Năm 2019 rủi ro nào đang chờ doanh nghiệp xuất khẩu cá tra?

Xuất khẩu cá tra năm 2018 dự báo sẽ đạt mức 2,3 tỷ USD. Các doanh nghiệp cá niêm yết cổ phiếu trên Sàn chứng khoán đang có mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngoạn mục tính đến nửa đầu tháng 12.

Mỹ vượt qua Trung Quốc, trở lại là thị trường tiêu thụ cá tra Việt Nam lớn nhất

Tính từ đầu năm đến ngày 15/12/2018, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đi các thị trường đạt 2,15 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu cá tra đạt hơn 111 triệu USD cho nửa đầu tháng 12 và gần 219 triệu USD cho tháng 11/2018.

Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, với thị phần chiếm 93% theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC). Trong đó, ở thị trường Mỹ, Việt Nam chiếm thị phần cá da trơn đến 91%, Trung Quốc chiếm thị phần 9%.

Xuất khẩu ca tra sang Mỹ ghi nhận 3 tháng tăng trưởng liên tiếp kể từ tháng 9/2018 và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2017. Nửa đầu tháng 12, xuất khẩu cá tra sang Mỹ tiếp tục duy trì tăng trưởng cao 133,5% so với cùng kỳ năm 2017, đã đưa thị trường Mỹ vượt Trung Quốc mở rộng để trở thành thị trường tiêu thụ cá tra Việt Nam lớn nhất. Tính theo giá trị lũy kế đến ngày 15/12/2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 525 triệu USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ trước.

 Nguồn: Số liệu của Hải Quan Việt Nam

Nguồn: Số liệu của Hải Quan Việt Nam

Xếp sau Mỹ là Trung Quốc mở rộng (bao gồm cả Hồng Kông), với giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này là 505,1 triệu USD, tăng trưởng 28,9% so với cùng kỳ năm 2017. Thị trường chung châu Âu (EU) xếp thứ 3 với giá trị xuất khẩu đạt 231,3 triệu USD, tăng 19,1%.

Chỉ tính riêng 3 thị trường lớn Mỹ, Trung Quốc mở rộng và EU tiêu thụ cá tra Việt Nam lên đến 58,6% tổng kim ngạch xuất khẩu ca tra Việt Nam đi các thị trường tính đến ngày 15/12/2018.

Giới chuyên môn dự báo, năm 2018, xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD. Như vậy chỉ còn khoảng 115 triệu USD cho nửa cuối tháng 12, dự báo trên sẽ thành hiện thực, ghi nhận kỷ lục mới của ngành sản xuất chế biến cá tra xuất khẩu Việt Nam.

Động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành cá

11 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp cá tra đang niêm yết cổ phiếu trên thị chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngoạn mục từ 24% đến 59%, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành, ngoại trừ Thủy sản Hùng Vương (mã HVG), Agifish (mã AGF).

Trong đó, Vĩnh Hoàn tiếp tục là nữ hoàng cá tra với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 310 triệu USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2017, xếp thứ 2 trong Top 100 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất. Navico (mã ANV) vào top 10 doanh nghiệp thủy sản lớn nhất, vị trí số 8 với kim ngạch 11 tháng đạt 119,5 triệu USD, đây là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại của ANV. Tương tự ANV, IDI ghi dấu với kim ngạch xuất khẩu đạt đến 113,7 triệu USD, tăng trưởng 32%, xếp thứ 9 trong top 100 doanh nghiệp thủy sản lớn nhất.

Nguồn: Số liệu Hải Quan Việt Nam

Xuất khẩu cá tra sang Mỹ và EU đang chiếm khoảng 50% tổng giá trị xuất khẩu của ngành sang các thị trường. Các rào cản thị trường Mỹ đã giảm nhất là khi Việt Nam đã vượt qua các cuộc kiểm tra thực địa của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), bước quan trọng nhất trong quy trình đánh giá tương đương ban đầu được thiết lập nởi Cơ quan Kiểm định và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (trực thuộc USDA).

Hơn nữa, thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với cá tra trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 14 (POR 14) thấp hơn đang kể so với POR 13. Do đó, giới phân tích đánh giá khối lượng xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2019.

Trong khi đó, đối với thị trường EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam 0 EU (EVFTA) có thể sẽ được phê duyệt vào đầu năm 2019. Khối phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, nếu EVFTA được phê duyệt, thuế nhập khẩu sẽ giảm từ mức hiện tại 5,5% xuống 0% trong 3 năm đối với cá phi lê đông lạnh và từ mức 7% xuống 0% trong 7 năm đối với cá phi lê đã chế biến. VDSC cũng kỳ vọng nhu cầu cá tra tại EU sẽ tăng mạnh.

Đối với thị trường Trung Quốc mở rộng, mặc dù đã bị thị trường Mỹ lấy lại vị trí số 1 trong các thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, nhưng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vẫn còn rất nhiều tiềm năng do nhu cầu tiêu thụ lớn, thuận lợi trong giao thương. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc cũng được đánh giá là ẩn chứa nhiều rủi ro.

Như vậy, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đặc biệt là các doanh nghiệp có năng lực nuôi trồng và sản xuất sẽ có nhiều cơ hội để gia tăng giá trị xuất khẩu vào Mỹ và EU và tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới.

VDSC ước tính kim ngạch xuất khẩu của Vĩnh Hoàn năm 2019 sẽ đạt 381 triệu USD, trong đó tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường chính Mỹ 60%, EU 9% và Trung Quốc 11%.

Đối với Navico, doanh nghiệp đặt kế hoạch cho năm 2019 với doanh số 6.000 tỷ đồng, lãi suất thuế 700 tỷ đồng. Ngoài xuất khẩu cá tra và các sản phẩm giá trị gia tăng liên quan, ANV còn sở hữu vùng nuôi 330 ha, cung cấp 95.000 tấn cá nguyên liệu/năm cho thị trường và dự tiếp tục nâng lên 200.000 tấn/năm sau khi dự án Bình Phú đi vào hoạt động vào quý IV/2019.

Rủi ro nào đang chờ phía trước?

Nhiều cơ hội cho ngành nuôi trồng chế biến ca tra xuất khẩu phát triển, nhưng rủi ro vẫn đang chờ. Giới phân tích cho rằng, tình trạng dư cung cá tra ở Việt Nam sẽ là rào cản phát triển của ngành cá tra.

Thiếu hụt cá giống và cá tra đã gây ra sự tăng vọt đáng kể về giá kể từ đầu năm 2017. Nhiều nông dân đang đổ xô nuôi cá giống và cá nguyên liệu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng cung cá nguyên liệu dư thừa khi nhiều trang trại cùng bước vào mùa thu hoạch. Giá bán cá nguyên liệu cho các nhà máy có thể lao dốc. Các trang trại có thể chịu thiệt hại lớn và ngừng thả giống cho mùa vụ tiếp theo, điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trong các vụ mùa tiếp theo.

Hơn nữa, bất ổn chính trị ở châu Âu có thể khiến Hiệp định EVFTA bị trì hoãn, qua đó, trì hoãn thời gian hàng hóa Việt Nam được miễn giảm thuế.

HỒNG QUÂN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/nam-2019-rui-ro-nao-dang-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-ca-tra-3487076.html