Năm 2020 đặt tiền lệ cho lượng khí phát thải CO2 giảm

Cả Liên hợp quốc và tổ chức Dự án carbon toàn cầu cho biết lượng khí thải CO2 trong năm 2020 ước tính giảm 7%, mức giảm kỷ lục này đạt được nhờ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Khói bốc lên tại nhà máy hóa dầu ở Etang de Berre, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khói bốc lên tại nhà máy hóa dầu ở Etang de Berre, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuối tháng 4/2020, có thời điểm giá dầu mỏ trên thế giới lần đầu tiên trong lịch sử đã giảm xuống mức âm, khiến việc tích trữ dầu trở nên đắt hơn so với việc các hãng bỏ tiền ra để đẩy dầu tồn kho.

Giá dầu thô giao tương lai giao động mạnh đã phản ánh tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với mức giảm kỷ lục về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch, khiến năm 2020 trở thành năm có khí hậu tốt bất ngờ.

Cả Liên hợp quốc và tổ chức Dự án carbon toàn cầu vừa cho biết lượng khí thải CO2 trong năm 2020 ước tính giảm 7%, mức giảm kỷ lục này đạt được nhờ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh chính phủ các nước đang bị sức ép thực hiện cam kết của họ về giảm lượng khí phát thải.

Như vậy, năm 2020 hầu như tuân thủ những gì Liên hợp quốc thông báo là các nước cần làm để duy trì Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015 nhằm hạn chế nhiệt độ Trái Đất tăng ở mức dưới 2 độ C.

Liệu năm 2020 là năm khởi đầu cho xu thế lượng khí thải giảm hàng năm hay chỉ là sự đảo ngược nhất thời trong bối cảnh nền kinh tế thế giới dự báo có thể phục hồi mạnh mẽ trở lại khi các nước đang ráo riết chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021.

Theo Giám đốc điều hành (CEO) Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol, nếu chính phủ các nước không triển khai các chính sách về năng lượng sạch trong khuôn khổ các gói phục hồi kinh tế, thì lượng khí thải CO2 từng giảm trong năm nay sẽ tăng trở lại và các nước sẽ trở lại thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.

Ông cho biết Trung Quốc hiện là nước đầu tiên trên thế giới có nền kinh tế phục hồi trở lại và lượng khí phát thải của nước này cao hơn so với mức trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Theo báo cáo thường niên của Liên hợp quốc mang tên Emisions Gap (Mức chênh lệch phát thải) công bố hồi tuần trước, lượng khí thải CO2 giảm mạnh trong năm 2020 sẽ có chỉ có tác động ít ỏi đối với sự ấm lên của Trái Đất về dài hạn mà không dẫn tới sự thay đổi sâu sắc hướng tới năng lượng xanh.

Báo cáo cho biết lượng khí thải CO2 cao kỷ lục trong năm 2019, tương đương với 59,1 tỉ tấn năm 2019, cao hơn 2,6% so với năm 2018.

Tuy nhiên, các nước góp phần gây ô nhiễm nhất lại ưu tiên phát triển các ngành dựa chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch trong khuôn khổ gói kích thích kinh tế của mình.

Một nghiên cứu do hãng chế tạo Wartsila và tổ chức Enery Policy Tracker công bố hồi tháng 10, cho thấy Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đầu tư 145 tỷ USD để tìm ra các giải pháp cho năng lượng sạch trong khuôn khổ các gói phục hồi kinh tế, so với 216 tỷ USD mà các nước cam kết dành cho sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.

Trong tháng này, Liên hợp quốc cho biết sản lượng dầu mỏ, khí đốt và than đá cần phải giảm 6%/năm cho đến hết năm 2030 thì nhiệt độ của Trái Đất mới được duy trì ở trong phạm vi từ 1,5 đến dưới 2 độ C.

Tuy nhiên, Liên hợp quốc cho biết các nước có kế hoạch tăng 2% sản lượng năng lượng từ nhiện liệu hóa thạch/năm trong thập kỷ này, mặc dù chi phí đối với công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo như điện Mặt Trời và điện gió ở mức thấp kỷ lục.

Bên cạnh đó, việc trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch diễn ra dưới hình thức hỗ trợ tài chính, giảm thuế vẫn là một cản trở lớn để "làm xanh" nền kinh tế.

Ông Birol cho biết G20 hiện đang đầu tư tổng cộng trên 300 tỉ USD để trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch, tạo ra một sự cạnh tranh không công bằng cho các nguồn năng lượng sạch, làm rối loạn thị trường và dẫn tới việc sử dụng năng lượng không hiệu quả.

Tuy nhiên, năm 2020 cũng chứng kiến các nước có lượng phát thải lớn, trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản, lần đầu tiên đưa ra cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon.

Theo tính toán của tổ chức Climate Action Tracker, nếu các kế hoạch trung hòa carbon hiện nay được ban hành thì có thể hạn chế sự ấm lên của Trái Đất ở mức 2,1 độ C.

Dù mức tăng nhiệt này cao hơn so với mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, song vẫn còn hơn mức tăng nhiệt dự báo hơn 3 độ C vào năm 2100 nếu xu hướng sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiện nay vẫn tiếp tục./.

Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nam-2020-dat-tien-le-cho-luong-khi-phat-thai-co2-giam/682610.vnp