Nắm bắt cơ hội trong đại dịch

Ngay từ đầu năm 2021, làn sóng thứ 3 của dịch COVID-19 tiếp tục gây ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp (DN) nói chung trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, các DN may đã lên kế hoạch sản xuất - kinh doanh từ trước, đồng thời nỗ lực nắm bắt cơ hội trong gian khó nên đã duy trì ổn định hoạt động sản xuất và tạo việc làm cho hàng chục nghìn người lao động.

Sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn tại Công ty TNHH May xuất khẩu Vina Garment ở T.P Thái Nguyên

Sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn tại Công ty TNHH May xuất khẩu Vina Garment ở T.P Thái Nguyên

Kết thúc tháng 1-2021, sản phẩm may xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 33 triệu USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài lý do dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN may duy trì ổn định sản xuất thì bước vào năm 2021, phần lớn DN may đã xây dựng kế hoạch ứng phó sản xuất trong điều kiện mới. Cụ thể như, các DN may đã chuẩn bị sẵn nguyên phụ liệu sản xuất, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm...

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cho biết thêm: Thay vì ký kết nhiều đơn hàng nhỏ, TNG đã thay đổi chiến lực kinh doanh là ký kết các đơn hàng có quy mô lớn, ổn định và mang lại lợi nhuận cao. Về sản phẩm, năm 2021, Công ty đầu tư xây dựng mới nhà máy sản xuất sản phẩm lều cắm trại tại Nhà máy May TNG Phú Bình với 2 dây chuyền, góp phần nâng doanh thu thêm 2 tỷ đồng/năm; nghiên cứu sản xuất quần áo bảo hộ lao động xuất khẩu sang EU.

Còn đối với Công ty TNHH May xuất khẩu Vina Garment ở T.P Thái Nguyên, ông Ngô Quang Phúc, Giám đốc Công ty cho biết: Trước đây, mặt hàng may truyền thống của Công ty là quần áo y tế xuất khẩu sang Nhật và bộ đồ phòng sạch cho Tập đoàn Samsung. Tuy nhiên, dịch COVID-19 khiến cho việc nhập nguyên liệu và thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng này bị sụt giảm đáng kể. Do đó, từ cuối năm 2020 đến nay, Công ty chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn với sản lượng trung bình 1,3 triệu sản phẩm/tháng, xuất khẩu sang Mỹ, Nhật và Hàn Quốc.

Ở một góc độ khác, nếu như trước đây, xuất khẩu sản phẩm may của Thái Nguyên sang thị trường EU gặp phải nhiều khó khăn do không đáp ứng tiêu chí nguồn gốc xuất sứ hàng hóa thì sau các đợt dịch COVID-19 vừa qua, việc đứt gãy nguyên liệu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc khiến các DN may trở nên lao đao. Thì nay, các DN đã tăng cường liên kết mua, bán nguyên liệu trong nước; chia sẻ đơn hàng, học hỏi kinh nghiệm của nhau như công nghệ, máy móc, thực hiện các tiêu chí về môi trường... Điều này sẽ giúp các DN thay đổi tư duy, tiếp cận phát triển DN theo hướng bền vững, gia tăng cơ hội hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do...

Hoàng Cường

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/nam-bat-co-hoi-trong-dai-dich-281720-108.html