Năm 2027 khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Năm 2027, quy mô nền kinh tế ước tính khoảng 564 tỷ USD, nên nguồn lực triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không còn là trở ngại lớn.
Chiều 3/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, nhằm lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp về kinh nghiệm triển khai các dự án.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, các dự án trọng điểm đang được tích cực triển khai thi công, phấn đấu đến năm 2025, cả nước có trên 3.000 km đường bộ cao tốc.
Đến 2035 cơ bản hoàn thành toàn tuyến
Bộ Giao thông Vận tải cho biết dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với chiều dài khoảng 1.541 km dự kiến khởi công vào cuối năm 2027, phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.
Để đạt các mục tiêu trên, Bộ cho rằng năng lực và kinh nghiệm của các nhà thầu, doanh nghiệp xây dựng đóng vai trò then chốt, quyết định.
Bộ dẫn chứng tại dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, có khoảng 50 doanh nghiệp tham gia thi công. Giá trị đảm nhận của mỗi doanh nghiệp tại mỗi gói thầu trung bình khoảng 500 tỷ đồng, trong đó giá trị nhà thầu đảm nhận lớn nhất tại một gói thầu khoảng 2.300 tỷ đồng.
Các nhà thầu trong nước dần lớn mạnh, đã cơ bản làm chủ công nghệ, gồm khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng các công trình giao thông lớn, có tính chất, yêu cầu kỹ thuật phức tạp.
Trước đó tại buổi gặp mặt trao đổi, cung cấp thông tin về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào chiều 2/10, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV, thành viên Tổ chuyên gia của Ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao, cho biết nguồn lực là câu hỏi các đại biểu Quốc hội khóa XII đặt ra.
Thời điểm đó, tổng mức đầu tư dự án được tính toán là 56 tỷ USD, trong khi bối cảnh 2010-2011 nền kinh tế Việt Nam rất khó khăn. An toàn nợ công và bội chi là một trong những yếu tố chính khiến Quốc hội đi đến quyết định chưa thông qua.
Sau gần 14 năm thì mọi thứ đã khác. Theo Ngân hàng Thế giới, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao khi GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 4.282 USD và ước đạt khoảng 7.500 USD vào năm 2030.
Năm 2027, quy mô nền kinh tế sẽ lên đến khoảng 564 tỷ USD, nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV
Quy mô nền kinh tế năm 2023 khoảng 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với 2010. Nợ công xuống ở mức thấp, chỉ khoảng 37% GDP.
Dự kiến thời điểm triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao vào năm 2027, quy mô nền kinh tế sẽ lên đến khoảng 564 tỷ USD, nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn.
Cũng theo ông Phúc, Trung ương và Chính phủ cũng quyết định đầu tư công, để không rơi vào "bẫy nợ". Cơ quan quản lý có thể huy động vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ, vốn địa phương, nguồn vốn khác của Nhà nước.
Với nguồn thu từ bán vé, theo kinh nghiệm và tính toán, thời gian đầu, hiệu quả tài chính khó có thể bù đắp ngay, nhưng không phải là vấn đề lớn.
"Quan trọng nhất là tác động lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế xã hội, không chỉ là 20 địa phương có tuyến chạy qua mà còn là các địa phương khác khi giao thông kết nối phát triển. Và khi có đường sắt tốc độ cao thì khu kinh tế Vũng Áng sẽ thực sự là khu kinh tế trọng điểm quốc gia", ông Phúc nhấn mạnh thêm.
Tiếp tục nỗ lực, vượt qua giới hạn
Với các dự án hạ tầng khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết công trình Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến cơ bản hoàn thành trong năm 2025, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2025, nhà ga T2 Nội Bài cũng sẽ về đích đúng tiến độ.
Về đường cao tốc, đến nay đã hoàn thành hơn 2.000 km, đang thi công 1.700 km và sẽ khởi công thêm 1.400 km thời gian tới.
Về đường sắt, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc.
Các dự án cảng biển lớn tại Lạch Huyện (Hải Phòng), Liên Chiểu (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và cảng Cần Giờ (TPHCM) cũng đang được thúc đẩy.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá các dự án hạ tầng đã tạo không gian phát triển mới, giúp hình thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, làm tăng giá trị của đất đai, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giảm chi phí logistics giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, của nền kinh tế.
Thủ tướng ghi nhận thời gian qua, các doanh nghiệp xây dựng đã có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng trong triển khai các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách.
Chỉ đạo thêm, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực, vượt qua giới hạn và đẩy mạnh liên kết, hợp tác với đối tác nước ngoài.
"Chính phủ luôn đồng hành, lắng nghe, thấu hiểu với các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, trên tinh thần cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng, cùng phát triển, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nam-2027-khoi-cong-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-post1501867.html