Năm ảm đạm của làng báo Mỹ

Thống kê mới công bố của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy, trong năm ngoái, tình hình xuất bản báo chí ở Mỹ vẫn tiếp tục ảm đạm, thậm chí còn thấp hơn năm trước. Đây cũng là năm ngành báo chí Mỹ mất thêm nhiều việc làm.

Độc giả xem báo in tại Mỹ

Sụt giảm doanh thu

Theo Pew, trong năm 2017, tổng số nhật báo phát hành ở Mỹ kể cả báo in và báo điện tử vào ngày thường trong tuần là 31 triệu bản, riêng trong các ngày chủ nhật là 34 triệu bản, giảm lần lượt là 11% và 10% so với năm 2016. Tuy nhiên, các con số trên chưa tính số lượng phát hành bản điện tử của 2 nhật báo lớn là New York Times và Wall Street Journal vì chưa có thống kê thuê bao. Hai tờ báo hàng đầu tại Mỹ vẫn duy trì lượng độc giả khá ổn định nhờ hàng loạt bài viết có chất lượng cao cũng như sự chuyển mình phù hợp với xu thế báo chí hiện nay. Nhận ra xu thế đi xuống của báo giấy và sự phát triển của truyền thông số, New York Times và Wall Street Journal tăng tốc đầu tư cho truyền thông đa phương tiện. Tính riêng trong năm 2017, ấn bản điện tử New York Times đã tăng 42%, con số này ở Wall Street Journal là 10%.

Cũng theo nghiên cứu trên, thu nhập từ quảng cáo trên báo chí ở Mỹ trong năm 2017 giảm 10% so với năm 2016, xuống còn 16,5 tỷ USD. Trong khi đó, thu nhập từ phát hành báo lại tăng 3%, đạt 11,2 tỷ USD. Dựa trên những số liệu chính thức do Chính phủ Mỹ cung cấp, Pew cho biết trong năm qua, tại Mỹ chỉ có hơn 39.000 người làm công tác báo chí, bao gồm các phóng viên, biên tập viên, nhà nhiếp ảnh, biên tập phim và video, giảm gần 8% so với năm trước đó và 15% so với năm 2004. Theo tờ MediaPost, trong năm ngoái, mức thu nhập trung bình của một biên tập viên báo chí ở mức 49.000 USD/năm và một phóng viên là 34.000 USD/năm.

Ông Mike Barthel, một trong các nhà nghiên cứu của Pew, cho biết một trong những nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến nghiên cứu này là do 2017 là năm hậu bầu cử tổng thống Mỹ. Giới chuyên gia cho rằng, mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa chính quyền Mỹ hiện nay với truyền thông Mỹ phần nào gây tác động đến doanh thu làng báo xứ cờ hoa. Năm 2016, báo chí Mỹ đã rơi vào cuộc chiến với ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa và nay là Tổng thống Donald Trump. Hai bên không ngừng công kích lẫn nhau và kéo dài cho đến năm 2017. Ban đầu, các cuộc tranh cãi giữa ông Trump và các tờ báo lớn của Mỹ chỉ xuất hiện lẻ tẻ nhưng có xu hướng tăng dần, ngày càng nghiêm trọng hơn sau khi tỷ phú Mỹ chính thức nhậm chức, trở thành ông chủ thực sự ở Nhà Trắng. Cuộc chiến dai dẳng này làm không ít người dân Mỹ cảm thấy chán ngán. Trong cuộc khảo sát của Pew vào năm ngoái, khoảng 83% dân Mỹ khẳng định, quan hệ giữa chính quyền ông Donald Trump và truyền thông nội địa không lành mạnh. Khi thăm dò về mức độ ảnh hưởng của quan hệ giữa chính quyền ông Donald Trump và các cơ quan truyền thông, 73% người được hỏi cho rằng, thực trạng này ảnh hưởng đến việc họ tiếp nhận tin tức. Ông Donald Trump từng nhiều lần cáo buộc một số tờ báo và đài truyền hình rằng họ đã cố tình đưa “tin giả” về số liệu thống kê người ủng hộ ông, thậm chí là số người đến tham dự lễ nhậm chức của ông hồi đầu năm 2017 để cổ vũ dư luận chống lại ông trước và sau cuộc bầu cử hồi tháng 11-2016.

Sức ép từ truyền thông xã hội

Trong tháng 6 năm nay, ngành in ấn của Mỹ lại đón nhận thông tin gây hoang mang khi chính quyền Mỹ muốn áp thuế chống bán phá giá hơn 20% đối với sản phẩm giấy nhập khẩu từ Canada dùng để in sách và báo giấy. Mỹ đang sử dụng hơn 60% lượng giấy nhập khẩu từ Canada để phục vụ cho ngành in. Nếu mức áp thuế tăng sẽ dẫn đến nguy cơ mất thêm nhiều việc làm trong ngành in ấn lẫn báo chí Mỹ. Giới xuất bản báo chí Mỹ đã phải ngồi lại và kêu gọi Chính phủ Mỹ xem xét lại mức áp thuế để tránh hậu quả tiêu cực cho ngành in ấn và các tờ báo tại Mỹ, nhất là tại các tờ báo địa phương.

Trong khi đó, theo nhận định của tập đoàn Moody’s, triển vọng ngành báo và tạp chí Mỹ sẽ rơi vào xu thế ảm đạm khi doanh thu quảng cáo tiếp tục sụt giảm và các ông chủ làng báo không kịp cắt giảm chi phí và thúc đẩy doanh số quảng cáo trên ấn bản điện tử để bù đắp thiệt hại này. Quảng cáo trên báo hiện chiếm ít hơn 10% tổng thị phần quảng cáo của Mỹ. Do đó, thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao hữu cơ của ngành này sẽ giảm 7%-10% từ đầu đến giữa năm 2018.

Theo Alina Khavulya, nhà phân tích cấp cao của Moody’s, thói quen của độc giả đã dần thay đổi do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Nếu không thích ứng với sự thay đổi trên, nhiều tờ báo sẽ rơi vào quy luật đào thải khốc liệt trong giai đoạn này. Không thể phủ nhận rằng, sức ảnh hưởng ngày càng tăng của nhiều kênh thông tin trên mạng xã hội, còn gọi là truyền thông xã hội đã làm nảy sinh cuộc cạnh tranh gay gắt với truyền thông chính thống. Nhiều tờ báo đã lên tiếng cáo buộc rằng, mạng xã hội đang chia sẻ hàng triệu bài báo trên nền tảng của họ, thu tiền quảng cáo mà không phải trả phí bản quyền cho các tòa soạn. Tại châu Âu, 9 cơ quan báo chí lớn cùng kêu gọi các hãng dịch vụ internet như Facebook, Google phải trả phí cho nội dung tin tức được chia sẻ thông qua hệ thống của họ. Họ cho rằng, Facebook hay Google không có tòa soạn riêng, cũng không có các nhà báo sẵn sàng mạo hiểm tính mạng ở Syria, hay những biên tập viên phụ trách việc kiểm duyệt, xác thực thông tin mà phóng viên thu thập được, nhưng 60%-70% doanh thu của họ đang đến từ quảng cáo, phần lớn trong số đó là nhờ công sức của người khác. Cuộc chiến này đang ngày càng nóng khi người dùng bắt đầu chuyển từ máy tính sang thiết bị di động để theo dõi tin tức. Theo thống kê của Pew, số người chọn đọc tin trên thiết bị di động đã tăng lên 65% trong năm 2017.

Những năm qua, Facebook, Google đã tạo ra những công cụ giảm thời gian tải nội dung trên thiết bị di động. Năm 2015, Facebook công bố Instant Articles, cho phép các nhà xuất bản lưu nội dung di động trên máy chủ của Facebook để người dùng mạng xã hội có thể mở bài báo tức thì. Năm 2016, Google có động thái tương tự khi tung ra tính năng Accelerated Mobile Pages (AMP), cho phép người dùng mở bản tin với thời gian tải trang gần như bằng không. Trong khi cả AMP lẫn Instant Articles cải thiện trải nghiệm di động của người dùng, những công cụ này lại gây thiệt hại không nhỏ cho các tòa soạn vì chúng loại bỏ đường link gốc, những nội dung liên quan cuối bài, không hiển thị bình luận của độc giả, không đăng quảng cáo..., khiến doanh thu báo chí sụt giảm.

PHƯƠNG NAM (Tổng hợp)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nam-am-dam-cua-lang-bao-my-527136.html