Nam A Bank sắp lên sàn, chia cổ tức 16% bằng cổ phiếu

Là ngân hàng đầu tiên tổ chức đại hội cổ đông năm 2019, Nam A Bank cho biết sẽ niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đã phát hành lên sàn chứng khoán và tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỉ đồng.

Ngày 23-3, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2019.

Đại hội đã nhất trí thông qua việc niêm yết toàn bộ số cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) cùng phương án tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỉ đồng.

Theo HĐQT Nam A Bank, thị trường chứng khoán thời gian qua diễn biến tích cực nên đã xin ý kiến đại hội thông qua việc niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đã phát hành của ngân hàng lên HOSE. Việc niêm yết cũng nhằm thực hiện quy định của cơ quan quản lý, giúp tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, nâng cao hình ảnh và thương hiệu.

Nam A Bank sẽ lên sàn trong năm nay. Ảnh: Linh Anh

Nam A Bank sẽ lên sàn trong năm nay. Ảnh: Linh Anh

Vốn điều lệ của Nam A Bank tại thời điểm 31-12-2018 là 3.353 tỉ đồng. Ông Lê Quang Quảng, Phó tổng giám đốc Nam A Bank, cho biết năm nay, HĐQT tiếp tục xin ý kiến cổ đông về việc tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỉ đồng, thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỉ lệ 16%, chào bán cổ phiếu riêng lẻ, chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động...

Năm 2019, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhất trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 800 tỉ đồng. Năm ngoái, lợi nhất trước thuế hợp nhất của Nam A Bank đạt tới 743 tỉ đồng, tăng 147% so với cùng kỳ.

Tại đại hội, một số ý kiến cổ đông mong muốn được chia cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, lãnh đạo Nam A Bank cho biết việc chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, tăng năng lực tài chính cho ngân hàng.

Ông Võ Văn Thuần, Phó cục trưởng Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (Cục II), cho biết tại TP HCM, trong số 12 tổ chức tín dụng có trụ sở chính, một số ngân hàng chia cổ tức, có ngân hàng không chia và Nam A Bank chia cổ tức 16% bằng cổ phiếu là tích cực. Bởi chủ trương chia cổ tức phải được Ngân hàng Nhà nước thông qua sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.

Cũng theo ông Võ Văn Thuần, năm nay Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cảnh báo các tổ chức tín dụng không đổ vốn vào những lĩnh vực rủi ro như cho vay tiêu dùng, bất động sản, chứng khoán. Riêng bất động sản, nhu cầu vốn trung dài hạn nhưng phần lớn nguồn tiền gửi ngân hàng huy động là ngắn hạn nên kiểm soát dòng vốn đổ vào lĩnh vực này là cần thiết.

Thái Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/nam-a-bank-sap-len-san-chia-co-tuc-16-bang-co-phieu-20190323134452871.htm