháp.

Nhân dân Nam bộ nhất tề đứng lên dũng cảm chiến đấu với kẻ thù. Ảnh: Internet

Nhân dân Nam bộ nhất tề đứng lên dũng cảm chiến đấu với kẻ thù. Ảnh: Internet

Hơn 80 năm nô lệ, ngày 2-9-1945, cùng với nhân dân cả nước, người dân Sài Gòn nô nức chào đón ngày ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chỉ 21 ngày sau, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam lần thứ 2. Vậy là, người dân Sài Gòn, người dân Nam bộ chỉ được hưởng không khí độc lập đúng 21 ngày.

* Lời thề Ngày Độc lập

Ngày 2-9-1945, Nam bộ tổ chức mít tinh chào mừng Ngày Độc lập. Hơn 1 triệu đồng bào từ các tỉnh, thành phố đã nô nức tề tựu về Sài Gòn để được chào mừng Ngày Độc lập và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Những lời tuyên bố lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau - đã không trực tiếp đến với đồng bào Nam bộ. Xứ ủy và Ủy ban hành chánh Nam bộ đã đề nghị nhà cách mạng Trần Văn Giàu, Chủ tịch Lâm ủy hành chánh Nam bộ đứng ra phát biểu ý kiến.

Chủ tịch Lâm ủy hành chánh Nam bộ Trần Văn Giàu đã nhanh chóng phác thảo ý kiến phát biểu chính. Bài phát biểu khẳng định niềm vui, niềm tự hào của người dân Nam bộ trước sự đổi đời từ một nước thuộc địa thành một nước dân chủ cộng hòa. Bài phát biểu cũng kêu gọi nhân dân đoàn kết chung quanh Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, sẵn sàng đặt lại quan hệ với nước Pháp trên cơ sở tôn trọng nền độc lập của Việt Nam với lời kêu gọi khi kết thúc: “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!”.

Đáp lời Chủ tịch Lâm ủy hành chánh Nam bộ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thay mặt Lâm ủy hành chánh Nam bộ long trọng đọc lời tuyên thệ trước đồng bào sẽ cương quyết lãnh đạo đồng bào giữ gìn đất nước, sẽ cùng đồng bào vượt qua khó khăn, nguy hiểm xây đắp nền độc lập hoàn toàn cho Việt Nam. Thay mặt nhân dân, Tổng thư ký Công đoàn Nam bộ Nguyễn Lưu đọc lời thề: “Chúng tôi, toàn thể nhân dân Việt Nam xin kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu người Pháp đến xâm lược Việt Nam một lần nữa thì chúng tôi cương quyết: không đi lính cho Pháp; không làm việc cho Pháp; không bán lương thực cho Pháp; không dẫn đường cho Pháp”. Hàng trăm ngàn người phía dưới hô to: “Xin thề! Xin thề! Xin thề”.

* Thực dân Pháp gây hấn ngay trong Ngày Độc lập

Trong khi hàng triệu người dân Nam bộ đang vui mừng chào đón Ngày Độc lập của dân tộc thì quân Pháp núp bóng quân Anh với danh nghĩa đồng minh đã bắn súng vào đoàn biểu tình trong lễ tuần hành mừng độc lập. Những ngày sau đó, dưới sự bảo trợ của quân Anh, quân Pháp ngày càng có nhiều hành vi khiêu khích trắng trợn.

Ngày 4-9-1945, tướng Anh Gracey ra lệnh phía chính quyền cách mạng “giải tán lực lượng vũ trang”, ngăn cản quần chúng xuống đường biểu tình. Cả Sài Gòn và Nam bộ sống trong một không khí ngộp thở, khẩn trương khi chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến đấu mới. Từ thủ đô Hà Nội phát đi lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân đồng minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng cương quyết phản đối quân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa”. Trước sự gây hấn của quân thù, ngày 9-9-1945, tại Sài Gòn, Tổng bộ Việt Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào chuẩn bị tinh thần và lực lượng để chống trả quân thù “đang sửa soạn súng đạn để một lần nữa giày xéo đất nước ta, tiêu diệt nòi giống ta”.

* “Mùa thu rồi ngày hăm ba”

Ngày 25-8-1945, Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ được thành lập do ông Trần Văn Giàu làm chủ tịch. Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ tuyên bố mình là bộ phận phía Nam của Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau gần 80 năm đô hộ nước ta, thực dân Pháp, mặc dù trước đó đã thất bại và thúc thủ trước phát xít Nhật nhưng vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược lại nước ta một lần nữa.

Đêm 22-8-1945, Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam kỳ (thuộc Chính phủ De Gaulle) là Jean Cédile nhảy dù xuống gần Biên Hòa và bị nông dân bắt giữ giao cho quân đội Nhật và sau đó được thả ra. Ngày 27-8-1945, Cédile gặp ông Trần Văn Giàu đề nghị tương lai chính trị của Việt Nam. Trong cuộc họp này, ông Trần Văn Giàu yêu cầu điều kiện tiên quyết là Pháp trước hết phải công nhận nền độc lập của Việt Nam rồi mới bàn tới quan hệ giữa Việt Nam và Pháp. Trong đêm
22-9, ở bất cứ nơi nào quân Pháp đánh chiếm đều bị quân dân ta nhất loạt đứng lên chống trả quyết liệt.

Sáng 23-9-1945, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ Trần Văn Giàu phát lời kêu gọi đồng bào:

“Đồng bào Nam bộ, nhân dân thành phố Sài Gòn,

Anh em công nhân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sĩ!

Đêm qua, thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa.

Ngày 2-9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc.

Độc lập hay là chết!

Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược. Ai không có phận sự do Ủy ban Kháng chiến giao phó, thì hãy lập tức ra khỏi thành phố. Những người còn ở lại thì:

- Không làm việc, không đi lính cho Pháp.

- Không đưa đường, không báo tin, không bán lương thực cho Pháp.

Hãy tìm thực dân Pháp mà diệt. Hãy đốt sạch, phá sạch các cơ sở, xe cộ, tàu bè, kho tàng, nhà máy của Pháp.

Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa tiệm.

Hỡi đồng bào!

Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp, tiêu diệt tay sai của chúng.

Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu!

Sáng ngày 23-9-1945

Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ”.

Ngay chiều 23-9-1945, thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến, cả Sài Gòn đình công, bất hợp tác với Pháp. Các công sở, hãng buôn đóng cửa, chợ không họp, các ụ chiến đấu hình thành khắp nơi trong thành phố. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam bộ nhất tề đứng dậy, tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn rung động cả nước.

Ngày 24-9-1945, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời hiệu triệu nhân dân cả nước dốc sức ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ. Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta; đồng thời chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Chỉ bằng mã tấu, gậy tầm vông và tấm lòng quả cảm, những người dân Nam bộ thành đồng đã nhất tề đứng lên dũng cảm chiến đấu với kẻ thù. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những ngày đầu ở Nam bộ đã đánh đòn đầu tiên và mạnh mẽ vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, tiêu hao sinh lực địch, kìm chân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian, góp phần giữ vững chính quyền non trẻ của nhân dân.

TS Vũ Trung Kiên

(Học viện Chính trị khu vực 2)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202009/ky-niem-75-nam-ngay-nam-bo-khang-chien-23-9-1945-23-9-2020-nam-bo-khang-chien-mien-nam-di-truoc-ve-sau-3023100/