Năm 2019 cơ bản sẽ sắp xếp, sáp nhập xong 10 huyện, 631 xã của 45 tỉnh thành

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện và xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức; công tác đánh giá xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Làm nhanh tiến độ sắp xếp các đơn vị hành chính

Quan tâm đến tiến độ thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) hỏi: Hiện nay, tiến độ thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính không đồng nhất ở các địa phương. Vẫn còn 9 tỉnh, TP trước gửi hồ sơ về Bộ để thẩm định. Tỷ lệ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện mới đạt 60% so với số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp.

“Bộ trưởng cho biết thực trạng trên có trách nhiệm của Bộ Nội vụ hay không? Nguyên nhân là gì? Và giải pháp thực hiện trong thời gian tới như thế nào?”, đại biểu hỏi.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện nay đã nhận được tổng số 38 tỉnh gửi Đề án sắp xếp đơn vị chính của cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ Nội vụ đã thẩm định được 32 tỉnh. Đến 11-2019, cả 7 tỉnh còn lại đều phải kết thúc việc gửi hồ sơ lên.

“Tôi đề nghị các địa phương làm nhanh. Cố gắng từ đây cho đến cuối năm 2019 cơ bản sẽ sắp xếp xong 45 tỉnh, với tổng số hơn 10 huyện, 631 xã”, Bộ trưởng nói và đề nghị lãnh đạo các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh đôn đốc UBND cấp tỉnh cố gắng hoàn chỉnh Đề án.

Để giải quyết vấn đề biên chế dôi dư trong việc sắp xếp, Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết 580, Nghị quyết 32 của Chính phủ và Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị đã nói rất rõ về chế độ chính sách này. Đối với công chức, cố gắng duy trì trong vòng 5 năm để thực hiện tinh giản; sau 5 năm, số lượng biên chế được sáp nhập lại y như ban đầu đối với từng loại đơn vị hành chính. Đồng thời, thực hiện tinh giản biên chế, thực hiện chính sách thôi việc, thực hiện việc liên thông, tiếp nhận cán bộ, công chức của xã đủ tiêu chuẩn điều kiện lên làm công chức cấp huyện, hạn chế vấn đề thêm mới đối với công chức cấp huyện khi tuyển dụng mới…

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) chất vấn Bộ trưởng Nội vụ. Ảnh: P.Thảo

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) chất vấn Bộ trưởng Nội vụ. Ảnh: P.Thảo

Yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho biết, hiện nay, việc tổ chức thi xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa được rõ ràng, minh bạch và còn tồn tại nhiều bất cập. Yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức bởi: thứ nhất nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục nên đã đăng ký lớp học ngoại ngữ tin học với thời gian học rất ngắn nên chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ tin học không thực chất.

Thứ hai, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này nên sau khi thi học chứng chỉ thì không sử dụng đến. Vì vậy, mục đích có chứng chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch và gây tốn kém cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vấn đề này có hay không? Nếu có thì Bộ trưởng làm thế nào mới khắc phục được tính hình thức này, có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tiến hành thi xét nâng ngạch công chức, viên chức hay không?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: “Hiện nay qua dư luận báo chí, phản ảnh của của đồng bào cử tri cả nước, nhất là cán bộ, công chức, viên chức, tôi thấy rất phiền hà về việc văn bằng, chứng chỉ, không phải riêng về thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức mà còn ở quy trình bổ nhiệm”.

Cho biết quy định này đã có từ năm 1993 đến bây giờ, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng, hai mươi mấy năm rồi, phải sửa. “Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm một quyết định để 20 năm không sửa để cho thủ tục rườm rà. Chúng tôi cam kết với Quốc hội năm 2020 sau khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay. Chúng tôi sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào”, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định.

Còn vấn đề kiểm soát, có nhiều cách như thi tin học, ngoại ngữ phải thi trên máy tính. Làm các phương pháp này để loại bớt thủ tục hành chính quá nhiều, chúng ta hậu kiểm là chính. Người đứng đầu ngành Nội vụ cũng dẫn Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19, cho rằng các văn bản này đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm. Tùy từng vị trí mà có chứng chỉ, bằng cấp khác nhau.

Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng về vấn đề văn bằng, chứng chỉ, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) thẳng thắn: Trả lời chất vấn về yêu cầu văn bằng, chứng chỉ đối với các công chức, viên chức của Bộ trưởng có lẽ sẽ giúp gần 100% cán bộ, công chức rất vui mừng, vì tới đây sẽ bớt được hành trình khốn khổ, tốn kém “chạy” chứng chỉ để qua các cửa ải. Tuy nhiên, với việc Bộ trưởng dự kiến thay việc thi viết bằng việc kiểm tra thi trên máy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ hơn các giải pháp tổ chức thực hiện để cán bộ, công chức “vừa tránh vỏ dưa, vừa tránh được vỏ dừa”, mà thực sự nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tại sao nhiều cán bộ, công chức, viên chức sai phạm?

Trả lời đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tổng kết trong năm 2018 nhóm xử lý kỷ luật đối với công chức có 1.657 người bị xem xét xử lý kỷ luật, với viên chức, trong năm 2018 đã xử lý 3.020 người.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Trung ương đã xem xét kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp. Nhiều cơ quan địa phương cũng đã phải xử lý kỷ luật, kể cả xử lý hình sự nhiều cán bộ sai phạm, báo chí dư luận cũng phản ánh nhiều về hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức vô cảm khi tác nghiệp.

“Cử tri có hỏi và tôi xin hỏi Bộ trưởng trả lời giúp là chúng ta có quy trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ khá chặt chẽ, sao lại xảy ra hiện tượng nhiều cán bộ, công chức, viên chức sai phạm, đạo đức công vụ của một bộ phận không đáp ứng yêu cầu như vậy. Nguyên nhân và giải pháp thế nào để khắc phục trong thời gian tới”, đại biểu Phạm Tất Thắng chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, chúng ta làm rất chặt, quy trình 5 bước từ việc thảo luận về chủ trương, tiêu chí, điều kiện cho đến cán bộ chủ chốt, mở rộng và vòng 1 vòng 2, tới Ban Cán sự Đảng, tới Đảng ủy nhưng quan trọng là không nắm được cán bộ.

Tất cả cán bộ đều thông qua hồ sơ, lý lịch, nhận xét, đánh giá tuyển chọn của cấp dưới. Rất nhiều quy trình, rất nhiều thủ tục, rất nhiều tiêu chuẩn nhưng chúng ta chọn không đúng người, không hiểu được người, không hiểu được cán bộ. Thậm chí, trong vấn đề sai phạm cán bộ trong thời gian vừa qua, quản lý hồ sơ của cán bộ, công chức khai không trung thực mà không phát hiện được vấn đề này. Rất nhiều các bộ hồ sơ đã được cơ quan có thẩm quyền chuyển đến thì cơ quan tổ chức cất vào tủ, không đi xác minh.

Vấn đề này, Bộ Nội vụ đã có các quyết định giao cho các cơ quan và người làm công tác tham mưu, tổ chức khi nhận hồ sơ, cán bộ phải thẩm tra, xác minh lại, làm cơ sở trong việc xem xét, đề bạt, bổ nhiệm của cán bộ chứ không phải là chỉ thấy có chữ ký của Vụ trưởng tổ chức hay chữ ký của cơ quan đơn vị gửi đến là coi như có trách nhiệm thuộc cơ quan trước. Rất nhiều hồ sơ, rất nhiều trường hợp, so sánh với bảo hiểm y tế, thời gian công tác không khớp nhau, rất nhiều vấn đề. Ngày, tháng, năm sinh thì không giống thành ra có tình trạng là điều chỉnh theo Thông báo 13.

“Tôi đề nghị quản lý hồ sơ cán bộ là phải kiểm tra hồ sơ chứ không phải chỉ cất hồ sơ. Vấn đề này rất quan trọng nên thấy hồ sơ tất cả cái gì cũng đẹp, học hành đàng hoàng, khi đề bạt bổ nhiệm rồi, lật ra mới thấy có vấn đề, mới thấy khai gian lý lịch”, Bộ trưởng Nội vụ nói.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nam-2019-co-ban-se-sap-xep-sap-nhap-xong-10-huyen-631-xa-cua-45-tinh-thanh-169320.html