Năm 2019, Việt Nam phải tận dụng cơ hội để phát triển bứt phá

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019, diễn ra ngày 16/1. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự và có chỉ đạo tại hội nghị.

Nhiều kết quả ấn tượng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, 2018 là một năm có nhiều ý nghĩa quan trọng, năm bản lề thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 với nhiều kết quả nổi bật và ấn tượng. Minh chứng rõ nét là nước ta đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP kỷ lục - 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua và cao hơn mức dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước; chỉ số lạm phát được kiểm soát ở mức 3,54%, mô hình tăng trưởng hình thành rõ nét, quy mô nền kinh tế tăng mạnh…

Một điều đặc biệt nữa là kết quả đạt được không chỉ toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực mà còn ở tất cả các địa phương. Cụ thể, các tỉnh, thành phố trong cả nước đều nỗ lực thi đua đạt nhiều thành tích nổi bật, tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách đều tăng mạnh, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt mức kỷ lục, nhiều địa phương đã hoàn thành trước một năm mục tiêu của Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố.

Trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp tích cực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. “Bộ đã tham mưu tư tưởng chính sách tiến bộ, cơ chế vượt trội trong dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Quyết tâm vượt qua chính mình, từ bỏ lợi ích riêng để giải phóng nguồn lực quốc gia khi tham mưu xây dựng Luật Quy hoạch, Luật Đối tác công tư, sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cũng như các nghị định có liên quan” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính. Mạnh dạn đề xuất gỡ bỏ những quy định ràng buộc dễ dẫn tới xin - cho, lợi ích nhóm, như: bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án BOT, BT, bãi bỏ quy hoạch sân golf... Quyết liệt đổi mới công tác kế hoạch hóa, áp dụng công nghệ thông tin, tổ chức họp trực tuyến giữa Bộ và các địa phương...

Năm 2019, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại, xu hướng bảo hộ thương mại và căng thẳng địa chính trị chứa đựng nhiều nguy cơ rủi ro. Trong khi đó, ở trong nước, những tồn tại, bất cập nội tại của nền kinh tế tuy bước đầu được giải quyết nhưng vẫn cần nhiều thời gian để khắc phục.

Trong bối cảnh này, chúng ta phải tận dụng bằng được các cơ hội đem lại, dù là nhỏ nhất để phát triển bứt phá” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư khẳng định, năm 2019, ngành sẽ phải cải thiện bứt phá hiệu quả quản trị nhà nước gắn liền với xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả thực thi chính sách ở mọi cấp, mọi ngành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Khắc phục căn bản tình trạng ‘trên nóng dưới lạnh’ và ‘kinh tế 4.0 nhưng quản lý mới 1.0'.

“Khoảng cách từ chính sách đến thực thi phải ngắn hơn nữa”

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, năm 2018, nhiều đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất tốt, có nhiều chủ trương mà Thủ tướng quyết định trên cơ sở đề xuất của Bộ. "Tầm nhìn và tư duy của những người làm kế hoạch và đầu tư đã đổi mới. Bộ có những đề xuất, hành động được xem như tự lấy đá ghè chân mình", đổi mới hơn nhiệm kỳ mới, từ bỏ đặc quyền. Ví dụ như đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công, bỏ thủ tục thẩm định nguồn vốn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá.

Hay trường hợp đề xuất chuyển hàng loạt các quy định tiền kiểm, sang hậu kiểm chuyên ngành. Đây là điểm sáng của Bộ và Bộ trưởng, các cục, vụ viện và các cơ quan tham mưu chức năng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa hoàn thành và chưa tư vấn kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng với vai trò là "kiến trúc sư trưởng" của nền kinh tế. Đơn cử, phải cắt giảm các năng lực dư thừa của nền kinh tế như loại bỏ bớt rào cản môi trường kinh doanh, khu vực doanh nghiệp Nhà nước hay giải quyết các đại dự án thua lỗ...

Khu vực kinh tế tư nhân trong nước được xem là động lực cho kinh tế Việt Nam. Trong đó, cắt giảm giấy phép kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành nhưng quan trọng là từ chính sách đến thực thi đang có vấn đề. "Khoảng cách từ chính sách, đến thực thi cần phải ngắn hơn nữa, thiết thực hơn nữa mới được hiệu quả, tạo niềm tin cho doanh nghiệp" - Phó Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, tháo gỡ nút thắt các công trình hạ tầng quốc gia, tập trung phân bổ đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng của kinh tế Việt Nam năm tới đây. Phó Thủ tướng cũng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay bây giờ phải tập trung vào chính sách đầu tư công trung hạn 2020 - 2025.

"Lập chính sách đầu tư công phải làm sao để Quốc hội quyết định ngay trong nhiệm kỳ này, không phải mất hẳn một năm như nhiệm kỳ trước" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thu Phương- Tuấn Vũ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nam-2019-viet-nam-phai-tan-dung-co-hoi-de-phat-trien-but-pha-114821.html