Năm 2018, doanh thu truyền hình trả tiền đạt 8.000 tỷ đồng

Tính đến hết năm 2018, số lượng thuê bao truyền hình trả tiền ước đạt 14,5 triệu thuê bao, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017. Doanh thu của lĩnh vực truyền hình trả tiền năm 2018 ước đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2017.

SCTV là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành truyền hình trả tiền.

Theo số liệu từ Bộ TT&TT, tính đến hết năm 2018, số lượng thuê bao truyền hình trả tiền ước đạt 14,5 triệu thuê bao, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017 (13,8 triệu thuê bao). Doanh thu của lĩnh vực truyền hình trả tiền năm 2018 ước đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2017 (7.819 tỷ đồng).

Năm 2018, tổng số phí quyền cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình mà các doanh nghiệp nộp cho ngân sách ước đạt 22 tỷ đồng, tăng 700 triệu so với cùng kỳ năm 2017 (21,3 tỷ đồng).

So với mục tiêu đặt ra đến năm 2020: Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ước đạt hơn 14 triệu thuê bao/23 triệu hộ gia đình, chiếm tỷ lệ 62% thuê bao/hộ gia đình, thì lĩnh vực truyền hình trả tiền đã đạt chỉ tiêu quy hoạch tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 19/8/2013 là đến năm 2020 có từ 60-70% số hộ sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền.

Hiện nay cả nước có 191 kênh truyền hình trong nước, 87 kênh truyền hình nước ngoài. Số kênh chương trình nước ngoài được cấp phép biên tập trên dịch vụ PTTH trả tiền 71 kênh.

Năm 2018 tiếp tục là một năm khó khăn với ngành truyền hình nói chung. Giá bản quyền truyền hình quốc tế tiếp tục tăng, gia tăng thêm chi phí cho các đơn vị truyền hình, trong khi phát triển thuê bao vô cùng chật vật, phí thuê bao ngày càng giảm, quảng cáo bị cạnh tranh bởi các mạng xã hội nước ngoài.

Từ những khó khăn này, năm 2018 vấn đề bản quyền truyền hình đã liên tiếp làm dậy sóng truyền thông. Từ việc VTVcab đồng loạt hạ hết các kênh truyền hình quốc tế, đến việc VTV có được bản quyền World Cup 2018 vào phút chót, bản quyền Ngoại hạnh Anh về tay Facebook, đến bản quyền ASIAD 2018 và AFF Cup 2018 liên tục là các sự kiện thu hút giới truyền thông và khán giả truyền hình.

Tình trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số cũng tạo ra những khó khăn rất lớn cho các nhà sản xuất nội dung, trong đó có các đơn vị truyền hình. Rất nhiều chương trình đầu tư công phu, nhưng khi vừa phát sóng đã bị ăn cắp đưa lên mạng. Ảnh hưởng rất lớn tới việc thu hút quảng cáo của các nhà sản xuất nội dung.

Đình Anh

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/vien-thong/so-hoa-truyen-hinh/nam-2018-doanh-thu-truyen-hinh-tra-tien-dat-8-000-ty-dong-177978.ict