Năm 2018 tiếp tục cải cách mạnh thể chế mang lại ích cho doanh nghiệp

Năm 2018 là năm tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế. VCCI nỗ lực hơn nữa để mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Đó là khẳng định của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tại Hội nghị doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2018, diễn ra ngày 6/4 tại thành phố Hải Phòng.

Ông Vũ Tiến Lộc. Chủ tịch, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Bnews/TTXVN

Dấu ấn 2017

Theo ông Phí Văn Dực, Giám đốc Chi nhánh VCCI Hải Phòng, qua số liệu khảo sát năm 2017 đã có 8.168 doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc thành lập mới với số vốn đăng ký là 54.997 tỷ đồng, tăng 24,34 % về số lượng doanh nghiệp và 10,6 % về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 2.088 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 tiếp tục cho thấy những dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh tại khu vực Duyên hải phía Bắc. Đặc biệt Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2017 với điểm số 70,7 trên thang điểm 100, thứ hạng cao nhất của tỉnh này trong 13 năm điều tra PCI; Hải Phòng với 65,2 điểm lần đầu tiên nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất của năm 2017.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng khẳng định: "Cùng với đà tăng trưởng của cả nước, năm 2017 và quý I năm 2018 đang chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ của các địa phương trong khu vực Duyên hải phía Bắc. Hải Phòng cũng đạt được những kết quả nổi bật và toàn diện trên mọi lĩnh vực, đưa thành phố trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội.

Môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Phòng được cải thiện rõ nét, tiếp tục nằm trong tốp 10 các địa phương có môi trường đầu tư, hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư.

Trong quý I/2018, các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của Hải Phòng đều đạt và vượt kế hoạch, nhiều chỉ tiêu có mức tăng trưởng cao hơn so với bình quân chung của cả nước, đó là GRDP tăng 15,01%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 22,57%; kim ngạch xuất khẩu tăng 24,29%... Thành phố Hải Phòng có bước phát triển mạnh mẽ như hiện nay là nhờ sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân."

Cần sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp

Dự kiến đầu năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với những cạnh tranh không nhỏ. Các nước mà Việt Nam ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều có năng lực cạnh tranh vượt trội, các sản phẩm của họ đều được ứng dụng khoa học công nghệ cũng như doanh nghiệp các nước có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Trong khi đó ở trong nước, nhiều thách thức, rủi ro còn tiếp diễn trong năm 2018. Ngoài ra, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2017 cũng là thách thức cho tăng trưởng 2018, nhất là trong bối cảnh tài nguyên cạn kiệt, công nghiệp chế tạo khó có đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu...

Thực tế cho thấy, chưa thể kỳ vọng vào sự đột phá về năng suất lao động, hiệu quả đầu tư và năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như của cộng đồng doanh nghiệp. Lợi thế về lao động giá rẻ đang mất đi nhanh chóng do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Việt Nam đưa ra mục tiêu đến năm 2020 trở thành một trong 3 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh hàng đầu ASEAN, nhưng thực sự không dễ dàng và rất khó khăn nếu không có quyết tâm chính trị, tinh thần cải cách...

Để thực hiện được mục tiêu này, cần đến sự nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp, sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nội địa thông qua vai trò của các Hiệp hội ngành nghề cũng như những nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi từ chính sách Nhà nước, tăng cường thông tin chính sách giúp doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro từ chính sách pháp luật.

Tạo cú hích mới

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, năm 2018 là năm tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế với hai hoạt động trọng tâm, đó là triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, coi tư nhân là một động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường; đồng thời tiếp tục thực hiện các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ 1/1/2018.

Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết Hội nghị TW5 về đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế... được kỳ vọng sẽ tạo cú hích mới cho kinh tế tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, CPTPP vừa được ký kết cũng sẽ là động lực mới, góp phần thúc đẩy mạnh hơn quá trình đổi mới cải cách và hội nhập sâu rộng hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh và bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

Vì vậy, VCCI sẽ nỗ lực hơn nữa để mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Cụ thể, VCCI tiếp tục triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc, ông Phí Văn Dực, Giám đốc Chi nhánh VCCI Hải Phòng cho biết, VCCI Hải Phòng sẽ tập trung tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp để tiếp tục tập hợp và đề xuất với các cơ quan chức năng những phản ánh và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về kiến tạo môi trường chính sách thuận lợi; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

VCCI Hải Phòng tăng cường triển khai công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng dần quy mô các chương trình đào tạo chất lượng cao để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn; phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp trong những hoạt động ứng phó với các cơ hội và thách thức của tiến trình tham gia các Hiệp định thương mại tự do; tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác công tư và chia sẻ kiến thức, thông tin, kinh nghiệm về nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động cũng như phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho rằng, trong những năm qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã xây dựng rất nhiều văn bản pháp luật, nhưng khi thực hiện lại phải sửa đổi, điều chỉnh làm ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội đầu tư cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, cần tính ổn định của các văn bản pháp luật và cải cách thủ tục hành chính.

Để tạo cú hích mới cho kinh tế tư nhân phát triển, ông Lê Văn Tiến mong muốn Chính phủ, các Bộ, ban, ngành cần nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan trong bối cảnh hội nhập quốc tế trước khi ban hành các văn bản pháp luật; đồng thời phát huy vai trò phản biện của cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI, của các Hiệp hội để các văn bản pháp luật đi vào thực tiễn, duy trì tính ổn định trong các quy định hoặc có lộ trình thực hiện phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững./.

Môi trường kinh doanh Việt Nam đã có xu hướng cải thiện tích cực

Đoàn Minh Huệ/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nam-2018-tiep-tuc-cai-cach-manh-the-che-mang-lai-ich-cho-doanh-nghiep/80999.html