Năm 2017 cả nước còn 1.642.489 hộ nghèo

Năm 2017, cả nước vẫn còn 1.642.489 hộ nghèo trên tổng số 24.511.255 hộ dân, chiếm tỷ lệ 6,70%. Trong đó số hộ nghèo về thu nhập là 1.423.912 hộ, số hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản là 212.229 hộ.

Đây là kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố mới đây.

Ngoài số hộ nghèo, cả nước còn 1.304.680 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,32%. Số hộ nghèo, hộ cận nghèo được công bố là cơ sở để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách kinh tế, xã hội khác trong năm 2018.

Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ Quyết định công bố kết quả rà soát để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội theo chức năng nhiệm vụ được giao

Trước đó vào ngày 19-11-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. Quyết định quy rõ các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

Số hộ nghèo, hộ cận nghèo được công bố là cơ sở để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách kinh tế, xã hội khác trong năm 2018 (Ảnh minh họa)

Số hộ nghèo, hộ cận nghèo được công bố là cơ sở để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách kinh tế, xã hội khác trong năm 2018 (Ảnh minh họa)

Theo đó, các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 gồm tiêu chí về thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.

Cụ thể, với tiêu chí về thu nhập, Quyết định quy định chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng. Quy định chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1.000.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 1.300.000 đồng/người/tháng.

Về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, Quyết định nêu rõ, các dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm 5 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Về tiêu chí xác định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình

Theo Quyết định, hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: 1- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; 2- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Hộ nghèo khu vực thành thị là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: 1- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; 2- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Hộ cận nghèo khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Hộ cận nghèo khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng.

Hộ có mức sống trung bình ở khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.300.000 đồng đến 1.950.000 đồng.

Mức chuẩn nghèo căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác trong giai đoạn 2016-2020.

Nguyên An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nam-2017-ca-nuoc-con-1642489-ho-ngheo-119218.html