Năm 2019, cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh

Đây là vấn đề được các chuyên gia phân tích của CTCP Biên An Toàn (chuyên về quản lý đầu tư và quản lý tài sản) nhấn mạnh tại buổi Hội thảo với chủ đề: 'Tìm kiếm cơ hội đầu tư trong 'mùa đông băng giá'.

Ông Nguyễn Nhật Khánh - Chuyên gia tư vấn ngành Ngân hàng của CTCP Biên An Toàn. (Ảnh: P.D)

Ông Nguyễn Nhật Khánh - Chuyên gia tư vấn ngành Ngân hàng của CTCP Biên An Toàn. (Ảnh: P.D)

Nhận định kỷ nguyên “tiền rẻ” đã chấm dứt, thị trường chứng khoán đã qua cái thời “ai cũng là chuyên gia” và ngày càng khó tìm kiếm cơ hội đầu tư, ông Nguyễn Nhật Khánh - Chuyên gia tư vấn ngành Ngân hàng của Biên An Toàn cho biết các cổ phiếu ngân hàng cũng nằm trong xu hướng này.

Ông Khánh cho biết, các cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán nên câu chuyện đầu tư của nhóm ngành này, trong gian tới, là vấn đề được nhiều nhà đầu tư hết sức quan tâm.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng gặp phải không ít thách thức, gây ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng và biên lợi nhuận. Trên thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất đang có dấu hiệu gia tăng ở cả 2 chiều huy động và cho vay. Tỷ lệ nợ xấu trong Quý 3/2018 tại nhiều ngân hàng cũng đang có xu hướng tăng và đạt mức cao nhất trong vòng 4 quý gần đây.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nhật Khánh nhận định nợ xấu vẫn được các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ và chỉ thực sự là câu chuyện đáng chú ý ở một số ngân hàng riêng biệt.

“Sự khác biệt trong mô hình kinh doanh, chất lượng tài sản và chiến lược kinh doanh sẽ khiến các cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa mạnh trong thời gian tới” - chuyên gia ngành Ngân hàng của Biên An Toàn cho hay.

Ngoài ra, ông Khánh cho biết năm 2018 là một năm gây ấn tượng về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng. Tại một số ngân hàng, do có lợi thế từ huy động tiền gửi nên đà tăng trưởng có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong khoảng từ 1 đến 2 quý sắp tới.

Theo tính toán của vị chuyên gia này, các ngân hàng trong “top 5” về tỷ lệ CASA (tài khoản vãng lai và tiết kiệm) là MBBank (Mã CK: MBB), Vietcombank (Mã CK: VCB), Techcombank (Mã CK: TCB), BIDV (Mã CK: BID) và Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã CK: ACB).

Tỷ lệ CASA cao được cho là sẽ giúp các ngân hàng có được lợi thế về mặt chi phí huy động trong ngắn hạn khi mặt bằng lãi suất cho vay bắt đầu tăng.

Lấy vị dụ về TCB, ông Khánh cho biết ngân hàng này đã có chính sách khá cạnh tranh trong dịch vụ chuyển tiền. Điều này giúp TCB huy động lượng tiền vãng lai rất tốt và cải thiện được chỉ số CASA trong thời gian qua.

“Để tăng được chỉ số này từ 20% lên 25%, ngân hàng có thể phải mất tới 5 năm mà vẫn chưa chắc thực hiện được” - vị chuyên gia này chia sẻ thêm.

Một số chỉ số đáng lưu ý của các cổ phiếu ngành ngân hàng (Nguồn: BAT)

Xét về chỉ số huy động/cho vay (LDR), số liệu của ông Khánh cho thấy ngân hàng VPBank (Mã CK: VPB) đang dẫn đầu trong ngành, lên tới 127,9% (căn cứ theo tính toán của Biên An Toàn - có sự khác biệt chuẩn quy định của NHNN).

Kết quả này phần nào phản ánh đặc thù mô hình kinh doanh của chủ yếu tập trung vào việc cho vay lĩnh vực tiêu dùng của VPBank.

Bên cạnh đó, việc hoạt động ở một lĩnh vực có độ rủi ro cao cũng khiến VPB dẫn đầu ngành ngân hàng về tỷ lệ nợ quá hạn với 10,9% và tỷ lệ nợ xấu đạt tới 4,7%. Mặt khác, VPB cũng là ngân hàng có mức lãi suất huy động bình quân và lãi suất cho vay bình quân cao nhất trong ngành.

Đổi lại, VPB lại đạt được tỷ lệ NIM (biên lãi ròng) cao nhất trong ngành, đạt tới 6,79% (giai đoạn 9 tháng đầu năm 2018). Tuy vậy, theo vị chuyên gia này, các mối lo ngại về rủi ro do nợ xấu gia tăng đã khiến thị giá cổ phiếu VPB gặp nhiều áp lực bán trong thời gian qua.

Xét về mặt định giá, vị chuyên gia của Biên An Toàn đề cao sức ảnh hưởng của chất lượng tài sản tới các quyết định đầu tư và lưu ý “không phải nhà đầu tư cứ thấy rẻ là mua được”.

Lấy ví dụ về cổ phiếu VCB, số liệu theo tính toán cho thấy ngân hàng này không những thuộc nhóm dẫn đầu về các chỉ số EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) và BVPS (giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu) mà còn là một trong những cổ phiếu được định giá khá “đắt” khi có chỉ số P/E và P/B cao trong ngành, lần lượt là 22,3 và 3,4 lần.

Dù có định giá khá cao nhưng cổ phiếu VCB vẫn được nhiều tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài săn đón. Một phần nguyên nhân là do VCB có nền tảng chất lượng tài sản tốt, cùng với lợi thế về quy mô trong ngành.

Định giá cổ phiếu của một số cổ phiếu ngành ngân hàng giai đoạn 9 tháng đầu năm 2018 (Nguồn: BAT)

Tương tự là trường hợp của ngân hàng Sacombank (Mã CK: STB) có chỉ số EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) thấp nhất trong số các ngân hàng được thống kê, đạt ở mức 531 đồng. Tuy nhiên, hệ số định giá P/E của STB lại ở mức cao nhất, lên tới 24,1 lần.

Lý giải hiện tượng này, vị chuyên gia cho biết là do STB vẫn đang chịu áp lực từ chi phí trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu từ thời nhiệm kỳ ban lãnh đạo cũ để lại. Nhưng nếu xét về hoạt động kinh doanh, STB vẫn là một ngân hàng có mô hình hoạt động hiệu quả, đang tích cực tiến hành tái cơ cấu nên chỉ số P/E cao phần nào thể hiện được niềm tin từ thị trường.

Trong tương lai, khi chỉ số EPS được cải thiện sẽ giúp giảm chỉ số P/E của STB về mức hợp lý hơn./.

Phạm Duy

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/nam-2019-co-phieu-ngan-hang-se-co-su-phan-hoa-manh-310506.html