Năm 2019: Mục tiêu kiềm chế lạm phát sẽ đạt được

Năm 2019, dự báo mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% hoàn toàn có thể thực hiện được nếu công tác điều hành thực hiện nhất quán, đồng bộ.

Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp kịp thời nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Ảnh: Nguyễn Hiền.

Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp kịp thời nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Ảnh: Nguyễn Hiền.

3 kịch bản về giá

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong đó đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,6-6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong năm 2019, giá cả thị trường hàng hóa Việt Nam sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố. Trong đó, đáng chú ý là dịch bệnh đối với vật nuôi luôn có nguy cơ xảy ra gây ảnh hưởng tới nguồn cung và giá cả các mặt hàng thực phẩm. Bên cạnh đó, thời tiết và khí hậu vẫn luôn là yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp và nguồn cung nông sản trên thị trường.

"Dự báo một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá năm 2019 như: Từ ngày 1/1/2019 sẽ áp dụng tăng mức lương tối thiểu vùng từ 2.920.000 đồng lên 4.180.000 đồng/tháng đối với người lao động; việc điều chỉnh giá của một số mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình; giá điện sẽ được điều chỉnh; biến động phức tạp của giá xăng dầu và các hàng hóa cơ bản khác trên thị trường thế giới. Cùng với đó, xu hướng tăng giá của đồng USD cũng sẽ tác động đến tỷ giá trong nước", chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.

Bàn về điều này, theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, việc giá dầu giảm mạnh, lạm phát tháng 12/2018 so với cùng kỳ năm trước chỉ còn ở mức 2,98% (giảm mạnh so với mức 3.89% trong tháng 10/2018) là điều kiện thuận lợi cho lạm phát của tháng đầu năm 2019 ở mức thấp và đảm bảo kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019. Mức lạm phát thấp của tháng đầu năm 2019 sẽ có tác động tích cực đến lạm phát cùng kỳ của tất cả các tháng trong năm cũng như lạm phát trung bình của năm 2019.

Ông Nguyễn Đức Độ cũng đặt ra 3 kịch bản về mức độ lạm phát trong năm 2019. Trong kịch bản thấp, giá dầu tiếp tục giảm và tỷ giá VND/USD chỉ tăng 1%, lạm phát cùng kỳ của tháng 12/2019 có thể chỉ ở mức 1% và lạm phát trung bình cả năm 2019 chỉ ở mức 2,5%. Với kịch bản trung bình, lạm phát sẽ tăng khoảng 0,14% tháng (chưa tính điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế và giáo dục), tương đương với mức tăng lạm phát cơ bản của năm 2018. Với mức tăng này, lạm phát trung bình sẽ chỉ ở mức 2%. Tuy nhiên, do Chính phủ sẽ điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình nên lạm phát trung bình sẽ cao hơn, nhưng khả năng sẽ chỉ ở mức khoảng 3%. Còn với kịch bản cao, giá xăng dầu tăng mạnh trở lại và tỷ giá có mức tăng tương đương với mức tăng của năm 2018; đồng thời Chính phủ vẫn điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình, lạm phát trung bình cả năm 2019 vẫn sẽ thấp hơn mức 3,54% của năm 2018.

"Về tổng thể, có thể nhận định rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019 gần như chắc chắn sẽ đạt được", TS Nguyễn Đức Độ khẳng định.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, dù mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2018 đã thành công ở mức 3,54% song CPI năm 2019 sẽ chịu nhiều áp lực nếu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương không chủ động kiểm soát, phối hợp chặt chẽ với nhau trong điều hành giá cả các mặt hàng.

Vị chuyên gia này cũng đặt câu hỏi: Khi kinh tế 2018 đã thực sự khởi sắc thì bước sang năm 2019 kinh tế liệu có tiếp tục đà bứt phá đó? Những khó khăn, thách thức của nền kinh tế đang đặt ra vẫn còn nhiều nếu không kịp thời có giải pháp để vượt qua thì khó khăn sẽ đè nặng lên kinh tế trong năm 2019.

"Nhiệm vụ sẽ vô cùng nặng nề bởi kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tăng trưởng 6,6-6,8% trên nền tăng trưởng cao của GDP năm 2019 là không hề dễ, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kinh tế trong nước còn khó khăn, nhiều động lực cho tăng trưởng đã tới hạn", ông Ngô Trí Long nói.

Để thực hiện mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% trong năm nay do Quốc hội đề ra, theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, năm 2019, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá với những giải pháp cụ thể như: Tiếp tục theo dõi sát biễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu và kịp thời đề xuất các giải pháp; kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với một số mặt hàng; tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, nhất là với các mặt hàng thiết yếu; rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, đẩy nhanh hoàn thiện các mức kinh tế - kĩ thuật làm cơ sở xác định giá dịch vụ theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện dịch vụ vào giá...

Thanh tra việc chấp hành quy định về giá, phí sau tết Nguyên đán

Đầu năm là thời điểm bắt đầu của nhiều Lễ hội diễn ra trên cả nước, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, mua sắm phục vụ lễ hội sẽ có xu hướng tăng, để tiếp tục bình ổn thị trường, giá cả, Bộ Tài chính vừa có yêu cầu các cơ quan tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí (nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô). Quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết. Theo dõi sát diễn biến, chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường, giá cả nhất là những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết của người dân, đồng thời, chủ động các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Q.B

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/nam-2019-muc-tieu-kiem-che-lam-phat-se-dat-duoc-99319.html