Năm 2019, Viettel trở thành nhà cung cấp dịch vụ số

Kết thúc năm 2018, Viettel đã hình thành nhiều sản phẩm, dịch vụ, hệ sinh thái công nghệ sẵn sàng trở thành nhà cung cấp dịch vụ số bên cạnh vai trò là nhà khai thác và cung cấp dịch vụ viễn thông đã được định vị trong suốt gần hai thập kỷ qua.

Đến hết năm 2018, Viettel đạt tổng doanh thu hơn 234 nghìn tỷ, chiếm 60% tổng doanh thu toàn ngành viễn thông Việt Nam; tổng lợi nhuận hợp nhất đạt 37,6 nghìn tỷ, chiếm hơn70 % lợi nhuận toàn ngành, nộp ngân sách nhà nước37 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 70 % số tiền nộp ngân sách toàn ngành.

Dù 2018 tiếp tục là một năm thách thức khi thị trường viễn thông Việt Nam đã bão hòa, doanh thu dịch vụ của Viettel trong lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn vẫn tăng trưởng 8%, trong đó doanh thu dịch vụ viễn thông trong nước tăng 4,2%. Lĩnh vực đầu tư quốc tế có doanh thu dịch vụ tăng trưởng ~ 20%. Dòng tiền chuyển về nước đạt 240 triệu USD, cao hơn 3% so với năm ngoái. Thuê bao di động của các thị trường nước ngoài tăng gần 20%, đóng góp vào gần 12 triệu thuê bao di động phát triển mới trong năm, nâng tổng số thuê bao của Viettel trên toàn cầu là hơn 110 triệu thuê bao di động. Đặc biệt, thị trường Myamar của Viettel đã đạt 4 triệu thuê bao sau 6 tháng kinh doanh, một kỷ lục hiếm có trên thế giới.

Viettel đề xuất Chính phủ được tham gia vào thanh toán số

Viettel đề xuất Chính phủ được tham gia vào thanh toán số

Năm 2018, Viettel tiếp tục là thương hiệu đứng số 1 về giá trị ở Việt Nam, nằm trong top 50 thương hiệu viễn thông giá trị lớn nhất thế giới, với mức định giá 3,178 tỷ USD - tăng 23,7% so với năm 2017.

Năm 2018 đánh dấu nhiều dấu mốc quan trọng đối với Viettel khi được Chính phủ đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội và phê duyệt Phương án tái cơ cấu Tập đoàn đến năm 2020; công bố bước vào giai đoạn phát triển thứ 4: Giai đoạn của 4.0 và Kinh doanh toàn cầu.

Bước sang năm 2019, Viettel đề ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu 7,3% (hơn 251 nghìn tỷ đồng); lợi nhuận tăng 4,6% (hơn 39 nghìn tỷ đồng) so với năm ngoái. Viettel cũng dự kiến sẽ nộp 38.100 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước năm 2019.

Trong chiến lược giai đoạn 4 của mình, Viettel cũng xác định phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 cho nền kinh tế với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm. Trong đó tập trung vào các dự án 4.0 cho Chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh,… từ cấp trung ương đến cấp địa phương, tới từng lĩnh vực cuộc sống.

Năm 2018, Viettel đã hình thành nhiều sản phẩm, dịch vụ, hệ sinh thái công nghệ sẵn sàng trở thành nhà cung cấp dịch vụ số.

Viettel tiếp tục nâng cấp mạng 4G làm hạ tầng cho các dịch vụ số cơ bản và kết nối nb - IoT. Khi có tần số, sẽ triển khai sớm nhất thử nghiệm 5G vào quí 1 2019, mục tiêu thử nghiệm về kỹ thuật đồng thời xác định các mô hình kinh doanh băng rộng trên 5G. Sau 2020 sẽ triển khai mở rộng mạng 5G theo nhu cầu kinh doanh và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam.

Viettel đã hình thành nhiều sản phẩm dịch vụ để trở thành nhà cung cấp dịch vụ số

Về mạng truyền dẫn: Viettel đã thực hiện ảo hóa các thiết bị mạng lõi, ảo hóa hạ tầng CNTT và chuyển đổi tất cả các ứng dụng CNTT lên nền tảng điện toán đám mây (Cloud), triển khai hệ thống mạng lưới phân phối nội dung CDN đến cấp tỉnh trên toàn mạng, sẵn sàng cho hạ tầng Mobile Edge Computing của công nghệ 5G.

Về hạ tầng dữ liệu: Viettel đã đầu tư 5 Data Center đúng chuẩn Tier 3 phổ biến của thế giới và tiến tới chuẩn Tier 4, đủ khả năng phục vụ cho hàng triệu khách hàng sử dụng dịch vụ IoT cùng lúc.

Về CNTT: Viettel đã và đang triển khai xuyên suốt các hệ thống CNTT theo hướng thông minh hơn, tăng trải nghiệm khách hàng trên nền tảng các công nghệ mới như Bigdata, AI, VR… bao gồm các hệ thống quản lý và chăm sóc khách hàng, hệ thống ERP, hệ thống phân tích dữ liệu thông minh, hệ thống tri thức khách hàng...

Về bảo mật thông tin, Viettel đã thành lập Công ty An ninh mạng theo đề án tái cơ cấu. Đây là đơn vị được giao trực tiếp nghiên cứu, triển khai các giải pháp tổng thể để đảm bảo bảo mật và an toàn thông tin, đáp ứng các thách thức của chuyển đổi số, bao gồm: Giải pháp bảo mật và an toàn thông tin tổng thể cho IoT và các phần mềm, ứng dụng CNTT; Giải pháp giám sát an toàn thông tin thông minh trên Cloud, có thể triển khai với quy mô quốc gia, cho các tổ chức lớn; Hệ thống tường lửa quốc gia để kiểm soát không gian mạng. Xây dựng các công cụ tự động phát hiện, cảnh báo tấn công; công cụ phòng thủ, phát động tấn công và tấn công trên không gian mạng.

Về Công nghiệp - Công nghệ cao, Viettel tập trung vào nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm cho mạng lưới cung cấp dịch vụ số như: mạng lõi ảo, trạm vô tuyến 5G, các loại sensor, các thiết bị có nhúng sensor IoT, các sản phẩm AI,…

Hiện nay, mức độ đóng góp của các dịch vụ số của Viettel điển hình là Content, Media, IoT và Fintech đang chuyển dịch theo hướng rất tích cực cả về số tuyệt đối và tỷ trọng trong tổng doanh thu,năm 2018, đã chiếm tỷ trọng 7.1%. Thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tụcxây dựng mô hình doanh viễn thông và doanh nghiệp dịch vụ số.

Là một doanh nghiệp viễn thông số 1 tại VN, Viettel cũng đã đề xuất Chính phủ cho phép Viettel tham gia vào việc phát triển thanh toán số gồm những dịch vụ: Chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, Xây dựng hạ tầng chấp nhận thanh toán dùng chung; Dịch vụ sử dụng tài khoản viễn thông trong thanh toán điện tử các giá trị nhỏ.

Nói về nhiệm vụ năm 2019, Ông Lê Đăng Dũng- Chủ tịch Tập đoàn Viettel cho biết: Viettel là doanh nghiệp chủ đạo trong lĩnh vực viễn thông và CNTT, để kiến tạo xã hội số, Viettel trước mắt cần làm hai việc: một là tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chuẩn công nghệ 4.0; hai là thể hiện tiếng nói, góp phần thúc đẩy thể chế đi nhanh hơn, Chính phủ số đi nhanh hơn".

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nam-2019-viettel-tro-thanh-nha-cung-cap-dich-vu-so-86221.html