Năm 2020: Dồn vốn cho vay lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục thắt chặt cho vay ngoại tệ

Sáng nay (31/12), Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Họp báo Tổng kết năm 2019 và Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020.

Lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, xử lý hơn 1 triệu tỷ đồng nợ xấu

Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, đến cuối năm 2019, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13% so với cuối năm 2018, thanh khoản hệ thống được đảm bảo.

Trong năm 2019, lãi suất có xu hướng giảm. Ngày 16/09/2019, NHNN điều chỉnh giảm đồng bộ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; từ ngày 19/11/2019 giảm 0,2 - 0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở.

Kết quả sau các động thái điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,2 - 0,5%/năm và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm. Các tổ chức tín dụng có thị phần lớn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên, áp dụng chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp với nhiều đợt cắt giảm trong năm 2019.

Về tỷ giá, trong năm qua, dù thế giới nhiều biến động, song tỷ giá trong nước vẫn diễn biến ổn định, thanh khoản dồi dào; NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Tại buổi họp Chính phủ với các địa phương ngày 30/12, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho hay, tính đến nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt xấp xỉ 79 tỷ USD, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ, NHNN đã mua vào 48 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối. Riêng năm 2019, NHNN đã mua vào 20 tỷ USD, tức là đưa ra nền kinh tế xấp xỉ 500 nghìn tỷ đồng nhưng vẫn chủ động điều tiết, trung hòa, đảm bảo không gây tác động lên lạm phát.

Tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tập trung phân bổ vào lĩnh vực sản xuất, ưu tiên. Tín dụng ngoại tệ tiếp tục được kiểm soát theo đúng lộ trình hạn chế đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.

Trong năm 2019, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và người dân tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen. Tính đến cuối năm 2019, tín dụng tăng khoảng trên 13% so với cuối năm 2018.

Đặc biệt, xử lý nợ xấu năm 2019 có kết quả tích cực. Báo cáo của Cơ quan thanh tra giám sát cho thấy, ước tính đến tháng 12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD ở mức 1,89% (hoàn thành mục tiêu dưới 2%).

Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 12/2019, toàn hệ thống các TCTD ước tính đã xử lý được hơn 1 triệu tỷ đồng nợ xấu. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 12/2019, ước tính toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 305,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Tính trung bình từ 15/8/2017 đến tháng 12/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,9 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012 - 2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Đồng thời cũng là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tiếp tục kiểm soát tín dụng lĩnh vực rủi ro, hạn chế cho vay tín dụng ngoại tệ

Về điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo mục tiêu ổn định chính sách kinh tế vĩ mô.

Theo đó, NHNN sẽ tập trung điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản hợp lý để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện và bối cảnh phù hợp.

Về tín dụng, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.

Về nợ xấu, NHNN tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14, Quyết định số 1058/QĐ - TTg; Nghiên cứu đề xuất định hướng, giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu các TCTD giai đoạn 2021 - 2025; Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Hà Tâm

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nam-2020-don-von-cho-vay-linh-vuc-uu-tien-tiep-tuc-that-chat-cho-vay-ngoai-te-d113885.html