Năm 2018: Thu ngân sách nhà nước từ các khu vực doanh nghiệp không đạt kết quả tương xứng!

Theo Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá bối cảnh thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2018 là có nhiều thuận lợi, nhưng kết quả thu NSNN từ các khu vực doanh nghiệp lại không đạt được kết quả tương xứng…

 Thu ngân sách nhà nước không tương xứng với bối cảnh thuận lợi

Thu ngân sách nhà nước không tương xứng với bối cảnh thuận lợi

Theo báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 do Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) của Quốc hội thực hiện, Ủy ban cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và cho rằng, năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện hơn; cải cách thủ tục hành chính được thúc đẩy mạnh mẽ, công tác điều hành của Chính phủ linh hoạt, quyết liệt; sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong điều hành chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô ngày càng phát huy hiệu quả;

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các giải pháp để hoàn thành toàn diện, đạt kết quả cao các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2018.

Tuy nhiên, kinh tế nước ta tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng phức tạp từ những biến động của tình hình chính trị thế giới, xu thế bảo hộ thương mại, giá cả, lãi suất, tỷ giá có xu hướng tăng ở một số nền kinh tế lớn. Ở trong nước, các khó khăn nội tại của nền kinh tế chưa cải thiện nhiều, cùng với tác động của biến động khí hậu, mưa bão kéo dài trên diện rộng, khiến sản lượng nông nghiệp một số nơi bị giảm sút; số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động cũng tăng cao .

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện dự toán N năm 2018; dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021

Cụ thể, kết quả thu NSNN ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội như: tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,7%GDP, thấp hơn mục tiêu 21%GDP đề ra; Nợ đọng thuế còn lớn và có xu hướng tăng so với năm 2017 ; Kết quả thu NSNN vượt dự toán là nhờ tăng thu từ dầu thô, từ đất và thu từ lợi nhuận còn lại của DNNN, tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, còn thực chất, thu từ các khu vực kinh tế hụt dự toán khá lớn.

Đối với các địa phương, thu ngân sách địa phương (NSĐP) về tổng thể vượt dự toán, nhưng chủ yếu tăng thu từ đất; nếu loại trừ thu từ đất thì một số địa phương dự ước sẽ bị hụt thu. Vì vậy, kết quả thu NSNN năm 2018 cho thấy, nguồn thu của NSNN chưa chắc chắn và bền vững, chưa khắc phục được những hạn chế, tồn tại đã được nêu từ những năm trước.

Về thu nội địa, ước vượt 0,9% (10,1 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, tăng 7,5% so với thực hiện năm 2017 nhưng số thu từ các khu vực doanh nghiệp đạt thấp: thu từ khu vực DNNN giảm 4,9 nghìn tỷ đồng; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 33,64 nghìn tỷ đồng (tương đương 15,1%); thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 4,85 nghìn tỷ đồng so với dự toán.

“Ủy ban TCNS nhận thấy, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá bối cảnh thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2018 là có nhiều thuận lợi, nhưng kết quả thu NSNN từ các khu vực doanh nghiệp lại không đạt được kết quả tương xứng.” – Báo cáo chỉ rõ.

Theo Báo cáo của Chính phủ, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này một phần là do số thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp lớn như: liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô, doanh nghiệp sản xuất bia, thuốc lá, chế biến gỗ xuất khẩu… đạt thấp; nhiều doanh nghiệp FDI đang trong thời gian được miễn, giảm thuế… đã tác động lớn đến thu, nộp NSNN.

Song, một nguyên nhân quan trọng được Ủy ban Tài chính Ngân sách chỉ ra là do giao dự toán thu nội địa năm 2018 khá cao so với số thực hiện năm 2017. Theo Ủy ban TCNS, đây là vấn đề bất cập, đã được Ủy ban TCNS báo cáo với Quốc hội về việc giao dự toán thu nội địa (trừ các khoản thu về đất) cho các địa phương cao hơn nhiều so với khả năng thu trên thực tế.

“Đề nghị Chính phủ phân tích kỹ lưỡng, rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện dự toán cho các năm tiếp theo” - Báo cáo giám sát nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Ủy ban Tài chính ngân sách, Chính phủ cần đánh giá tổng thể các yếu tố làm giảm khả năng đóng góp cho thu NSNN của các doanh nghiệp, đặc biệt là về thực trạng cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, phát triển của các DNNN, doanh nghiệp NQD, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị cần tăng số doanh nghiệp được kiểm tra, thanh tra thuế hàng năm, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, chống thất thu ngân sách, ngăn ngừa kê khai gian lận, chuyển giá trốn thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là trong kinh doanh xăng dầu, tạm nhập tái xuất còn gây thất thu khá lớn ở một số địa phương.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201810/nam-2018-thu-ngan-sach-nha-nuoc-tu-cac-khu-vuc-doanh-nghiep-khong-dat-ket-qua-tuong-xung-617416/