Năm 2019: ASEAN vững vàng 'vượt sóng'

Theo tờ The Straits Times, Hiệp hội ASEAN đã vững vàng vượt qua một năm đầy khó khăn, thách thức và đem lại nhiều kết quả tích cực nhằm cải thiện phúc lợi cho gần 650 triệu người dân trong khu vực.

Có lẽ đã đến lúc các khu vực khác cần học tập “sự thần kỳ” này của ASEAN. (Nguồn: Bangkok Post)

Kiên cường và lặng lẽ

Tờ The Strait Times đánh giá, điều quan trọng nhất là trong năm qua, khu vực Đông Nam Á đã không xảy ra chiến tranh hay xung đột, thậm chí không có những căng thẳng chính trị nghiêm trọng.

ASEAN đã không trải qua bất kỳ cuộc chiến nào như cuộc chiến giữa Ấn Độ và Pakistan hồi tháng 2/2019 hay một cuộc tấn công quân sự lớn như cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia. ASEAN một cách nhất quán và lặng lẽ đã đem lại hòa bình cho một trong những khu vực tiềm ẩn nhiều xung đột, tranh chấp.

Các nền kinh tế ASEAN đang tiếp tục tăng trưởng dù còn khiêm tốn nhưng chắc chắn. Cách đây vài năm, Ấn Độ từng nổi lên như một đối thủ có khả năng vượt Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, năm 2019 đã cho thấy, ASEAN đang tăng trưởng nhanh hơn Ấn Độ.

Cũng ít người biết rằng ASEAN là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với Tổng GDP đạt 3.000 tỷ USD. Đáng chú ý hơn là vai trò lãnh đạo tinh tế và lặng lẽ của ASEAN đã làm được điều phi thường trong lịch sử kinh tế gần đây bằng việc tuyên bố hoàn thành các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. 15 nước thành viên của RCEP đã tạo nên 30% dân số và 29% GDP của thế giới.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing nhận xét: “RCEP không chỉ là một thỏa thuận kinh tế. Nó là một tín hiệu chiến lược cho phần còn lại của thế giới biết rằng khu vực này của châu Á tiếp tục tin vào việc tăng cường một trật tự thương mại toàn cầu và đa phương”.

Quyết định không tham gia vào phút chót của Ấn Độ có thể đã chặn đứng hay phá vỡ tiến trình RCEP, nhưng không, công thức “ASEAN – X” đầy khôn ngoan của ASEAN đã giải quyết được vấn đề. ASEAN luôn tin rằng sự hoàn hảo là kẻ thù của điều tốt đẹp. Nếu không phải tất cả các bên đều có thể tham gia, thì các bên còn lại sẽ tiến hành trước. Ấn Độ sẽ nhận ra rằng chính sách “Hướng Đông” hay “Hành động hướng Đông” sẽ không có ý nghĩa nếu nước này không gia nhập RCEP.

Việc hoàn thành RCEP đặc biệt có ý nghĩa chủ chốt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang leo thang và đối đầu địa chính trị lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhiều lần phát biểu rằng khu vực Đông Nam Á không nên bị chia rẽ bởi những cạnh tranh địa chính trị. Ông khẳng định rằng những sáng kiến hợp tác khu vực do các nước khác nhau đề xuất “cần tăng cường những dàn xếp hợp tác hiện đang tồn tại tập trung vào ASEAN. Các nước không nên làm xói mòn những dàn xếp này, không nên tạo ra những khối đối địch hay buộc phải chọn bên, cần đưa các nước xích lại gần nhau, thay vì chia rẽ họ”.

Những hướng đi khôn ngoan

Điều có ý nghĩa là ASEAN đã đưa ra Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng mình, do lo ngại chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở của Mỹ có thể gây chia rẽ khu vực. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã lập luận ủng hộ sự cần thiết phải hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN và xây dựng sự kết nối cơ sở hạ tầng giữa ASEAN và Trung Quốc.

Trong khi Bắc Kinh tiếp tục sự can dự chắc chắn và liên tục với ASEAN, Washington vẫn còn bị xao lãng bởi các vấn đề trong nước. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ ở Bangkok vào hôm 4/11. Chỉ có Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien xuất hiện.

Chuyên gia phân tích chính trị Hoàng Thị Hà thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á nhận xét, sự vắng mặt của Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ vừa qua có thể xem như “món quà địa chính trị” mà Mỹ dành tặng cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi tin rằng ASEAN sẽ rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, ASEAN đã lặng lẽ tích lũy được sự khôn ngoan địa chính trị của mình. Khu vực này đã để mở tất cả các cửa sổ và cũng tận dụng những cơ hội địa chính trị bất ngờ.

Trong những năm gần đây, Hàn Quốc đang nổi lên là một “điểm nóng”. Nước này trải qua mối quan hệ khó khăn với Trung Quốc về Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), với Nhật Bản về vấn đề “phụ nữ mua vui” và với Mỹ về vấn đề tài trợ cho căn cứ quân sự. Việc ASEAN “bắt tay” với Hàn Quốc đặc biệt trở nên có ý nghĩa, góp phần cho sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Hàn Quốc vào ngày 26/11 ở Busan.

Sự khôn ngoan và kiên cường được ASEAN thể hiện trong năm nay là do quá trình rèn luyện từ nhiều năm mà có. Văn hóa tham vấn và đồng thuận đã trở thành “gen” của ASEAN và chứng tỏ là một tài sản lớn của khu vực. Có lẽ đã đến lúc các khu vực khác cần học tập “sự thần kỳ” này của ASEAN.

(theo The Strait Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nam-2019-asean-vung-vang-vuot-song-106373.html