Năm 2019 phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 10,5 tỷ USD

10 năm qua, công tác trồng, bảo vệ, phát triển rừng có những bước chuyển biến rất tích cực. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai... mà còn thúc đẩy phát triển ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ, đem lại no ấm cho người trồng rừng.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn xung quanh vấn đề này.

 Ông Hà Công Tuấn. Ảnh: DIỆP ANH

Ông Hà Công Tuấn. Ảnh: DIỆP ANH

Phóng viên (PV): Thưa ông, đâu là nguyên nhân giúp ngành sản xuất chế biến đồ gỗ có được sự tăng trưởng mạnh trong năm 2018?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Năm 2018, ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ, lâm sản của nước ta tăng trưởng rất ấn tượng. Chúng ta đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 9,3 tỷ USD, vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Hiện sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt ở thị trường 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 4.700 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ. Nhiều doanh nghiệp có nguồn vốn lớn, năng lực quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ mới, nên bước đầu đã phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ.

Việc xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang các thị trường cũng đều thuận lợi nhờ nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng. Năm 2018, chúng ta đã xuất siêu được gần 7 tỷ USD. Điều này vô cùng ý nghĩa bởi đây chính là nguồn thu nhập của người trồng rừng, của doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ.

Người dân tỉnh Bắc Kạn tham gia trồng cây gây rừng. Ảnh: NGHINH XUÂN

PV: Điều gì khiến chúng ta tự tin với mục tiêu của ngành lâm nghiệp năm 2019, nhất là kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 10,5 tỷ USD, thưa ông?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Mục tiêu đặt ra năm 2019 đối với ngành lâm nghiệp đạt 10,5 tỷ USD (tăng 1,2 tỷ USD). Việt Nam là nước xuất khẩu đồ gỗ rất lớn ở khu vực châu Á, chỉ đứng sau Trung Quốc. Các thị trường lớn của lâm sản Việt Nam, như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tăng trưởng cao. Các cam kết cũng như quan hệ thương mại của Việt Nam với các quốc gia này vẫn đang tốt. Mặt khác, năm 2019 chúng ta có thể tăng sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác lên thêm từ 1 đến 1,5 triệu m3 (19-19,5 triệu m3-PV). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã đầu tư năm 2018, tới năm 2019 bắt đầu đi vào hoạt động khiến công suất, sản lượng tăng lên. Các doanh nghiệp mới đây đã thông tin với bộ về những đơn hàng trong năm 2019 có thể tăng lên khoảng 1,5 tỷ USD so với năm 2018. Bởi vậy, phương án đặt ra về kim ngạch xuất khẩu năm 2019 tăng thêm 1,2 tỷ USD là hoàn toàn khả thi.

PV:Thưa ông, để thực hiện mục tiêu năm 2019 cũng như góp phần hỗ trợ tích cực cho sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản xuất khẩu, ngành lâm nghiệp nước ta sẽ phải làm gì?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Để phát triển lâm nghiệp bền vững việc đầu tiên và rất quan trọng là bảo vệ tốt được diện tích rừng hiện có, cùng với đó là tiếp tục tăng năng suất, chất lượng của rừng. Năm 2018, bằng những giải pháp quyết liệt chúng ta đã giảm được 22% số vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, giảm được 30% diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng và phá rừng gây ra. Năm 2019, Bộ NN&PTNT giao ngành lâm nghiệp phải giảm được 10% số vi phạm pháp luật về lâm nghiệp (tức là khoảng 1.000 vụ), giảm khoảng 20% diện tích rừng bị thiệt hại do vi phạm pháp luật gây ra (khoảng 200-300ha). Với sự quyết liệt của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, nhất là phát huy vai trò của chủ rừng, tôi tin chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đề ra.

PV: Thưa ông, muốn phát triển thì phải giữ được rừng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Đúng thế. Bởi vậy, chúng tôi luôn nhất quán quan điểm từ trước đến nay lực lượng kiểm lâm là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ rừng. Tuy nhiên, nếu chỉ một mình lực lượng kiểm lâm sẽ không thể hoàn thành mục tiêu bảo vệ rừng. Bảo vệ rừng trước hết thuộc trách nhiệm của các chủ rừng. Chúng ta đã kiên trì và thực hiện rất tốt việc giao đất, giao rừng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Không chỉ việc giao cho họ bảo vệ rừng mà họ còn có thu nhập từ rừng để nâng cao đời sống. Kiểm lâm chỉ là lực lượng thừa hành pháp luật, giám sát thực thi pháp luật bảo vệ rừng, nhất là ở rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Chúng ta đạt được những thành tựu hôm nay chính bằng các cơ chế, chính sách, thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng, thu nhập từ việc nâng cao giá trị của gỗ và lâm sản, tăng thu nhập cho chủ rừng, từ đó chủ rừng tăng trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm sẽ dần chuyển sang thực hiện giám sát việc thừa hành pháp luật về bảo vệ rừng và hỗ trợ cho các chủ rừng.

PV: Trân trọng cám ơn ông!

Năm 2019, ngành lâm nghiệp phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 41,85%; trồng 220.000ha rừng, trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng 14.000ha; rừng sản xuất 216.000ha (25.000ha rừng trồng thâm canh gỗ lớn); trồng 50 triệu cây phân tán; khoanh nuôi tái sinh rừng 360.000ha; chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn 20.000ha, khai thác gỗ rừng trồng tập trung 19,5 triệu m3... (Nguồn Tổng cục Lâm nghiệp)

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nam-2019-phan-dau-kim-ngach-xuat-khau-do-go-dat-10-5-ty-usd-566586