Năm 2021, giáo dục Việt Nam có gì mới?

Năm 2021, ngành GD&ĐT sẽ triển khai những hoạt động, chương trình quan trọng như: Áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 2 và lớp 6; Tổ chức thi tốt nghiệp THPT; Chuyển đổi số trong lĩnh vực GD&ĐT…

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 dự kiến sẽ được tổ chức giữ ổn định như năm 2020. Ảnh minh họa: Q.Anh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 dự kiến sẽ được tổ chức giữ ổn định như năm 2020. Ảnh minh họa: Q.Anh

Lớp 2 và 6 học chương trình, sách giáo khoa mới

Theo lộ trình, năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) Giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội. Bộ GD&ĐT đã thành lập Hội đồng Thẩm định Quốc gia để thẩm định các bộ SGK, làm căn cứ cho các địa phương lựa chọn, đưa vào giảng dạy từ năm học tới. Đã có 33 bản mẫu SGK lớp 2 và 43 bản mẫu SGK lớp 6 của tất cả môn học, hoạt động giáo dục được gửi thẩm định.

Bộ GD&ĐT cho biết, với các bộ SGK lớp 2, lớp 6 đang trong quá trình thẩm định, Bộ chỉ đạo chú trọng khâu lấy ý kiến góp ý rộng rãi, đặc biệt từ giáo viên. Bộ cũng sẽ chỉ đạo, cùng các Sở GD&ĐT để nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực nghiệm SGK. Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, Chương trình Giáo dục phổ thông được thiết kế theo hướng mở, phát triển Chương trình là hoạt động thường xuyên, bao gồm các khâu đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình trong quá trình thực hiện.

Trong tháng 12/2020, Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo các Sở GD&ĐT về việc tổ chức góp ý các bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, để bảo đảm chất lượng SGK, đồng thời giúp cho giáo viên sớm tiếp cận với các bản mẫu SGK, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở tổ chức cho giáo viên dạy học các môn học, hoạt động giáo dục (môn học) tham gia góp ý các bản mẫu sách lớp 2 và lớp 6. Giáo viên sẽ tham gia 3 đợt để góp ý các bản mẫu SGK của các nhà xuất bản trước khi in và phát hành.

Thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cơ bản như năm 2020

Tại Hội nghị trực tuyến ngành Giáo dục toàn quốc năm 2020, Bộ GD&ĐT đã công bố về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Bộ GD&ĐT nêu rõ, từ những kết quả đã đạt được, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025 xác định cơ bản sẽ được giữ ổn định như năm 2020. Bộ GD&ĐT tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi đảm bảo chất lượng, phong phú, phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Trong hướng dẫn nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2020 - 2021 do Bộ GD&ĐT ban hành có nêu rõ, tổ chức Kỳ tốt nghiệp THPT năm 2021 theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2020. Kỳ thi nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học theo chuẩn đầu ra của chương trình, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh. Có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh, làm cơ sở xét tuyển vào đại học (nếu có nhu cầu).

Để kỳ thi diễn ra thành công, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi. Chuẩn bị ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa đủ lớn phục vụ ra đề thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, từng bước chuẩn bị các điều kiện để hướng tới có thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính tại những nơi có đủ điều kiện.

Học sinh được học kiến thức phòng, chống thiên tai

Bắt đầu từ ngày 01/01/2021, Quyết định 3162/QĐ-BGDĐT về Kế hoạch phòng, chống thiên tai Bộ GD&ĐT giai đoạn 2021 - 2025 chính thức có hiệu lực và thay thế Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT ngày 08/9/2011. Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, nhiều nội dung sẽ được thực hiện theo lộ trình từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó chú trọng đến việc đưa kiến thức phòng, chống thiên tai trở thành một nội dung trong các nhà trường. Cụ thể, theo lộ trình 2021 - 2025 sẽ đưa kiến thức về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào nhà trường.

Tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, giáo viên. Rà soát, đánh giá, điều chỉnh bổ sung các tài liệu hiện lưu hành liên quan đến phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong nhà trường ứng với từng cấp học phù hợp với định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới. Nghiên cứu biên soạn tài liệu phù hợp với đặc thù từng vùng miền, đặc điểm tâm sinh lý và lứa tuổi của từng cấp học được lồng ghép vào các môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa, tổ chức in ấn và cung cấp cho các cơ sở giáo dục trong toàn ngành.

Trong giai đoạn 5 năm, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức rà soát kiến thức, biên soạn tài liệu, bồi dưỡng giáo viên. Tổ chức dạy thí điểm, lồng ghép, tích hợp vào các môn học. Các hoạt động, chương trình, đề án liên quan. Tổ chức dạy đại trà ở các mức độ khác nhau… Nghiên cứu, thiết kế mô hình và thí điểm mẫu trường/lớp học phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại một số khu vực đặc thù. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tích hợp vào các chương trình liên quan. Bên cạnh đó, phối hợp xây dựng trường/lớp học phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở các địa phương. Lồng ghép với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng trường/lớp học, huy động tất cả các nguồn lực từ TW, địa phương, xã hội hóa và các tổ chức quốc tế.

Dự kiến năm 2021 sẽ thực hiện xóa bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ về ngoại ngữ, tin học. Ảnh: Q.Anh

Xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên

Liên quan đến thông tin dự kiến sẽ xóa bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT đã làm việc với Bộ Nội vụ để đi tới thống nhất xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên. Bộ Nội vụ đã có ý kiến chính thức tại Công văn số 4853 ngày 16/9/2020 và Công văn số 5646 ngày 27/10/2020. Sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ hiện thực hóa trong Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập sắp được ban hành.

Còn tại buổi họp Chính phủ thường kỳ diễn ra tối 2/12/2020, lãnh đạo Bộ GD&ĐT thông tin: Dự kiến từ tháng 2/2021, Thông tư mới được ban hành sẽ xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên. Chứng chỉ tin học, ngoại ngữ nằm trong kế hoạch rà soát văn bản quy định pháp luật của Bộ. Cụ thể, đây là Thông tư quy định về mã số tiêu chuẩn chức danh, nghề nghiệp của giáo viên mầm non và phổ thông. Với giáo viên phổ thông đang dạy, sẽ đưa vào chương trình đào tạo bồi dưỡng thường xuyên.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục

Bộ GD&ĐT cho biết, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện. Với quy mô hơn 53.000 cơ sở GD&ĐT, 24 triệu học sinh sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành giáo dục xác định thực hiện tốt chuyển đổi số sẽ góp phần triển khai thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số. Làm tốt chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhập quốc tế.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thông tin, năm 2007, từ một số ít trường cho phép người học đăng ký học tập, xem kết quả học tập, đóng học phí online, đến nay hầu hết các trường đại học đã triển khai loại hình này. Việc đăng ký thi THPT và xét tuyển qua mạng, các nghiệp vụ quản trị trường học cũng được số hóa, thực hiện trên nền tảng ứng dụng CNTT. Đến nay, đã có 5.000 bài giảng E-learning; 2.000 bài giảng dạy trên truyền hình, 200 đầu SGK phổ thông, 200 thí nghiệm ảo và hơn 35.000 câu hỏi trắc nghiệm. Thời điểm dịch COVID-19, 80% trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo đã tổ chức dạy và học trực tuyến. Trong đó có 79 cơ sở tổ chức quản lý dạy học hoàn toàn qua mạng.

Để đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ chú trọng triển khai ở 4 vấn đề cơ bản: Phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GD&ĐT; Phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; Xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; Phát triển triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/nam-2021-giao-duc-viet-nam-co-gi-moi-20201231141208354.htm