Năm 2020, thu hồi hơn 18 ngàn hécta đất làm dự án

Trong năm 2020, Đồng Nai có khoảng 1.175 dự án của Trung ương, tỉnh, địa phương cần phải thu hồi đất để thực hiện. Trong số đó, có nhiều dự án quan trọng của quốc gia và tỉnh cần được ưu tiên thực hiện. Vì thế, nhiều địa phương đang phải tăng tốc cho công tác bồi thường.

Dự án bờ kè ven sông Cái (TP.Biên Hòa) kéo dài do gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải tỏa. Ảnh: H.Giang

Dự án bờ kè ven sông Cái (TP.Biên Hòa) kéo dài do gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải tỏa. Ảnh: H.Giang

Theo UBND tỉnh, diện tích đất cần phải thu hồi để triển khai các dự án trong năm nay lên đến 18.666 hécta, tập trung ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa. Với diện tích đất thu hồi lớn, giá đất ở nhiều địa phương đang ở mức hơn giá thực tế thì công tác bồi thường sẽ gặp không ít khó khăn.

* Người dân so sánh giữa bồi thường và giá “sốt ảo”

Các địa phương trong tỉnh đều có chung đánh giá rằng hiện nay trong thực hiện các dự án khâu khó khăn nhất là bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất đai của người dân. Vấn đề chính khiến nhiều người dân kiến nghị, chưa đồng thuận chủ yếu là giá bồi thường thấp hơn giá chuyển nhượng trên thị trường. Tuy nhiên, có những khu vực khi vừa có thông tin sẽ triển khai dự án (đặc biệt là đường giao thông) là giá đất đã bị đẩy lên khá cao, song thực tế rất ít người mua bán thực sự “sốt ảo”. Điều này lại gây khó cho địa phương khi thu hồi đất vì một số hộ dân thường so sánh giá bồi thường và giá đất đã bị các “cò đất” thổi lên cao.

TP.Biên Hòa là địa phương dẫn đầu tỉnh về số lượng dự án phải thu hồi đất trong năm 2020 với 215 dự án, diện tích cần thu hồi 677 hécta. Khả năng có nhiều dự án không thể khởi công đúng tiến độ vì thiếu tái định cư và chưa thu hồi được đất.

Bà Nguyễn Thị Giang Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch nhận xét: “Huyện có những dự án mà chỉ vì vướng vài hộ dân không chịu nhận bồi thường mà kéo dài nhiều năm không thể hoàn thành. Hiện nay, giá đất thị trường tại nhiều khu vực của huyện bị đẩy lên rất cao nên công tác bồi thường lại càng vất vả. Có những trường hợp vận động, làm việc nhiều lần không được, buộc phải cưỡng chế”. Huyện Nhơn Trạch năm nay có 170 dự án cần phải thu hồi 4.031 hécta đất, trong đó có nhiều dự án chuyển tiếp từ những năm trước qua.

Ông Lê Văn Tiếp, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho hay: “Ngoài các dự án của tỉnh, huyện thì Long Thành còn 2 dự án lớn cần phải ưu tiên thu hồi đất là Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Riêng dự án sân bay, do diện tích đất phải thu hồi lớn nên huyện dồn lực để làm kịp giao đất theo đúng tiến độ của Trung ương giao”. Ngoài 2 dự án lớn của quốc gia, theo kế hoạch năm nay, huyện Long Thành còn phải thu hồi hàng ngàn hécta đất cho 115 dự án khác trên địa bàn.

* Tập trung làm “tái định cư cho tái định cư”

Các dự án của tỉnh khi thực hiện đa số phải thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân và nhiều trường hợp bị giải tỏa trắng, cần bố trí tái định cư. Theo đó, buộc phải đầu tư xây dựng khu tái định cư trước rồi mới tiến hành bồi thường thu hồi đất của người dân. Không ít dự án còn phải làm “tái định cư chồng tái định cư”. Cụ thể là do thiếu quỹ đất sạch để xây dựng khu tái định cư nên một số dự án phải thu hồi đất của các hộ gia đình trong khu tái định cư và lại phải bố trí tái định cư cho những hộ này.

Hơn 60% các dự án tại Đồng Nai phải thu hồi đất trong năm 2020 thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Trong đó chủ yếu là làm mới, nâng cấp, mở rộng các đường giao thông.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc chia sẻ: “TP.Biên Hòa có nhiều dự án trọng điểm của tỉnh đang thực hiện và phải làm “tái định cư cho tái định cư” như: đường ven sông Cái, đường ven sông Đồng Nai, đường trục trung tâm thành phố... Do không có sẵn khu tái định cư nên công tác bồi thường thu hồi đất kéo dài đã khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ”.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh không hiếm dự án bị kéo dài 5-8 năm do vướng khâu bồi thường. Các chủ đầu tư cho hay, rất ít dự án công tác bồi thường thực hiện đúng tiến độ, hầu hết phải mất 3-5 năm, cá biệt có dự án lên đến 8-10 năm. Những năm qua, hàng loạt dự án quan trọng của tỉnh bị kéo dài chưa hoàn thành được do bồi thường là đường vào Cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch), hương lộ 2, bờ kè ven sông Cái (TP.Biên Hòa)...

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cho rằng, các dự án chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương. Bởi các dự án (đặc biệt các dự án hạ tầng giao thông) sớm hoàn thành đưa vào khai thác sẽ tạo đột phá cho địa phương trong phát triển kinh tế. “Trong thời gian tới, các địa phương trong tỉnh phải làm nhanh công tác bồi thường, giao đất sạch cho chủ đầu tư khởi công dự án. Những dự án còn lại một số hộ dân cố tình không giao đất thì sẽ tiến hành cưỡng chế, vì không thể để một vài hộ mà ảnh hưởng đến tiến độ của cả công trình lớn được”- Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Hương Giang

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202002/nam-2020-thu-hoi-hon-18-ngan-hecta-dat-lam-du-an-2986892/