Năm 2018 - mốc cuối hoàn thành xây dựng kế hoạch hành động cho phát triển bền vững

Để các mục tiêu phát triển bền vững đạt hiệu quả, Việt Nam đã đặt ra các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện trong giai đoạn 2017-2020. Điều này đang đặt ra yêu cầu cho các bộ, ban, ngành phải hoàn thành xây dựng kế hoạch hành động muộn nhất trong năm 2018.

Hội thảo "Vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện phát triển bền vững: Báo cáo bền vững và bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững". (Ảnh: Minh Hoa/DNVN).

Sáng 8/11, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo "Vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện phát triển bền vững: Báo cáo bền vững và bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững".

Hội thảo nhấn mạnh phát triển bền vững là một trong những mục tiêu mà Chính phủ đã ban hành trong Kế hoạch hành động quốc gia vì sự phát triển bền vững đến năm 2030. Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Chính phủ cũng xác định rõ là trách nhiệm của toàn xã hội, các cấp chính quyền, bộ ngành, địa phương và đặc biệt là doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc phát triển bền vững, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân, cung cấp nguồn lực tài chính bổ sung cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế và nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài bị thu hẹp.

Chuyển biến quan trọng đã được ghi nhận

Tại Hội thảo, PGS.TS Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Báo cáo bền vững sẽ là công cụ giúp doanh nghiệp công bố thông tin về tính bền vững theo cách tương tự như báo cáo tài chính.

“Việc áp dụng bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) và lập báo cáo bền vững là một trong những công cụ, nền tảng thiết yếu và hữu hiệu giúp doanh nghiệp đánh giá lại một cách tổng thể chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, từ đó có thể nắm bắt được những cơ hội mới do phát triển bền vững mang lại”, ông Đình nói.

Cùng chung nhận định trên, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững cho biết, kể từ khi bắt đầu xây dựng CSI đến nay, nhiều chuyển biến quan trọng đã được ghi nhận.

Theo đó, năm 2015, lần đầu tiên CSI được đưa vào Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh. Với 131 chỉ tiêu, đánh giá toàn diện các mặt kinh tế, xã hội, môi trường, bộ chỉ số đã trở thành một công cụ quan trọng để định hướng, lập chiến lược quản trị doanh nghiệp.

Nguồn: Internet.

“Hiện nay đã có CSI cho các doanh nghiệp trong ngành chế biến thủy hải sản và đến cuối năm nay có thêm ngành da giày túi xách. Việc xây dựng CSI chuyên biệt cho một số ngành nghề khác đang tiếp tục”, ông Vinh thông báo, cùng với tin vui Lễ tôn vinh 100 doanh nghiệp phát triển bền vững nhất năm 2018 sẽ diễn ra vào ngày 22/11 tới.

Nhưng còn nhiều thách thức

Thách thức được các chuyên gia đưa ra là nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ về các mục tiêu phát triển bền vững. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ, không coi trọng, xem báo cáo phát triển bền vững là vấn đề nằm ngoài hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Lê Xuân Đình, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khó khăn về nguồn lực tài chính.

Mức độ kết nối giữa các ngành, lĩnh vực, cũng như năng lực thống kê phục vụ giám sát theo dõi thực hiện phát triển bền vững còn hạn chế.

Riêng thách thức về môi trường, các chuyên gia phản ánh chi tiết tại Hội thảo: "Các giải pháp tăng trưởng xanh để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững" do Chi nhánh VCCI tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 4 trước đó.

Trung bình mỗi năm, biến đổi khí hậu và thiên tai tại Việt Nam đã làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP, riêng năm 2017, thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu và thiên tai khoảng 60.000 tỷ đồng.

Cấp thiết xây dựng kế hoạch hành động

Phát biểu tại Hội thảo "Vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện phát triển bền vững: Báo cáo bền vững và bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững", bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo nhấn mạnh: “Để các mục tiêu phát triển bền vững đạt hiệu quả, Việt Nam cũng đã đặt ra các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện trong giai đoạn 2017-2020. Đó là, hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển bền vững quốc gia. Theo đó, muộn nhất trong năm 2018 hoàn thành việc xây dựng kế hoạch hành động của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức”.

Yêu cầu cấp thiết này cũng vừa được các đại biểu Quốc hội đưa ra tại Kỳ họp thứ 6 khi bàn thảo về kết quả ba năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả ba năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Nhiều đại biểu cho rằng Chính phủ cần có những giải pháp đồng bộ, đặc biệt quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.

Minh Hoa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/nam-2018-moc-cuoi-hoan-thanh-xay-dung-ke-hoach-hanh-dong-cho-phat-trien-ben-vung-3983.html