Năm 2018: Phân bón dởm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh không có cơ hội tồn tại

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - Trần Vĩnh Tuyến - vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung rà soát để dẹp bỏ những điều kiện thuận lợi cho các loại phân bón dởm tồn tại, kể từ đầu năm 2018.

Lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh kiểm tra một cơ sở sản xuất phân bón trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có hơn 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, trong đó có khoảng 300 doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón, tập trung tại các quận huyện ngoại thành, nhiều nhất là huyện Bình Chánh với hơn 50 đơn vị. Các DN tham gia sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn thành phố đa phần là các DN ngoại tỉnh lập cơ sở sản xuất, văn phòng đại diện tại địa bàn thành phố, vì thế thị trường lâu nay luôn tiềm ẩn sự bất ổn và khó quản lý.

Tính từ đầu tháng 8 đến ngày 26/9, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện 4 vụ kinh doanh phân bón trái phép, trong đó có 1 vụ vi phạm kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không niêm yết giá, tạm giữ 161 đơn vị phân bón các loại; 1 vụ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không niêm yết giá, tạm giữ 155 đơn vị phân bón các loại; 2 vụ kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc, tạm giữ 143 tấn phân bón các loại.

Công an quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh vừa hoàn tất hồ sơ để xử lý Công ty TNHH Sản xuất - thương mại phân bón Tân Phát (huyện Bình Chánh) về hành vi sản xuất phân bón trái phép và sản phẩm nghi là hàng giả. Tháng 8/2017, Công an quận Bình Tân điều tra và phát hiện Chi nhánh Công ty Tân Phát (312 đường Liên Khu 4-5, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) thu mua nguyên liệu từ Trung Quốc, sản xuất phân bón vô cơ và hữu cơ trái phép, xuất bán cho nông dân tại khu vực Tây Nguyên.

Tại thời điểm kiểm tra, công an phát hiện 500 bao hóa chất SANAP, 480 bao hóa chất kali, 190 bao Humelaxel, 100 bao NA4, 40 bao CAO, số nguyên liệu này nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong kho của chi nhánh Công ty Tân Phát còn chứa 480 bao phân bón thành phẩm (24 tấn) mang nhãn hiệu phân hữu cơ sinh học TP con bò vàng, phân hữu cơ sinh học TP bò vàng, và phân NPK cao cấp hiệu con bò vàng, do Công ty Tân Phát sản xuất. Giám đốc Công ty Tân Phát - Chế Minh Hải - khai nhận, công ty sản xuất phân bón không đúng chủng loại được ghi trong giấy phép sản xuất, gia công phân bón và sản xuất. Theo kết quả giám định, các loại phân bón do Công ty Tân Phát sản xuất đều không đạt các chỉ tiêu về chất lượng công bố, có dấu hiệu bị làm giả.

Tại khu vực huyện Bình Chánh, nơi tập trung cơ sở sản xuất phân bón nhiều nhất TP. Hồ Chí Minh với trên 50 đơn vị đang được các cơ quan khẩn trương rà soát các tiêu chuẩn, điều kiện quy định về sản xuất, chất lượng của phân bón và phát hiện đa số các cơ sở sản xuất đều có vi phạm.

Theo Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh, các cơ sở sản xuất phân bón tại địa bàn huyện Bình Chánh vi phạm chủ yếu là sản xuất các sản phẩm phân bón sai với nội dung quy chuẩn về chất lượng đã công bố, làm hàng nhái, nguyên liệu sản xuất không rõ nguồn gốc, sản xuất phân bón bằng công nghệ “cuốc xẻng”, sản phẩm không đạt tiêu chuẩn cho phép nhưng in trên bao bì sản phẩm là chất lượng cao, chứa nhiều chức năng ưu việt cho cây trồng… để đánh lừa người tiêu dùng. Đại diện Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh, lực lượng QLTT cùng với cơ quan chức năng tổng kiểm tra chi tiết về hoạt động sản xuất phân bón trên địa bàn huyện Bình Chánh, theo đó các cơ sở sản xuất phân bón không hội đủ điều kiện của một cơ sở sản xuất phân bón theo quy định buộc phải chấm dứt hoạt động, không có chuyện du di để tồn tại như trong thời gian qua.

Trước tình trạng sản xuất phân bón trái phép, buôn bán phân bón kém chất lượng, phân bón giả trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND các quận huyện xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón. Theo đó, Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh là lực lượng chính trong công tác kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn; Công an TP. Hồ Chí Minh tăng cường điều tra, xử lý và tập trung vào các đối tượng chủ mưu sản xuất phân bón giả, kém chất lượng. Chủ tịch UBND các quận huyện có trách nhiệm kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón; chấm dứt mọi hoạt động sản xuất phân bón không có giấy phép, vi phạm về môi trường. Các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền những quy định trong hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón, tác hại của việc sản xuất kinh doanh phân bón giả để đến đầu năm 2018 mọi hoạt động gian lận trong sản xuất kinh doanh phân bón trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phải chấm dứt.

“Sắp tới nếu để tình trạng sản xuất phân bón không phép, kém chất lượng xảy ra trên địa bàn mà địa phương không biết thì cấp ủy, chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm. UBND TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ xem xét khởi tố một số DN, cơ sở vi phạm để răn đe” - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.

Nguồn: Trần Thế/Báo Công Thương điện tử

Hương Nguyễn

Nguồn Vinanet: http://vinanet.vn/xuc-tien-kinh-doanh/nam-2018-phan-bon-dom-tren-dia-ban-tp-ho-chi-minh-khong-co-co-hoi-ton-tai-680089.html