Năm 2019, phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội xứng tầm Thủ đô

Năm 2019, đánh dấu rất nhiều sự kiện quan trọng cả về chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội trên địa bàn Hà Nội.

Đây là năm kỷ niệm 65 năm Giải phóng Thủ đô, 20 năm giữ vững danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" và cũng là thời điểm Hà Nội được giới thiệu tham gia ứng cử chính thức gia nhập vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO… Về kinh tế, 2019 cũng là một năm rất thành công, do có nhiều đổi mới trong định hướng, chỉ đạo, điều hành nên kinh tế tăng trưởng cao, Thủ đô xứng đáng dẫn đầu cả nước về nhiều phong trào.

Một góc thành phố Hà Nội. Ảnh: Minh Đông/TTXVN

Một góc thành phố Hà Nội. Ảnh: Minh Đông/TTXVN

Những ngày chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, hân hoan chuẩn bị đón chào Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, phố phường Hà Nội tấp nập xe cộ, hàng hóa luân chuyển nhiều và sức mua tăng cao. Đây cũng là cảm nhận cho một nền kinh tế trung tâm đất nước đang phục hồi mạnh mẽ.

Theo số liệu thống kê của thành phố Hà Nội, tổng sản phẩm (GRDP) năm 2019 của thành phố ước tăng 7,62%, đạt kế hoạch đề ra và cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 264,7 nghìn tỷ đồng, đạt 100,6%. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Vốn đầu tư phát triển ước tăng 12,9% (kế hoạch từ 10,5 – 11%), đặc biệt thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,05 tỷ USD – cao nhất sau hơn 30 năm đổi mới, hội nhập, là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước. Khách du lịch đến Hà Nội đạt 28,945 triệu lượt khách (tăng 10,1%), trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 7,025 triệu lượt (tăng 17%), khách du lịch nội địa đạt 21,92 triệu lượt (tăng 8%). Tổng thu từ khách du lịch đạt 103,812 nghìn tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2018.

Để có những kết quả thành công trên là sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã có nhiều giải pháp dài hơi đi kèm với các biện pháp quyết liệt và hữu hiệu. Ngay từ đầu nhiệm kỳ đại hội, cũng như kết thúc mỗi năm, thành phố luôn tổng kết sớm đánh giá mặt được, chưa được, cũng như rút bài học kinh nghiệm và giao chỉ tiêu cho các địa phương, ban ngành khẩn trương vào cuộc. Thành phố vẫn tiếp tục kiên trì thực hiện "Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính" trên tinh thần 5 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả".

Thành phố thực hiện mạnh mẽ "một việc - một đầu mối xuyên suốt", quyết tâm đổi mới bộ máy hành chính để giảm phiền hà, tốn kém công sức, tiền của nhân dân và luôn "Xác định người dân và doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ". Cải cách hành chính luôn là điểm nổi bật, được thành phố chọn làm khâu then chốt và hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế. Hà Nội đã cắt giảm hàng trăm thủ tục hành chính rườm rà, đã đổi mới sắp xếp vị trí việc làm, tinh giảm biên chế tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng cho ngần sách. Song song đó, Hà Nội đã chấn chỉnh lề lối làm việc, xử lý kỷ luật, cách chức, sa thải nhiều cán bộ vi phạm, nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân.

Thành phố có nhiều cách làm hay, đổi mới trong cải cách hành chính, được người dân và doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao, đồng thời là địa phương đầu tiên trong cả nước quy định thống nhất trên toàn địa bàn việc áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã được giao cung ứng dịch vụ công ích.

Trong năm 2019, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2018. Theo đó, chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội tiếp tục được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Từ việc đổi mới tác phong, lề lối làm việc của cán bộ công chức trong các cơ quan công sở, hình ảnh của Hà Nội được nâng cao, người dân, doanh nghiệp đánh giá cao, thu hút đầu tư mạnh luôn dẫn đầu của cả nước. Khách du lịch đến Hà Nội, đặc biệt là khách quốc tế tăng mạnh.

Để nâng cao hình ảnh, tăng cường sự hợp tác về kinh tế, văn hóa, lãnh đạo thành phố đã thăm và làm việc với hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển theo tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội". Quan hệ giữa Thủ đô với đối tác các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng tiếp tục được cải thiện với việc Thành phố đã ký hơn 10 thỏa thuận quốc tế, tiếp hơn 204 đoàn ngoại giao, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đến thăm và làm việc với Hà Nội.

Đặc biệt, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương chuẩn bị tốt các công tác hậu cần, an ninh, hoàn thành xuất sắc vai trò thành phố chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27-28/2/2019, để lại ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc trong mắt bạn bè quốc tế về một Thủ đô, đất nước Việt Nam hòa bình, mến khách, năng động, đổi mới mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng.

Một bất cập và là vấn đề nan giải ở Hà Nội đó là, kinh tế tăng trưởng mạnh, đô thị lại phải đối mặt với sự quá tải do mật độ dân cư lớn, tình trạng tắc nghẽn giao thông diễn ra hàng ngày, kìm hãm sự phát triển kinh tế và mất nhiều thời gian đi lại của người dân. Thành phố Hà Nội đã tập trung cao độ để tháo gỡ, đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng xây mới nhiều tuyến đường, tháo gỡ nhiều nút thắt ùn nghẽn lâu năm, làm nhiều cầu vượt nhẹ các nơi thiết yếu. Điển hình, thành phố đã thông xe đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long; thông xe đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài sau nhiều năm chờ đợi; đây là tuyến đường rộng 8 làn xe kết nối các quận Cầu Giấy - Bắc Từ Liêm - Tây Hồ, góp phần giảm tải cho nút giao Hoàng Quốc Việt - Bưởi. Thành phố đã hoàn thành giai đoạn 1 và tiếp tục khởi công giai đoạn 2 dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên; mở nút giao đường vành đai 3 dưới thấp với Giải Phóng; đồng thời đang tiến hành làm cầu vượt bắc qua hồ Linh Đàm…

Ngoài các công trình trên địa bàn, thành phố phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và nhiều bộ, ngành để xây dựng nhiều tuyến đường huyết mạch, xuyên tâm giúp cho các phương tiện giao thông kết nối các tỉnh thành đi qua nhiều thuận tiện.

Mặc dù là Thủ đô, có đông người tập trung tại đô thị, nhưng Hà Nội có số lượng rất lớn người dân vùng nông thôn. Do vậy, thành phố luôn luôn tập trung nguồn lực để không nhưng cân bằng đời sống, thu nhập mà đây chính là lực lượng lao động lớn cung cấp hàng hóa, thực phẩm trên địa bàn. Nhiều thôn, xã, huyện khó khăn được đầu tư gấp hàng chục lần so với các năm trước. Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về "phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân", đời sống nông dân đã tăng cao. Đến nay, Hà Nội đã có 6 huyện, 356 xã (92%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 259 triệu đồng/ha/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,6%. Những thành tựu đạt được sau 10 năm xây dựng nông thôn mới làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi toàn diện, ngày càng khang trang, xanh - sạch - đẹp hơn, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Thủ đô Hà Nội đang bước vào năm 2020 với sự quyết tâm cao độ, đặt ra nhiều giải pháp, mục tiêu, trong đó hàng đầu là chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; cơ cấu lại kinh tế Thủ đô và các ngành lĩnh vực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 7,5% trở lên.

Thành phố tiếp tục xác định phát triển du lịch là kinh tế mũi nhọn; làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng và đô thị; xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp…

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/ha-noi-phat-trien-manh-kinh-te-xa-hoi-xung-tam-thu-do-cua-dat-nuoc-20191231072339113.htm