Nam Bộ đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông cho nên ngày 19-10 ở khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông; các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 40 đến 80 mm/24 giờ, có nơi hơn 100 mm/24 giờ. Từ ngày 20-10, mưa ở khu vực Trung Bộ giảm dần. Khu vực Nam Bộ, từ ngày 19 đến 23-10, có mưa rào và dông rải rác; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình hướng dẫn phòng trừ sâu keo. Ảnh: ÐẶNG LOAN

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình hướng dẫn phòng trừ sâu keo. Ảnh: ÐẶNG LOAN

Sáng 18-10, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cho biết, mưa lớn khiến mực nước nhiều hồ chứa thủy điện, thủy lợi lên cao.Tại khu vực Bắc Trung Bộ, có một hồ vận hành xả tràn: Cửa Ðạt (Thanh Hóa) xả 69 m3/giây. Khu vực Tây Nguyên có sáu hồ xả tràn: Ðác Uy (Kon Tum) xả 10 m3/giây; Ayun Hạ, Ia MLá (Gia Lai), Buôn Yông (Ðác Lắc) xả 5 m3/giây; Ea Soup Thượng, Krông Buk Hạ (Ðác Lắc) xả 20 m3/giây...

Ngày 18-10, ở tỉnh Phú Yên đã có mưa vừa, mưa to đến rất to; lượng mưa đo được tại một số nơi như sau: Chí Thạnh 75 mm, lưu vực Thái Long 62 mm, Ðập Ðồng Tròn 57 mm, An Xuân 55 mm, lưu vực Xuân Lộc 51 mm,… Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các huyện: Sông Hinh, Sơn Hòa, Tuy An.

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia vừa cập nhật tình hình thời tiết hạn dài trên phạm vi cả nước. Dự báo, mùa đông sẽ xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại vào tháng 1 và tháng 2 của năm 2020. Ðề phòng các đợt rét đậm kéo dài từ 5 đến 10 ngày trong thời gian này và khả năng xuất hiện băng giá, sương muối, nhất là khu vực vùng núi phía bắc.

Từ nay đến tháng 12, trên các sông ở Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ là thời kỳ lũ chính vụ, dòng chảy trên các sông có xu thế tăng dần. Trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện từ ba đến bốn đợt lũ vừa; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xuất hiện một đến hai đợt lũ nhỏ. Tuy nhiên, sau các đợt lũ thì tính chung, lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên vẫn phổ biến thấp hơn trung bình cùng kỳ từ 10 đến 35%, một số sông thấp hơn 50%.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 123 hồ chứa với tổng dung tích trữ hơn 407 triệu m3, tuy nhiên có nhiều hồ chứa hư hỏng, xuống cấp. Ðể bảo đảm an toàn cho vùng hạ lưu, nhất là trong mùa mưa bão, tỉnh đang tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hồ đập, khẩn trương thi công, kịp tích nước cho vụ đông xuân 2019 - 2020.

Tại huyện Tây Trà (Quảng Ngãi), các đội thi công đang huy động nhân lực khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành kè chống sạt lở tại các khu tái định cư ở các vùng triền núi, ven sông suối cho khoảng gần 400 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có năm khu tiếp giáp với núi, khu vực nguy cơ sạt lở cao.

Ðể chủ động phòng, chống hạn, mặn xâm nhập mùa khô 2019 - 2020, các huyện ven biển tỉnh Kiên Giang đã đắp đập ngăn mặn và đóng cống để giữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Huyện An Biên đã trích kinh phí hơn 800 triệu đồng để đắp 23 đập tạm. Hiện toàn huyện đã gieo sạ xong hơn 20.700 ha lúa mùa; 8.300 ha lúa đông xuân 2019 - 2020 dự kiến sẽ gieo sạ dứt điểm vào cuối tháng 10.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, đến nay đã có hơn 2.250 m bờ sông, bờ biển trên địa bàn bị sạt lở, trong đó Kế Sách là địa phương bị ảnh hưởng nặng với tổng chiều dài bị sạt lở lên đến 1.300 m. Hiện tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục thiệt hại nhằm bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng cho người dân.

Cục Thú y cho biết, lũy kế từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 10, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại hơn 8.200 xã thuộc hơn 650 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5,6 triệu con; với tổng trọng lượng là hơn 320 nghìn tấn, chiếm khoảng 8,3% tổng đàn lợn của cả nước.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, hiện DTLCP trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, đã phải tiêu hủy gần 16 nghìn con. Chi cục khuyến cáo, các địa phương tuyệt đối không được nhập lợn từ nơi khác vào vùng dịch để chăn nuôi lợn. Trong thời gian có dịch, các trại nuôi, nhất là chăn nuôi hộ chưa nên tái đàn, tránh những thiệt hại không đáng có.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh đã tiêu hủy 68.906 con lợn do mắc DTLCP. Hiện tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ mầm bệnh còn tiềm ẩn, việc tái đàn chưa thể thực hiện.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện cả nước có hơn 16.400 ha ngô bị nhiễm sâu keo mùa thu ở 43 trong số 63 tỉnh, thành phố.Trước tình hình này, Cục vừa ban hành quy trình kỹ thuật phòng, chống để các địa phương phổ biến, hướng dẫn nông dân áp dụng, giúp việc phòng chống sâu keo mùa thu hiệu quả và an toàn bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, bao gồm biện pháp canh tác, thủ công, sinh học, bẫy, bả và biện pháp hóa học...

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41946902-nam-bo-de-phong-loc-set-va-gio-giat-manh.html