Nắm bắt cơ hội từ khủng hoảng

Năm 2021, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, đây là mục tiêu không khó nhưng tùy thuộc vào 2 biến số quan trọng đó là diễn biến dịch Covid-19 và nỗ lực cải cách hành chính của Việt Nam.

Dư địa lớn

2020 được đánh giá là một năm đầy khó khăn và thử thách đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Dịch Covid-19 “ập” đến không báo trước được ví như “kẻ thù giấu mặt”, khiến hầu hết các nền kinh tế trên thế giới và ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Là một nền kinh tế nhỏ, phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu (XK) và các đối tác thương mại, đầu tư lớn, kinh tế Việt Nam đã bộc lộ nhiều điểm yếu và đã phải chịu cú sốc về nguồn cung, cũng như chịu tác động giảm mạnh về cầu trên nhiều lĩnh vực.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng cao trong năm 2020

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng cao trong năm 2020

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, hiệp hội, cộng đồng DN nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19, vừa tăng trưởng kinh tế, năm 2020 tăng trưởng GDP vẫn dự báo đạt gần 3%. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương trong năm nay.

Theo ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tăng trưởng dương. Tuy nhiên, độ mở của nền kinh tế lớn, phụ thuộc đáng kể vào chuỗi thương mại toàn cầu, trong khi sức chống chịu của DN còn hạn chế do trên 90% DN có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Để phục hồi, phát triển, đòi hỏi các DN phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba và chính sự gắn kết, hợp tác, chia sẻ trong cộng đồng DN là động lực đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Theo TS Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Thương mại toàn cầu năm nay sụt giảm nghiêm trọng nhưng Việt Nam đã nỗ lực XK được nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới… Đặc biệt, nếu như trước đây Việt Nam không hiệu quả trong việc số hóa, nhưng từ khi khủng hoảng do dịch bệnh xảy ra thì 2/3 công ty ở Việt Nam đã chuyển đổi, hoặc chuyển hướng sang sử dụng nền tảng số. Đây là minh chứng cho sự thích ứng nhanh, khẳng định Việt Nam đã biết nắm bắt cơ hội từ khủng hoảng.

Bày tỏ tin tưởng và lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, TS Jacques Morisset cho hay, dù kinh tế thế giới vẫn diễn biến khó lường, nhưng kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ tăng tốc mạnh mẽ, có thể đạt mức tăng trưởng trên 6% trong năm 2021. Nhận định về mục tiêu tăng trưởng GDP 6% mà chính phủ đặt ra cho năm 2021, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho rằng: Chúng ta còn dư địa rất lớn cho sự phát triển, nên mức tăng trưởng 6% trong năm 2021 không phải là khó.

Gỡ điểm nghẽn môi trường kinh doanh

Tuy vậy, theo ông Vũ Tiến Lộc, để đạt mục tiêu tăng trưởng trên, cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thủ tục hành chính, đồng thời tập trung xử lý các điểm nghẽn trong môi trường đầu tư kinh doanh, những điểm chồng chéo về chính sách pháp luật mà cộng đồng DN đã từng đề nghị… nhằm tạo ra động lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Về phía cộng đồng DN cần phải tiếp tục nâng cấp hoạt động, trong đó phát triển bền vững và chuyển đổi số không phải là sự lựa chọn mà là con đường bắt buộc để DN nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình - nhận định: Với đà tăng trưởng năm 2020 khoảng gần 3%, trong điều kiện chúng ta mất hơn nửa năm phòng, chống dịch Covid-19, giãn cách xã hội, thì mục tiêu tăng trưởng GDP trên 6% năm 2021 hoàn toàn có thể thực hiện được với điều kiện, cần tập trung vào tất cả các nội dung cả vĩ mô và vi mô.

Chuyển đổi số là con đường tất yếu để doanh nghiệp phát triển

Cụ thể, về vĩ mô cần tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN; rà soát lại các luật bất hợp lý… nếu có điều khoản nào không phù hợp không nhất thiết phải chờ đến khi có nhiều điều luật bất hợp lý mới sửa, điều này sẽ rất mất thời gian. Chúng ta cần làm một luật sửa nhiều luật…

Về vi mô, các DN phải ý thức được rằng muốn tồn tại và phát triển cần nêu cao tinh thần khởi nghiệp, để DN nhỏ và vừa sẽ trở thành DN lớn, DN lớn sẽ trở thành các tập đoàn lớn hơn. Các DN cũng cần đặc biệt chú ý đến chất lượng, giá thành, mẫu mã, chiến lược phân phối. Đã đến lúc các DN cần có bước chuyển tư duy sang giai đoạn mới để tranh thủ thời gian, tận dụng cơ hội, nhất là khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, muốn cộng đồng DN phát triển bền vững thì phải có hệ sinh thái thích hợp, hệ thống chính sách ổn định, minh bạch. Có thể thấy, Việt Nam đã rất nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, tuy nhiên vẫn chưa đạt được mục tiêu đặt ra là trở thành một trong 4 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh tốt nhất trong ASEAN. Đây sẽ là hành trình mà cộng đồng DN kỳ vọng sẽ đạt được trong năm 2021.

Nghị quyết 124/2020/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu, gồm: GDP tăng khoảng 6%; GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%...

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nam-bat-co-hoi-tu-khung-hoang-150248.html