Nắm bắt tâm lý trẻ qua tranh vẽ

Vẽ tranh là một trong những liệu pháp các nhà tâm lý học sử dụng để điều trị tâm bệnh cho bệnh nhân. Đằng sau những bức tranh là bao câu chuyện đáng suy ngẫm về các mối quan hệ trong gia đình cũng như bài học cho cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con.

Một bạn trẻ đang chữa bệnh tâm lý bằng vẽ tranh - Ảnh: NVCC.

Dùng hội họa điều trị tâm bệnh

“Con gái tôi ngày càng trái tính trái nết. Cháu không chịu nghe lời mà thích làm theo ý mình. Tôi hết chịu nổi với nó rồi”, chị N.M.H mệt mỏi dẫn theo con gái tuổi teen tới gặp ThS. tâm lý Võ Thị Minh Huệ- Trung tâm tư vấn tâm lý trẻ, TP.HCM.

ThS. Huệ đã nói cháu gái hãy vẽ một bức tranh về bất cứ chủ đề gì mà cháu muốn. Lát sau, bức tranh về gia đình cháu hoàn thành, có hình người bố, người mẹ và một đứa trẻ đứng ở một bên và cháu gái đứng tách ra ở phía bên kia.

“Thông thường, một đứa trẻ sẽ vẽ bố mẹ đứng hai bên, ở giữa là các con với ngụ ý bố mẹ che chở cho con. Nhưng, trong tranh của mình, cháu bé lại tự đứng tách ra khỏi bố mẹ và em. Điều này cho thấy quan hệ giữa cháu và bố mẹ, em có vấn đề, hoặc cháu không cảm nhận được sự chăm sóc, che chở của bố mẹ dành cho mình”- ThS. Huệ nhớ lại.

Khi trò chuyện thêm, ThS. Huệ phát hiện bạn trẻ này luôn có cảm giác bố mẹ chỉ yêu em mà không quan tâm đến mình. Tâm tư đó đã đeo bám cháu và biến thành những hành động tiêu cực. Bệnh nhân âm thầm giận dỗi bố mẹ, oán trách em vì cho rằng, em là nguyên nhân khiến cháu bị bỏ rơi.

Dùng hội họa để điều trị tâm bệnh là liệu pháp đã được các nhà tâm lý trên thế giới sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, tại Việt Nam, liệu pháp này vẫn còn mới mẻ và mới được số ít phòng tư vấn tâm lý sử dụng. Một phần vì không phải chuyên gia tâm lý nào cũng có kiến thức hội họa để hiểu, cảm thụ và “giải mã” được bức tranh.

Từng màu sắc, cách bố cục, nét vẽ… trong tranh đều có thể bộc lộ mong muốn, nỗi niềm, cảm xúc suy nghĩ, tư duy nằm sâu trong vô thức của người vẽ. Mặt khác, điều trị bằng tranh vẽ đòi hỏi sự kỳ công, tinh tế, nhạy cảm của chuyên gia cũng như cần nhiều thời gian trong điều trị hơn các liệu pháp khác.

Khi bệnh nhân ngồi vẽ, nhiệm vụ của các chuyên gia là âm thầm quan sát và ghi chú lại những biểu hiện của người đó. Ngay cả cách vẽ cũng cho thấy nhiều thông điệp.

Có người tự vẽ tranh, nhưng có người luôn ngước nhìn mọi người. Có bạn trẻ không biết mình phải vẽ gì, chọn màu nào hoặc muốn vẽ nhưng luôn chờ người thân đồng ý mới làm, cho thấy bạn đó không có quyền quyết định đến cuộc sống, sở thích của bản thân.

Tất nhiên, không phải bức tranh vẽ nào cũng liên quan đến vấn đề nội tâm, cũng như không phải tranh vẽ lệch lạc là thể hiện chủ nhân bức tranh không bình thường. “Đây chỉ là một kênh thông tin tham khảo giúp các chuyên gia tư vấn hiểu hơn bệnh nhân của mình. Sau đó chúng tôi vẫn sẽ trò chuyện với bệnh nhân rồi mới đề ra các biện pháp chữa trị thích hợp”, ThS. Minh Huệ cho biết.

Khi bệnh nhân ngồi vẽ, nhiệm vụ của các chuyên gia là âm thầm quan sát và ghi chú lại những biểu hiện của người đó. Ngay cả cách vẽ cũng cho thấy nhiều thông điệp - Ảnh minh họa.

Cha mẹ đừng “vẽ” cuộc đời thay con

Theo chuyên gia độc lập Vũ Thu Hà, trong thời hiện đại, tỷ lệ bạn trẻ mắc bệnh tâm lý được đưa đến các phòng khám tâm lý có chiều hướng gia tăng. Đa phần bệnh nhân mắc các triệu chứng như khó khăn trong giao tiếp với mọi người, cảm thấy không thích học và không tìm được động lực học tập; không biết chơi các trò chơi bổ ích (trong khi vẫn chơi games trên internet), không thể tham gia các hoạt động bên ngoài, cô đơn trong gia đình của mình.

Trong thời @, nhiều bạn trẻ chỉ biết quay cuồng trong vòng xoáy học tập hay công việc tối ngày tới mức không biết sở thích của mình là gì, mình là ai. Trong khi đó, cha mẹ là người sống bên con nhiều nhất, nhưng lại không thể hiểu được con mình cũng như thiếu cả kỹ năng làm bạn với con.

“Những gì quyết định tương lai của con, không phải chỉ nằm trong trang sách mà còn nằm ở sự trải nghiệm cuộc sống. Trong thời @, tỷ lệ cha mẹ chơi cùng con cũng ngày một ít dần. Cha mẹ hãy cho con cơ hội trải nghiệm và chỉ đứng bên chỉ dẫn con thay vì vẽ cuộc đời thay con”- ThS. Vũ Thu Hà cho biết.

Theo ThS. Huệ, một đứa trẻ nếu không có tuổi thơ bình yên, thì lớn lên cũng sẽ dễ dàng mang theo các ẩn khúc và không cân bằng về tâm lý, lúng túng khi giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Vai trò của chuyên gia tâm lý, không chỉ là chữa để bệnh nhân trở lại cân bằng tâm lý, mà quan trọng hơn còn là “phòng” bệnh. Vì thế, nếu chỉ có chuyên gia mà người thân của bệnh nhân không thay đổi quan niệm, cách nuôi dạy con thì việc chữa trị này khó mang lại kết quả.

Vừa điều trị, ThS. Huệ đã gặp gỡ cha mẹ bệnh nhân để giúp họ hiểu hơn về con mình, nhất là khi cháu bước vào giai đoạn trưởng thành. Chị đã khuyên chị N.M.H hãy quan tâm và dành tình cảm đều cho hai con; anh C, không nên gây áp lực mỗi khi con gặp thất bại…

Liệu pháp vẽ tranh có thể áp dụng cho trẻ em, thanh niên, người lớn. Một số thí dụ “đọc” được qua tranh: Bệnh nhân có vấn đề tâm lý liên quan đến gia đình, thường vẽ tranh không có người; đóng khung bức tranh bằng hàng rào, bức tường hay vẽ cây ít lá thể hiện sự thiếu sức sống; bệnh nhân sử dụng gam màu tối khi vẽ, tô hình bản thân bằng màu đen nhiều khả năng không nhận thức được bản thân mình; có người vẽ những chùm dây điện chằng chịt, rất có thể liên quan đến việc bản thân đang bị rối nhiễu trong các mối quan hệ, chưa tìm được hướng đi, mục đích sống và hoang mang trong thế giới @; lại có người vẽ bức tranh lệch sang trái hay phải có thể biểu hiện của lối nghĩ lệch lạc đang tiềm ẩn; hay vẽ người rất to hoặc rất nhỏ cho thấy bệnh nhân đang đặt mong muốn vào nhân vật đó. Nạn nhân của bạo lực học đường, trong tranh vẽ có thể nhuốm màu bạo lực với súng ống, dao găm…

Quỳnh Chi

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/camera-phu-huynh/nam-bat-tam-ly-tre-qua-tranh-ve-post36496.html