Năm 2020 đầy triển vọng cho ngành lúa gạo Việt Nam- Sản xuất hướng đến phát triển bền vững

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ 3 trên thế giới nên những biến động thị trường thế giới sẽ tác động trực tiếp lên đời sống của gần 20 triệu nông dân ĐBSCL cũng như cả nước.

Ông Mohit Agarwal, Phó Tổng giám đốc Ngành hàng gạo vùng Đông Nam Á, Tập đoàn Olam.

Dự án Phát kiến lúa gạo châu Á (BRIA) ra đời nhằm hướng dẫn nông dân sản xuất lúa bền vững và đảm bảo nguồn cung dài hạn trong điều kiện biến động khí hậu, Olam International - doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp toàn cầu và là thành viên của BRIA đang hợp tác với gần 3.000 nông dân và hướng đến 10.000 nông hộ vào năm 2022 tại ĐBSCL, ông Mohit Agarwal, Phó Tổng giám đốc Ngành hàng gạo vùng Đông Nam Á, Tập đoàn Olam đã chia sẻ với BizLIVE về vấn đề này.

Ông nhận định thế nào về thương mại gạo toàn cầu và triển vọng của ngành trong năm 2020, và cụ thể là Việt Nam?

Gạo là thực phẩm chính cho một nửa dân số thế giới và là một phần không thể thiếu đối với người dân châu Á. Trong 25 năm trở lại đây, thương mại gạo toàn cầu đã tăng từ 20 triệu tấn lên hơn 45 triệu tấn, và sự tăng trưởng này dự kiến sẽ vẫn tiếp tục. Đây là tin tốt cho các nhà sản xuất gạo châu Á và Việt Nam.

Thật vậy, kể từ khi Olam giới thiệu gạo Jasmine Việt Nam đến thị trường châu Phi vào đầu những năm 2000, gạo Jasmine đã được người tiêu dùng châu Phi chấp nhận và tăng trưởng nhanh chóng, và được cung cấp thông qua các thương hiệu nổi tiếng của chúng tôi như: “Royal Aroma” và “Royal Feast”.

Nhu cầu chính vẫn sẽ được thúc đẩy từ châu Phi và châu Á. Việt Nam chiếm đến 80%/năm tổng khối lượng xuất khẩu gạo sang 2 châu lục này, và đem lại cơ hội lớn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo hiện nay.

Olam tự hào là một trong số những doanh nghiệp đầu tiên giới thiệu gạo thơm Việt Nam đến người tiêu dùng tại châu Phi, và với khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục quảng bá gạo Việt Nam đến hầu hết các thị trường quan trọng trên thế giới.

Trong năm 2020, ngoài châu Phi, Philippines và Malaysia vẫn tiếp tục là 2 thị trường có tác động lớn đến xuất khẩu gạo Việt Nam, chất lượng và thị hiếu tiêu dùng của các nước này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng góp phần lớn vào doanh thu xuất khẩu và sinh kế cho nông dân trong năm nay.

Phục vụ cho mạng lưới phân phối toàn cầu của Olam với các nguồn cung chủ yếu từ Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ, nên chúng tôi có cái nhìn đặc biệt sâu sắc về nhu cầu cung và cầu ở mỗi nước, và hướng tới đảm bảo nguồn cung dài hạn.

Có một nghịch lý là gạo rất quan trọng đối với an ninh lương thực, song lại góp phần vào biến đổi khí hậu toàn cầu, ảnh hưởng đến sản xuất lương thực. Riêng sản xuất lúa đã chiếm đến 10% tổng lượng khí thải metan nhân tạo toàn cầu, nên việc sản xuất lúa hướng bền vững là “chìa khóa” giúp ngành nông nghiệp phát triển thịnh vượng và giảm tác động môi trường tại châu Á.

Hiện nay, xu hướng thị trường và xu hướng tiêu dùng của khách hàng trên thế giới đã thay đổi như thế nào?

Người tiêu dùng trên khắp thế giới ngày càng quan tâm hơn đến nguồn gốc thực phẩm họ sử dụng, điều này làm gia tăng áp lực cho các công ty cần phát triển chuỗi cung ứng bền vững và khả năng truy xuất nguồn gốc.

Với nhận thức cộng đồng về tác động to lớn lên môi trường, thông qua lượng phát thải khí metan của việc sản xuất lúa ngày càng gia tăng, do vậy, sự đổi mới trong chuỗi cung ứng gạo ở tất cả các khâu sản xuất cho đến đóng gói là cần thiết nhằm thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả các tài nguyên và thực hành bền vững

Để gạo Việt Nam có thể vươn xa hơn người nông dân cần thay đổi điều gì, thưa ông?

Nông dân Việt Nam rất chăm chỉ và dám nghĩ dám làm nhất, họ có thể trồng 3 vụ/năm và là một trong những nước đạt năng suất cao nhất trên hecta so với nông dân trồng lúa khác trên thế giới.

Tuy nhiên, thách thức được đặt ra cho gạo Việt là vấn đề sử dụng quá mức thuốc trừ sâu, phân bón gây ảnh hưởng không chỉ đến an toàn thực phẩm còn làm giảm chất lượng đất trồng trọt. Vấn đề này không chỉ xảy ra tại Việt Nam, những nước trồng lúa chính trên thế giới, các tập quán canh tác truyền thống cần chuyển sang hướng có lợi ích kinh tế cho người nông dân, thông qua gia tăng năng suất và chất lượng, nhưng đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường.

Ông có thể giới thiệu đôi nét về dự án BRIA và lợi ích của nông dân trong dự án?

Olam đã và đang làm việc với các đối tác cùng chí hướng nhằm tái thiết lại chuỗi cung ứng lúa gạo bền vững.

Năm 2015, chúng tôi đã hợp tác với Cơ quan Phát triển kinh tế Đức - GIZ (Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit (GIZ) GmbH) và Cục Lúa gạo Thái Lan (Thai Rice Department) trong một dự án thí điểm tại Thái Lan – Dự án Phát kiến lúa gạo châu Á (Better Rice Initiative Asia - BRIA), tập huấn nông dân về canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, thực hành theo “Nền tảng sản xuất lúa bền vững (SRP)”. Dự án đã sản xuất gạo bền vững được công nhận đầy đủ đầu tiên trên thế giới.

BRIA đang ở giai đoạn thứ hai (BRIA II), đã tiếp cận đến 5.000 hộ nông dân tại Indonesia và Việt Nam. Tại Việt Nam, chúng tôi đang hướng đến mục tiêu 10.000 hộ nông dân trồng lúa ở ĐBSCL theo nguyên tắc thực hành lúa bền vững SRP.

Cùng với các đối tác, chúng tôi cung cấp các gói đào tạo, tư vấn về việc thực hành canh tác và đảm bảo thị trường đầu ra cho gạo mà họ sản xuất. Việc áp dụng các nguyên tắc sản xuất bền vững SRP đem lại thu nhập cao hơn thông qua sử dụng hiệu quả các tài nguyên và gia tăng chất lượng mùa vụ, cũng như tiết kiệm nước và giảm phát thải khí nhà kính.

Tiếp nối thành công từ dự án tại Thái Lan, chúng tôi hy vọng các hộ nông dân trong dự án tại Việt Nam được tham gia chứng nhận lúa bền vững đầy đủ theo tiêu chuẩn SRP được quốc tế công nhận vào cuối năm nay.

Cám ơn ông!

QUANG TRÍ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/nam-2020-day-trien-vong-cho-nganh-lua-gao-viet-nam-san-xuat-huong-den-phat-trien-ben-vung-3537249.html