Năm 2017 với 10 sự kiện nổi bật nhất trên thế giới

Báo chí quốc tế vừa công bố 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất trong năm 2017, trong đó bao gồm các sự kiện chính trị có tầm ảnh hưởng rộng lớn toàn cầu và các thảm họa thiên tai để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Việc tỷ phủ 71 tuổi Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ được nhiều nhà báo đánh giá là quan trọng bậc nhất. Thảm họa thiên tai như bão, lũ, động đất, cháy rừng…cũng được đánh giá là đã tác động trực tiếp vào đời sống của con người trên khắp hành tinh.

1) Tỷ phủ Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ

Việc tỷ phủ Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Hoa Kỳ và đưa ra chính sách "Nước Mỹ trên hết" (First American) đã trở thành sự kiện thu hút sự quan tâm hàng đầu thế giới trong những ngày đầu của năm 2017. Theo AFP, những quyết sách của ông đi ngược lại với người tiền nhiệm Barack Obama, sau đó là một loạt quyết định như việc Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định về di trú quốc tế và rút khỏi tổ chức UNESCO đã thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.

Cũng theo báo chí, thành công nhất trong gần một năm cầm quyền của ông Trump là việc ký ban hành Luật về cải cách thuế sau khi lưỡng viện Quốc hội thông qua. Tổng thống Trump cũng tiếp tục gây ra làn sóng phản đối mạnh khi công bố quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel bằng việc sẽ dời Sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv về Jerusalem, đảo ngược chính sách kéo dài nhiều thập kỷ qua của Hoa Kỳ tại Trung Đông. Không biết trong năm 2018, ông Trump còn làm những chuyện gây sốc gì nữa?

2) Vương quốc Anh khởi động Brexit

Tại châu Âu, việc Anh khởi động tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU – Brexit) vào tháng 3/2017, 9 tháng sau khi đa số cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ đưa Anh rời khỏi liên minh này, là một cú sốc cực lớn không chỉ đối với người Anh, mà còn cho cả EU lẫn toàn châu Âu. Thời kỳ hậu Brexit là vô số rắc rối nảy sinh, từ đồng euro, đồng bảng (pound), công dân Anh hiện sinh sống tại EU, Hiệp ước Shengen đi lại tự do không cần visa giữa những nước trong EU...

Mọi gánh nặng đều đổ dồn lên vai nữ Thủ tướng Theresa May và chính phủ của bà, sau tổng tuyển cử mà đảng Bảo thủ đương quyền chiến thắng sít sao để thành lập một nội các liên minh lỏng lẻo. Liệu bà có vượt qua mọi thách thức trong năm 2018 để cú sốc Brexit tại Anh diễn ra không gây nhiều sóng gió?

3) Tổng thống Pháp Macron trẻ tuổi nhất

Sự kiện ông Emmanuel Macron trở thành Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử Pháp gây sốc cho cả nước Pháp lẫn thế giới. Kết quả kiểm phiếu cho thấy ông Macron giành được khoảng 60% số phiếu. Ngay sau đó, một số nguyên thủ quốc gia trên thế giới như hai Thủ tướng Anh, Đức, Tổng thống Mỹ ... gửi lời chúc mừng. Báo chí đưa tin ngày 8/5, cả Paris như nổ tung vì hàng trăm ngàn ủng hộ viên của ông Macron hò reo, nhảy múa ăn mừng. Các nước EU thở phào nhẹ nhõm rằng Pháp không phải là quân cờ domino tiếp theo bị đổ sau cuộc bỏ phiếu Brexit của Anh và sau thắng lợi của ông Trump trong kỳ bầu cử Hoa Kỳ.

Sau khi có kết quả, đồng euro lại tăng giá cao. Trong phiên giao dịch đầu ngày tại các thị trường Á châu, đạt mức một euro ăn 1,1023 USD, là mức cao nhất kể từ tháng 11 tới nay. Dù đã từng ủng hộ bà Le Pen, ông Trump cũng đã vừa chúc mừng ông Macron, viết trên Twitter. Khoảng chừng11 triệu phiếu cử tri bỏ cho bà Le Pen, đã biến đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) thành lực lượng đối lập hàng đầu tại Pháp.

4) Catalonia của Tây Ban Nha đòi quyền tự trị

Khu vực tự trị Catalonia của Tây Ban Nha tiến hành trưng cầu ý dân về độc lập vào tháng 10/2017 và sau đó đơn phương tuyên bố độc lập, bất chấp hành động này được coi là vi phạm Hiến pháp Tây Ban Nha. Ngày 12/11, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đến TP Barcelona, thủ phủ của vùng Catalonia, ngay sau khi diễn ra cuộc biểu tình lớn kêu gọi trả tự do 8 quan chức thân cận với cựu Thủ hiến Carles Puigdemont đã bị bắt trước đây. Tình hình Catalonia vẫn bất ổn sau khi ông Puigdemont trốn sang Bỉ và chính phủ Madrid đã phát lệnh truy nã.

Váo trung tuần tháng 12/2017, kết quả bầu cử cho thấy phe đòi Catalonia độc lập chiến thắng. Chắc chắn tình hình Catalonia vẫn sẽ còn căng thẳng sau khi phe ủng hộ ly khai lập cơ quan lập pháp và bầu tân thủ hiến.

5) Điểm nóng Trung Đông

Trong năm 2017, theo hãng tin AFP, Trung Đông cũng nổi lên trở thành điểm nóng với một loạt sự kiện như Saudi Arabia và các đồng minh Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất ở vùng Vịnh trong nhiều năm qua, khi các nước Trung Đông cáo buộc Doha hỗ trợ "những phần tử khủng bố", trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và có mối quan hệ quá thân thiết với Iran - đối thủ của Saudi Arabia tại khu vực này.

Thêm vào đó là tình hình chính trị bất ổn ở Liban sau khi Thủ tướng nước này Saad Hariri từ chức hôm 4/11 và tình hình chính trị rối ren tại Yemen, trong đó chính quyền Riyadh cáo buộc các tay súng Houthi tiếp nhận sự tài trợ của Iran và lực lượng Hezbollah ở Liban. Trong suốt năm 2017, phiến quân Houthi vẫn thường nã tên lửa qua Saudi Arabia gây nhiều thiệt hại về người và của. Tình hình Trung Đông càng nóng hơn khi Tổng thống Trump tuyên bố dời Sứ quán Hoa Kỳ tại Tel Aviv về Jerusalem – vùng đất mà Palestine tuyên bố là thủ đô. Có trên 10 nước cũng sẽ theo Hoa Kỳ dời Sứ quán về Jerusalem.

6) Tổng thống Maduro với tình hình Venezuela rối rắm

Tại khu vực Nam Mỹ, diễn biến xoay quanh việc thành lập Quốc hội lập hiến Venezuela sau bất đồng giữa phe đối lập và chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro đã được thế giới chú ý đến nhiều ở khu vực này. Do bị Hoa Kỳ cấm vận nên tình hình kinh tế Venezuela bất ổn, xuống mức thấp nhất trong lịch sử Venezuela. Trong nước, xung đột giữa đảng cầm quyền của ông Maduro với phe đối lập đã lên đến đỉnh điểm khiến ông phải giải tán Quốc hội cũ để bầu lại Quốc hội mới gồm những người ủng hộ ông.

Tương tự như Zimbabwe, đồng tiền của Venezuela bị phá giá nghiêm trọng. Căng đến nỗi ông Maduro tuyên bố sẽ “đẻ” ra một loại tiền ảo như đồng Bitcoin tên gọi Petro với mục đích đưa nền kinh tế Venezuela thoát ra khỏi khủng hoảng. Tình hình Venezuela trong năm 2018 sẽ còn căng thẳng bởi các cuộc đấu đá và kinh tế suy thoái.

7) Bán đảo Triều Tiên liên tục tăng "nhiệt"

Tại châu Á, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên liên tục tăng "nhiệt" do các vụ thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, đặc biệt sau vụ thử hạt nhân thứ 6 và cũng là vụ thử có sức công phá mạnh nhất của quốc gia Đông Bắc Á vào tháng 9/2017. Trước tình hình này, Washington đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu chiến tranh xảy ra. Đây là vấn đề được báo chí quốc tế đưa vào nhóm các sự kiện quốc tế lớn trong năm 2017.

Theo các phân tích gia, khi các siêu cường như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, rồi đến Nhật, Hàn Quốc bị cuốn hút vào các vụ thử tên lửa ICBM của Bình Nhưỡng, tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ còn căng thẳng trong năm 2018.

8) Khủng bố IS sắp tàn?

Liên quan đến vấn đề chống khủng bố, việc tổ chức khủng bố IS bị đánh bật ra khỏi Iraq sau một loạt chiến dịch kéo dài đến tháng 12/2017 đã đánh dấu thắng lợi của cộng đồng quốc tế nói chung, và chính phủ Iraq nói riêng trong cuộc chiến chống khủng bố. Tương tự, tại Syria, IS cũng đã bị đánh bật ra khỏi những vùng chúng đã chiếm được. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo các cuộc tấn công khủng bố vẫn là mối đe dọa thường trực đối với toàn thế giới. AFP lấy dẫn chứng một loạt vụ tấn công đẫm máu tại Ai Cập và châu Âu trong năm 2017.

Điều dự báo đó đúng. Vì sau khi thất thủ tại Iraq, vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, IS kéo tàn quân tràn qua châu Á, nơi chúng cũng đã có căn cứ và hậu thuẫn tại Philippines, Indonesia, Malaysia… Trong năm 2018, IS cũng sẽ tiếp tục tổ chức những vụ tấn công khủng bố vào những nước mà chúng cho là kẻ thù.

9) Vô số thảm họa tự nhiên

Theo báo chí, năm 2017 cũng đã chứng kiến vô số thảm họa tự nhiên, bao gồm các cơn bão có sức tàn phá kỷ lục, các vụ động đất gây thiệt hại lớn về người và vật chất và cháy rừng nghiêm trọng tại Iran, Iraq, Hoa Kỳ, Philippines, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ.... Năm 2017 cũng là 1 trong 3 năm nóng kỷ lục. Đây đều là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Thực trạng này đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tuy nhiên Hoa Kỳ đã đi ngược xu thế khi tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris - một thỏa thuận mang tính lịch sử về chống biến đổi khí hậu.

10) Các vụ cáo buộc tình dục tại kinh đô điện ảnh Hollywood

Một vấn đề nổi cộm khác là các vụ lùm xùm của ông trùm ngành điện ảnh Hollywood Harvey Weinstein đã bị phanh phui. Và chính bê bối này, hàng trăm người đã diễu hành tại trung tâm Hollywood ngày 12/11 để hỗ trợ các nạn nhân bị hành hung và quấy rối tình dục. Theo báo chí, cuộc diễu hành #MeToo (Tôi cũng vậy) theo sau loạt cáo buộc cho biết nhiều đàn ông và phụ nữ bị những nhân vật có tiền, có quyền trong ngành công nghiệp giải trí lạm dụng.

Sau Weinstein, phải kể đến vụ năm phụ nữ tố nam diễn viên hài từng thắng giải Emmy Louis C.K. trên tờ The New York Times ngày 9/11. Louis đã thừa nhận hành vi sai trái và xin lỗi vì những hành động của mình. Đầu tháng 11 này, nam diễn viên Kevin Spacey đã xin lỗi nam diễn viên Anthony Rapp vì cố dụ dỗ Rapp vào năm 1986 khi Rapp mới 14 tuổi. CNN cho biết thêm tám nhân viên của chương trình truyền hình Netflix House of Cards cũng cáo buộc ngôi sao của chương trình về hành vi tình dục sai trái…

Tường Quyên

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/nam-2017-voi-10-su-kien-noi-bat-nhat-tren-the-gioi-d64511.html