Năm 2020, cải cách thể chế là mục tiêu số 1 của ngành Tài nguyên và Môi trường

Những yêu cầu từ thực tiễn hiện nay đặt ra đòi hỏi ngành Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật hơn nữa. Chính vì vậy, trong năm 2020, vấn đề thể chế vẫn là mục tiêu số 1 của ngành.

Nhân dịp năm mới Canh Tý 2020, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chia sẻ với báo Tin tức về định hướng lớn của ngành trong năm 2020.

Nâng cao hơn nữa quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường

Thưa Bộ trưởng, năm 2019 cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường đã tạo được nhiều điểm nhấn. Trong năm 2020, vấn đề cải cách thủ tục hành chính sẽ được thực hiện như thế nào để tạo sự thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp?

Vấn đề cải cách thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong suốt 3 năm vừa qua của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lãnh đạo. Đây cũng là mục tiêu của Quốc hội và Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm.

Với ngành tài nguyên và môi trường, chúng tôi nỗ lực thực hiện quản lý của ngành, làm tốt hơn công tác quản lý phân bổ các nguồn lực tài nguyên, đảm bảo việc nâng cao chất lượng kinh tế sẽ mang tính bền vững hơn. Quá trình đó đòi hỏi khoa học và đơn giản, không gây phiền nhiễu cho người dân, không tạo khe hở bị lợi dụng như tham ô, tham nhũng. Tuy nhiên, cũng phải dựa trên việc tiếp tục kiện toàn và hoàn thiện bộ máy đảm bảo từ trung ương đến địa phương, phân công phân nhiệm rõ ràng, phải ứng dụng công nghệ thông tin để làm sao công tác điều hành quản lý dựa trên cơ sở dữ liệu thông tin và thường xuyên được cập nhật. Đó là những điều kiện tiên quyết để cải cách thủ tục hành chính và tạo ra những tiền đề góp phần đưa lĩnh vực này đạt được kết quả tốt hơn trong đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Khép lại năm 2019, chúng tôi chưa thực sự hài lòng với những gì làm được. Mặc dù với 9 lĩnh vực Nhà nước phân công quản lý, chúng tôi đã có hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ, đảm bảo gần như hầu hết quy định pháp luật từ Luật cho đến Nghị định, thông tư, nhưng với những yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn hiện nay, những vấn đề toàn cầu như môi trường, rác thải nhựa đại dương, biến đổi khí hậu và chuyển đổi những thách thức của thế giới sang mô hình hiện đại hơn, tiếp cận cách mạng 4.0... thì cần hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật hơn nữa. Do đó, năm 2020, vấn đề thể chế vẫn là mục tiêu số 1 và đó cũng là vấn đề tiếp tục có những khó khăn vướng mắc và nút thắt.

Bộ sẽ có tham mưu bằng nhiều hình thức để giải quyết những vướng mắc, đảm bảo nguồn lực tài nguyên môi trường được sử dụng, khai thác tiết kiệm và hiệu quả và bền vững. Đồng thời, chúng tôi cam kết với những thách thức hiện nay, ngành tài nguyên môi trường sẽ thay đổi chính mình, tiếp cận cách thức quản lý tiên tiến như các nước phát triển. Chúng ta cần nâng cao hơn nữa quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với môi trường Việt Nam, kiểm soát tốt hơn các dòng công nghệ để đảm bảo dòng công nghệ đó là tiên tiến, thân thiện và sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Một vấn đề mà người dân và các doanh nghiệp rất quan tâm trong công tác hoàn thiện thể chế chính sách là sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường. Bộ trưởng có thể cho biết trong lần sửa đổi này, Luật sẽ chú trọng đến những vấn đề gì?

Việc sửa đổi Luật lần này đã được tiến hành hết sức công phu từ tổng kết, đánh giá thực tiễn, nghiên cứu tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế, đến dự báo yêu cầu phát triển, chuyển dịch mô hình tăng trưởng của đất nước, sự phát triển của khoa học công nghệ.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, của người gây ô nhiễm trong bảo vệ môi trường; đề cao vai trò giám sát, bảo vệ môi trường của các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng và người dân.

Dự thảo Luật hướng tới hoàn thiện các công cụ kinh tế, quy hoạch để thực hiện quản lý, bảo vệ môi trường phù hợp với thể chế kinh tế thị trường. Cụ thể hóa trách nhiệm chi trả của người gây ra ô nhiễm thông qua các chính sách về thuế, phí; ưu đãi phát triển năng lượng sạch, tái tạo, phát triển công nghiệp môi trường, sản xuất và tiêu dùng bền vững; lối sống, hành vi ứng xử thân thiện với môi trường. Quy định về quy hoạch môi trường, phân vùng môi trường làm cơ sở định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường. Sửa đổi, bổ sung quy định về Đánh giá môi trường chiến lược, bổ sung quy định về đánh giá sơ bộ đánh giá tác động môi trường để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công.

Luật sửa đổi cũng sẽ giảm “tiền kiểm”, tăng cường “hậu kiểm”. Khuyến khích các dự án áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có và áp dụng thực hành môi trường tốt nhất thông qua đơn giản thủ tục hành chính. Thay thế 7 loại giấy phép, giấy xác nhận, chứng nhận, đăng ký chủ nguồn thải,... về bảo vệ môi trường bằng một loại giấy phép môi trường. Hoàn thiện các quy định về bảo vệ môi trường cảnh quan.

Bổ sung các quy định về quản lý chất thải theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Quy định rõ chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phát sinh chất thải rắn thông thường có trách nhiệm phân loại tại nguồn để thuận lợi cho việc tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng.

Quy định về quản lý chất lượng môi trường nước, không khí,… phù hợp với phân vùng môi trường và ngưỡng chịu tải về môi trường. Bổ sung quy định về giải quyết sự cố ô nhiễm môi trường; quy chuẩn kỹ thuật môi trường để thiết lập hàng rào kỹ thuật đảm bảo phòng ngừa công nghệ lạc hậu, rác thải chuyển dịch vào Việt Nam.

Các quy định về thanh tra, kiểm tra trong dự thảo Luật cũng sẽ được sửa đổi để phù hợp với đặc thù của lĩnh vực môi trường.

Dự thảo Luật đang được lấy ý kiến rộng rãi để trình Chính phủ trong tháng 2/2020 và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.

Người gây ô nhiễm phải trả tiền khắc phục môi trường

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường là quan trọng, nhưng việc thực thi mới đóng vai trò quyết định. Xin Bộ trưởng nói rõ thêm về việc thực thi bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới?

Thời gian qua, chúng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy vậy, vì nhiều lý do, quá trình thực thi chưa theo kịp với thực tiễn. Đơn cử như bài học về việc trong một thời gian dài, chúng ta quá chú trọng tăng trưởng kinh tế, mà chưa đặt môi trường vào đúng vị trí của nó trong quá trình phát triển. Hệ quả là những năm qua, sự cố về môi trường liên tiếp xảy ra, tại một số thời điểm, một số nơi; sự cố này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế, sức khỏe của người dân, gây thiệt hại lớn cho xã hội. Hiện trạng môi trường hiện nay và những sự cố môi trường vừa qua cho thấy tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường. Môi trường phải được đặt đúng ở vị trí trung tâm của phát triển bền vững. Trong đó, phải có ngay chuyển biến về chất trong công tác thực thi pháp luật bảo vệ môi trường ngay từ năm 2020 trở đi: Không chấp nhận hy sinh môi trường để đánh đổi các lợi ích kinh tế.

Trước hết là cương quyết với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm; công tác bảo vệ môi trường phải được thực hiện ngay từ trong giai đoạn đầu tư, kiên quyết loại trừ quan điểm phát triển trước làm sạch sau; sàng lọc loại trừ các dự án công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, tiêu hao năng lượng, các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm; thực hiện đầu tư phù hợp với phân vùng môi trường, sức chịu tải.

Chuyển dịch nhanh mô hình kinh tế sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các cơ hội về tài chính và công nghệ cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ít phát thải, như lãi suất, ưu đãi về đất đai, thuế,... Điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện.

Tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế, tài chính thay cho các biện pháp hành chính hiện nay. Người gây ra ô nhiễm phải chi trả chi phí để khắc phục, phục hồi môi trường. Nhà sản xuất, phân phối có trách nhiệm trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ; quản lý dự án theo vòng đời.

Ngành sẽ dự báo sát tình hình khí tượng thủy văn hạn dài và các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động phương án sản xuất, kinh doanh, ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại. Công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu đã huy động được sự chung tay của hệ thống chính trị nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt, phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ bảo vệ môi trường và tái chế chất thải. Thu hút đầu tư các khu tái chế, xử lý chất thải có tính liên vùng để nâng hiệu quả đầu tư, xử lý đồng bộ với công nghệ đảm bảo các tiêu chuẩn. Hình thành thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới. Trước mắt, lựa chọn một số ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn như công nghiệp giấy, sản xuất sắt, thép, nhiệt điện, quản lý nước theo chu trình trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Phát triển một số đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình tuần hoàn, ít phát thải.

Đẩy mạnh thực hiện khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường. Đánh giá đầy đủ thiệt hại do ô nhiễm môi trường và xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân gây ra; áp dụng chế tài mạnh, xử lý nghiêm khắc, buộc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải theo quy định.

Thực hiện các biện pháp cải thiện chất lượng không khí thông qua kiểm kê, kiểm soát, di dời các nguồn ô nhiễm, nâng cao quy chuẩn phương tiện giao thông; đảm bảo quy chuẩn quy hoạch cây xanh, không gian công cộng trong các đô thị, khu dân cư, nhất là các thành phố lớn.

Nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực môi trường như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường. Đưa tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học; giảm hẳn và loại bỏ sử dụng các hóa chất độc hại; bảo đảm chất lượng và độ an toàn cho sản xuất lương thực, thực phẩm. Áp dụng Internet kết nối vạn vật quản lý môi trường thông minh, tăng cường giám sát của cộng đồng.

Đồng bộ giải pháp để cải thiện môi trường không khí

Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng như nhiều địa phương hiện nay đang là vấn đề nóng, với vai trò tư lệnh ngành thì Bộ trưởng có những giải pháp như thế nào để giải quyết tình trạng trên, thưa Bộ trưởng?

Tôi đã kiểm điểm lại trách nhiệm của Bộ, và thấy trong trách nhiệm về kiểm soát ô nhiễm không khí thì một số việc Bộ làm chưa tốt là chưa ban hành các quy chuẩn và kiểm tra thực hiện trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong đầu tư, tăng cường năng lực để giám sát môi trường không khí cũng như quá trình kiểm soát, thống kê các nguồn thải rồi từ đó đưa ra cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định của luật cho người dân. Thông tin ở đây là những thông tin đầy đủ chứ không phải thông tin thiếu cơ sở pháp lý và kỹ thuật.

Nhìn từ trên cao, Hà Nội mù mịt trong những ngày chỉ số ô nhiễm không khí cao kỷ lục. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Trong thời qua, tình hình không khí ở hai thành phố lớn và một số thành phố có ô nhiễm vào những thời điểm có những yếu tố khách quan là khí hậu, khí tượng nhưng chủ yếu vẫn là do quá trình hoạt động của con người. Hiện nay, ô nhiễm từ giao thông và ùn tắc giao thông là 2 vấn đề cần tập trung giải quyết. Thêm vào đó, hiện nay tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh vẫn còn các cơ sở sản xuất trong thành phố, sử dụng bếp than tổ ong...

Tôi cho rằng thời gian tới cần phải đánh giá tình hình ô nhiễm không khí và có ngay thống kê, kiểm kê, xem xét khu vực nào ô nhiễm, thành phần nào, ai gây ô nhiễm. Về mặt lâu dài, khu vực đông dân thì chúng tôi sẽ phân vùng cần bảo vệ đặc biệt với môi trường không khí, đất và nước, trong đó có những nơi không thể cho phép hoạt động các cơ sở sản xuất hoặc các hình thức sử dụng bếp than tổ ong, đốt rơm rạ sau thu hoạch mùa màng. Đó là những việc cần phải cấm.

Thậm chí hiện nay vấn đề rác thải vẫn có nhiều nơi đốt một cách tùy tiện, trường hợp này phải đưa vào hình sự vì hết sức nguy hiểm. Chúng ta cần xem xét để có giải pháp đồng bộ, trong đó phải có giải pháp nâng cao quy chuẩn kỹ thuật với máy móc thiết bị.

Cùng với đó, nhà nước cần làm tốt hơn đầu tư hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng, bớt sử dụng phương tiện cá nhân. Sắp tới có thể đối với các phương tiện giao thông công cộng nên cam kết sử dụng năng lượng sạch chạy bằng điện. Và đến thời điểm nào đó, những nơi nào ô nhiễm thì chỉ cho phép phương tiện chạy bằng điện hoạt động.

Như vậy, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí đòi hỏi đồng bộ nhiều giải pháp và cần sự tham gia của nhiều bộ ngành khác như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng... đặc biệt là chính quyền của các tỉnh, thành phố và sự tham gia của người dân.

Trong năm 2020, đâu là vấn đề trọng tâm mà ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung triển khai để để có thể hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Chính phủ giao, thưa Bộ trưởng?

Năm 2020, ngành cần tập trung để hoàn thành 2 mục tiêu lớn là “về đích” hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của giai đoạn 2016 - 2020 và chuẩn bị nền tảng cho các mục tiêu dài hạn hơn đến năm 2030, 2045.

Trước hết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung hoàn thiện thể, chế chính sách, pháp luật. Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường để tiếp cận, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường phù hợp với yêu cầu hội nhập và các cam kết quốc tế; khuyến khích, thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường, từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn; đưa công tác bảo vệ môi trường sang giai đoạn mới.

Hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng nguồn lực này cho phát triển, giải quyết các xung đột, chồng chéo của pháp luật; có các cơ chế để hài hòa giữa chính sách thu và chính sách ưu đãi đầu tư để sàng lọc lựa chọn các dự án có suất đầu tư lớn, công nghệ cao vào các vùng kinh tế trọng điểm; khuyến khích đầu tư vào các địa bàn khó khăn để tạo được giá trị tăng thêm ngoài nguồn thu từ đất, đáp ứng mục tiêu phát triển bao trùm; hoàn thiện các công cụ kinh tế, tài chính, giá đất để ngăn ngừa thất thoát, đầu cơ, giải quyết hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp để giảm khiếu kiện đất đai.

Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung lập các quy hoạch quốc gia và quy hoạch ngành để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới. Khắc phục tình trạng chậm phê duyệt, thiếu đồng bộ, thiếu khả thi, không sát với thực tiễn; đảm bảo các định hướng lớn, định hình không gian phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ban hành đồng bộ cơ sở pháp lý cho thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cung cấp dịch vụ công, đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Tạo chuyển biến căn bản, chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Thực hiện phân vùng môi trường trong quy hoạch để định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường. Ứng dụng công nghệ để quản lý môi trường thông minh tại các đô thị. Triển khai các giải pháp đồng bộ để xử lý, tái chế rác thải đảm bảo tối ưu về kinh tế, an toàn về xã hội và môi trường. Triển khai Kế hoạch hành động quản lý chất lượng không khí; thúc đẩy thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm các nguồn nước mặt, đảm bảo tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động.

Cuối cùng, toàn ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tổng thể trong Kế hoạch quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường điều phối liên vùng, thực hiện chuyển đổi sản xuất quy mô lớn ở các vùng chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu như Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung Bộ,.. để chủ động thích ứng, chuyển hóa các thách thức thành lợi thế cho phát triển, đảm bảo sinh kế bền vững cho nhân dân.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thu Trang/Báo Tin tức (Thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/nam-2020-cai-cach-the-che-la-muc-tieu-so-1-cua-nganh-tai-nguyen-va-moi-truong-20200125021033875.htm