Năm 2020: 4 giải pháp lớn của ngành thủy sản

Năm 2019, cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới đã khiến giá thủy sản xuất khẩu Việt Nam luôn ở mức thấp, kéo theo giá trị xuất khẩu không đạt kỳ vọng đã đề ra. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - xung quanh vấn đề này.

Trước hết xin ông đánh giá về kết quả xuất khẩu thủy sản trong năm 2019?

Theo như thống kê mà chúng tôi có được thì xuất khẩu thủy sản chỉ đạt xấp xỉ 9 tỷ USD trong năm 2019. Như vậy không đạt so với kế hoạch đặt ra của cả năm là 10,5 tỷ USD.

Có nhiều khó khăn khách quan dẫn đến xuất khẩu thủy sản không đạt mục tiêu. Năm 2019, ngành thủy sản phải cạnh tranh rất gay gắt khiến giá xuất khẩu bị điều chỉnh ở mức thấp, dẫn tới giá trị xuất khẩu không đạt mục tiêu dù sản lượng có tăng. Thêm vào đó, đầu năm 2019, ngành nhận định sẽ tận dụng được lợi thế một số hiệp định thương mại song thực tế lại không có. Đơn cử là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), theo như dự kiến ban đầu 2019 có thể vận dụng được lợi thế về mặt thuế quan nhưng đến nay vẫn chưa thực thi mặc dù đã hoàn tất ký kết. Hy vọng việc này sẽ diễn ra tốt hơn vào năm 2020.

Ngoài ra, những yếu tố khách quan khác cũng làm xuất khẩu sụt giảm. Có thể kể tới như vấn đề về chống bán phá giá ở thị trường Hoa Kỳ, hay châu Âu gia tăng bảo hộ thương mại… Những rào cản này khiến tiêu thụ thủy sản giảm sút và kéo theo doanh thu của toàn ngành giảm.

Vậy năm 2020, ngành thủy sản đặt mục tiêu tăng trưởng như thế nào?

Năm 2020, chúng tôi đặt mục tiêu khiêm tốn là 10 tỷ USD. Lý do, dự báo tình hình sẽ tiếp tục khó khăn. Dù chỉ tăng khoảng 1 tỷ USD so với năm 2019 nhưng đây cũng là một cố gắng lớn với ngành thủy sản.

Trong tổng xuất khẩu 10 tỷ USD, chúng tôi có đề ra mục tiêu riêng cho từng thị trường, chẳng hạn EU khoảng 2 tỷ USD (so với mức 1,5 tỷ USD năm 2019), Trung Quốc khoảng 1,5 tỷ USD, Hàn Quốc khoảng xấp xỉ 1 tỷ USD…

Để đạt mục tiêu trên, ngành thủy sản sẽ thực hiện các giải pháp nào, thưa ông?

Trong năm 2020, ngành thủy sản sẽ tập trung làm tốt 4 việc. Thứ nhất, củng cố lại chuỗi sản xuất, tạo ra các sản phẩm nuôi có chất lượng tốt nhất thông qua hoạt động quản lý chuỗi cung ứng đầu vào cho hoạt động nuôi trồng để giảm giá thành sản xuất. Trong đó sẽ có biện pháp tập trung gia tăng các hoạt động chứng nhận cho thủy sản, cụ thể là chứng nhận ASC tại thị trường EU một cách thực chất, có hiệu quả cũng như gia tăng yếu tố tự chứng nhận xuất xứ nguồn gốc cho từng doanh nghiệp.

Thứ hai, với sản phẩm cá tra sẽ tập trung cho công tác cân đối cung - cầu; tiếp cận biện pháp áp dụng quản lý con giống để đảm bảo mức cung - cầu hợp lý, tránh việc giảm giá đột ngột như 2019 để có được doanh số cá tra trên 2 tỷ USD năm 2020.

Năm 2020 ngành thủy sản phấn đấu để có được doanh số cá tra trên 2 tỷ USD

Năm 2020 ngành thủy sản phấn đấu để có được doanh số cá tra trên 2 tỷ USD

Tiếp đến là chương trình xúc tiến thương mại hợp lý cho từng thị trường. Chẳng hạn đối với thị trường xuất khẩu các nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngành sẽ tập trung 2 thị trường quan trọng là Mexico và Canada vì có sự tăng trưởng tốt năm 2019. Hay đối với thị trường Hàn Quốc tập trung khai thác tốt ưu đãi thuế quan của Hiệp định song phương Việt Nam - Hàn Quốc cũng như hiệp định CPTPP đã thực thi hồi đầu năm 2019. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đàm phán mở rộng một số thị trường mới như: Trung Đông, ASEAN để gia tăng cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp. Cuối cùng, một biện pháp không thể thiếu là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, ngư dân nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU tại EU để lấy lại uy tín sản phẩm hải sản Việt Nam.

Với những giải pháp này, chúng tôi sẽ thường xuyên phối hợp, tuyên truyền và hỗ trợ thông tin tới các doanh nghiệp để đảm bảo kế hoạch đề ra trong năm 2020 của ngành được thực hiện hiệu quả. Cùng với đó, sẽ phối hợp tốt với Bộ Công Thương trong việc tập huấn thông tin về tiếp cận các thị trường mà Việt Nam đã có các hiệp định thương mại nhằm giúp doanh nghiệp vận dụng tốt hơn trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Năm 2019, do gặp nhiều khó khăn khách quan xuất khẩu thủy sản chỉ đạt xấp xỉ 9 tỷ USD, không đạt so với kế hoạch đặt ra của cả năm là 10,5 tỷ USD. Với dự báo tình hình sẽ tiếp tục khó khăn, năm 2020 ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nam-2020-4-giai-phap-lon-cua-nganh-thuy-san-130480.html