Năm 2019 - 2020, các Tòa án đã xét xử 90 bị cáo phạm tội vi phạm đất đai

Sáng 6/11, báo cáo trước Quốc hội, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015, ngành tòa án đã thực hiện tốt việc bảo đảm tranh tụng, chống oan, sai trong xét xử.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Từ năm 2015 - 2020, các tòa án đã thụ lý 19 yêu cầu bồi thường, đã giải quyết dứt điểm 15 trường hợp. Các tòa án đã giải quyết 60/76 vụ án dân sự mà người bị thiệt hại khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường.

Các Tòa án đã chủ động, tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm sớm đưa vụ án ra xét xử; trong thời gian qua, không có vụ án nào để quá hạn luật định; Đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước. Các Tòa án cũng chú ý áp dụng các biện pháp kê biên tài sản và các biện pháp tư pháp, các hình phạt bổ sung nhằm thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt.

Tính từ năm 2019 - 2020, các tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với 37 vụ với 147 bị cáo; đã xét xử 25 vụ với 90 bị cáo phạm các tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai, vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Trong xét xử các vụ việc dân sự, tòa án đã làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; khuyến khích công tác hòa giải; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan để giải quyết tốt vụ án.

Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức tập huấn kỹ năng viết bản án, quyết định cho các Thẩm phán nên đã hạn chế được phần lớn các tồn tại trước đây.

Còn trong xét xử các vụ án hành chính, tòa án không còn vụ án nào quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan của tòa án.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí.

Về giải quyết các vụ án liên quan tới nợ tiền bảo hiểm xã hội theo đề nghị của một số Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 hướng dẫn áp dụng các Điều 214, Điều 215, Điều 216 của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tăng cường chỉ đạo các Tòa án xét xử nghiêm các hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội theo đúng quy định.

Tòa án nhân dân tối cao đã thành lập 38 Tòa gia đình và người chưa thành niên tại các Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện KSND tối cao cho biết, ngành kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ giải quyết các vụ việc liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị.

Bên cạnh đó, đã phối hợp với các cơ quan tố tụng kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh nhiều vụ án xâm phạm đất đai được dư luận xã hội quan tâm.

Điển hình như vụ Nguyễn Thành Tài; vụ Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tp. Hồ Chí Minh; vụ Trần Văn Minh và đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại TP. Đà Nẵng.

Báo cáo trước Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá, vẫn còn một số vụ bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án đang trong quá trình giải quyết; còn một số trường hợp Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung chưa chính xác; một số vụ án để quá hạn luật định; một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, khó thi hành; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn chưa đạt yêu cầu.

Đỗ Mến

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nam-2019-2020-cac-toa-an-da-xet-xu-90-bi-cao-pham-toi-vi-pham-dat-dai-post254436.html