Năm 2018 KIDO đạt hơn 163 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế

Mặc dù lợi nhuận sau thuế quý IV/2018 của KDC tăng mạnh, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng cả năm 2018, KDC chỉ đạt hơn 163 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm gần 70% so với năm 2017.

CTCP Tập đoàn KIDO (mã KDC) đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2018 của KDC và các công ty thành viên gồm CTCP Dầu thực vật Tường An (mã TAC), CTCP Thực phẩm đông lạnh KIDO (mã KDF) và Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – CTCP (Vocarimex, mã VOC).

Theo đó, đối với KIDO doanh thu thuần năm 2018 đạt trên 7.600 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2017 chủ yếu đến từ mảng kinh doanh dầu ăn. Dù vậy, lợi nhuận gộp giảm 11% đạt mức gần 1.293 tỷ đồng, do giá bán trung bình của mảng kinh doanh dầu ăn giảm; và doanh thu mảng kem & sữa chua giảm trong mảng này có biên lợi nhuận gộp cao.

Lợi nhuận trước thuế cả năm 2018 đạt gần 200 tỷ đồng, giảm hơn 70%, trong đó quý IV đạt 91,2 tỷ đồng, tăng 143% so với cùng kỳ 2017. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2018 đạt 163 tỷ đồng, giảm 69,6%, riêng quý IV/2018 đạt 75,4 tỷ đồng, tăng 441% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong kỳ KDC đã tích cực cắt giảm chi phí hoạt động (giảm 2,1% so với năm 2017), hiệu quả hoạt động cũng cải thiện khi tỷ suất chi phí hoạt động trên doanh thu thuần giảm từ 21% xuống 19%.

Trong quý IV/2018 KDC đã hoàn tất việc hợp nhất Công ty Dầu Golden Hope Nhà Bè (GHNB) khi sở hữu thành công 51% cổ phần, gia tăng vị thế trong ngành dầu ăn.

Đối với TAC, năm 2018 doanh thu thuần đạt 4.402 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2017 nhờ vào chiến lược đẩy mạnh sản phẩm phân khúc cao cấp, giúp doanh thu của mảng này tăng mạnh ở mức 37% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, phân khúc trung cấp bị cạnh tranh cao và giá nguyên liệu liên tục giảm, doanh thu đạt 86% kế hoạch.

KDC cho biết, giá nguyên liệu thế giới giảm trong năm 2018 làm giá bán trung bình của TAC giảm 4,5% qua đó lợi nhuận gộp giảm 1,5%. Năm 2018, để gia tăng doanh thu và giữ thị phần ở các mảng kinh doanh chính, TAC đã đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi cũng như tiếp tục đầu tư vào hệ thống phân phối để mở rộng thị trường. Chi phí hoạt động nguyên năm 2018 tăng nhẹ 4,2% so với năm 2017.

Kết quả, TAC đạt 136 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và biên lợi nhuận giữ tại mức 3%. Trong thời gian tới, TAC sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm cao cấp với mức biên lợi nhuận cao và đầu tư để tăng độ phủ thị trường.

Đối với VOC, KDC cho biết, giá dầu giảm và cạnh tranh cao đã tác động đến mảng thương mại khi VOC đạt 4.357 tỷ đồng doanh thu thuần, thực hiện 91% kế hoạch và không tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này ảnh hưởng đến lợi nhuận gộp làm giảm 83 tỷ đồng so với năm 2017.

VOC tiếp tục thực hiện chiến lược dịch chuyển sang kênh công nghiệp và xuất khẩu (doanh thu thuần tăng lần lượt là 34,8 và 14,8l% so với năm 2017) sẽ giúp VOC giảm thiểu rủi ro về biến động giá từ mảng thương mại tốt hơn và gia tăng lợi nhuận khi quy mô tăng.

Đối với KDF, theo KDC, ngành hàng kem và sữa chua bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh về giá, đặc biệt là mảng sữa chua (giảm 28% so với 2017) trong khi ngành hàng thực phẩm đông lạnh do đang còn trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường. Năm 2018, doanh thu của KDF chỉ đạt 1.256 tỷ, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh số thấp làm giảm lợi nhuận gộp do định phí đến từ hai nhà máy tại Củ Chi và Bắc Ninh cao hơn so với 2017. Chi phí bán hàng không thay đổi so với năm 2017 do KDF vẫn tiếp tục đầu tư củng cố mạng lưới phân phối, gia tăng vị thế cạnh tranh cũng như mở đường cho việc phát triển các ngành hàng trong năm 2019.

Trong năm qua, KDF đã đầu tư để duy trì giữ tủ kem vào mùa lạnh tại khu vực Miền Bắc, tạo nền tảng để phát triển sản phẩm mùa lạnh. Ngoài ra, quý IV/2018 và quý I/2019 – mùa thấp điểm kinh doanh hàng lạnh, KDF tiếp tục thực hiện việc rà soát và tổ chức lại hệ thống bán hàng, cải tiến sản phẩm, thâm nhập sâu ngành hàng thực phẩm đông lạnh.

HỒNG QUÂN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/nam-2018-kido-dat-hon-163-ty-dong-loi-nhuan-sau-thue-3490022.html