Năm 2020 thu hơn 150 tỉ đồng tác quyền âm nhạc

78 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2020 tại buổi lễ diễn ra ở Hà Nội ngày 17-1.

Cụ thể, hạng mục ca khúc gặt hái được thành công với 41 giải, trong đó có 3 giải A là "Tiếng khèn" (Vũ Duy Cương, thơ Hoàng Chiến Thắng), "Ơn thầy" (Đức Tân), "Nơi ấy tình yêu bắt đầu" (Phạm Anh Thông, thơ Nguyễn Hồng Sơn), 16 giải B và 22 giải C. Hạng mục ca khúc thiếu nhi có 2 giải A là "Đêm trăng nhớ Cuội" (Phạm Quang Trung), "Biển hát lời mẹ Âu Cơ" (Văn Thành Nho) cùng 3 giải B và 5 giải C.

Hạng mục giao hưởng có 1 giải A là giao hưởng thơ "Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản" (Nguyễn Ngọc Tú) và 1 giải C. Hạng mục hòa tấu thính phòng và hợp xướng không có giải A, có một giải B cho Tứ tấu dây (Mai Ngọc Hùng) và 5 giải C. Mảng lý luận và sách nghiên cứu không có giải A, có 5 giải B và 1 giải khuyến khích. Trong khi tác phẩm báo chí có 2 giải A thuộc về 10 bài báo nghiên cứu âm nhạc dân gian (Trần Thế Truyền) và 10 bài báo về âm nhạc năm 2019, 2020 (Phan Thuận Thảo)...

Liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền tác giả của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC, cho hay năm 2020, số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đã thu là hơn 150 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2019. Trong đó, số tiền thu tại khu vực phía Bắc là hơn 47,5 tỉ đồng, số tiền thu tại chi nhánh phía Nam là hơn 102,4 tỉ đồng.

Tổng số thành viên ký hợp đồng ủy quyền tại VCPMC đến nay là 4.540 tác giả. VCPMC đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả với số tiền (đã trừ phí quản lý) là hơn 107,4 tỉ đồng. Dự kiến trong tháng 1-2021 (trước Tết nguyên đán) sẽ tiến hành phân phối số tiền là 36 tỉ đồng.

Theo VCPMC, hàng loạt lĩnh vực hoạt động truyền thống của trung tâm này chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cụ thể, loại hình kinh doanh dịch vụ có sử dụng nhạc nền (sử dụng tác phẩm âm nhạc thông qua bàn ghi âm, ghi hình, các phương tiện truyền tải... tại các địa điểm kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, quán bar, cà phê, siêu thị, cửa hàng...) bị sụt giảm nghiêm trọng do tác động của dịch bệnh. Cá biệt, lĩnh vực khách sạn giảm mạnh bởi khách quốc tế không lưu trú, du lịch dẫn đến hệ thống các khách sạn 5 sao mất nguồn thu.

Trong khi đó, ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, dịch bệnh khiến hoạt động biểu diễn tê liệt trong nhiều tháng. Ngoài ra, nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn vẫn thường xuyên tìm cách né tránh, thậm chí công khai thách thức, không thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả hoặc lợi dụng nguyên tắc thỏa thuận để trì hoãn. Điều này dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền tác giả xảy ra khá thường xuyên trong thời gian qua, điển hình ở các sô diễn quy mô lớn và có doanh thu/giá vé cao.

Tuy nhiên, với việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0, tập trung nhân lực, kỹ thuật vào các lĩnh vực truyền thông, truyền hình nên hoạt động cấp phép vẫn giữ được đà tăng trưởng. VCPMC cho biết năm 2021 sẽ áp dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền tác giả theo đúng quy định của pháp luật, khởi kiện và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với các trường hợp cố ý làm trái quy định tại điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ về thực hiện nghĩa vụ "xin phép và trả tiền" khi sử dụng quyền tác giả.

Yến Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nam-2020-thu-hon-150-ti-dong-tac-quyen-am-nhac-20210117203606423.htm