Nagorno-Karabakh: Vì sao Mỹ thất bại trước Nga-Thổ Nhĩ Kỳ?

Tạp chí Mỹ 'Lợi ích Dân tộc' (The National Interest) nêu ra 3 thất bại chính của tình báo Mỹ ở Nagorno-Karabakh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế của Mỹ.

Trong cuộc xung đột quân sự vừa qua ở Nagorno-Karabakh, tình báo Mỹ đã mắc phải 3 sai lầm nghiêm trọng làm suy yếu đáng kể vị thế của Hoa Kỳ trong khu vực Caucasus (Kavkaz). Tạp chí Mỹ “Lợi ích Dân tộc” (The National Interest) đã nêu ra 3 sai lầm này.

Mỹ bất ngờ về xung đột Nagorno-Karabakh

Đầu tiên trong số đó là việc tình hình xung đột ở Nagorno-Karabakh ngày càng trở nên trầm trọng hơn, rất có thể đã khiến các nhà chức trách Hoa Kỳ bất ngờ.

Rõ ràng là Azerbaijan đã phối hợp các kế hoạch của mình với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng một lần nữa, Mỹ đã hoàn toàn không phán đoán được ý định của Tỏng thống Recep Tayip Erdogan và càng không lường trước được phản ứng của ông Putin về cuộc xung đột này.

Ngoài ra, Washington cũng đã phạm sai lầm khi quá tự tin vào sức mạnh mề của mình với Baku.

Vào cuối tháng 3, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đã ký thỏa thuận với Azerbaijan rằng Baku sẽ giải quyết tất cả các vấn đề trong khu vực thông qua biện pháp ngoại giao, điều này cho phép phía Mỹ tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự và ngoại giao cho Azerbaijan.

Hoặc là Bộ Ngoại giao Mỹ đã chọn bỏ qua thông tin về khả năng chuẩn bị của Baku cho một cuộc xung đột quân sự, hoặc là các cơ quan tình báo Hoa Kỳ hoàn toàn không biết gì về kế hoạch mở cuộc chiến tranh lớn - vốn cần phải huy động lực lượng lớn và chuẩn bị kỹ lưỡng - của Azerbaijan.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, dường như Baku đã ru ngủ Mỹ, khiến cho Washington hoàn toàn bất ngờ về những diễn biến tình ở đất nước này và không trở tay kịp trước những đòn phép của Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Karabakh

Sai lầm thứ hai là cơ quan tình báo Hoa Kỳ không thể dự đoán được sự xâm nhập của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga vào Nagorno-Karabakh.

Trong cả quá trình Nga, Azerbaijan và Armenia ký thỏa thuận ngừng bắn, Mỹ đều bị bất ngờ và chỉ ngay trước khi Moscow triển khai quân vào vùng đất ly khai này, Washington mới nắm được qua các kênh công khai và không kịp trở tay.

Truyền thông Mỹ đánh giá tình báo Mỹ đã bất ngờ hoàn toàn về Nagorno-Karabakh

Truyền thông Mỹ đánh giá tình báo Mỹ đã bất ngờ hoàn toàn về Nagorno-Karabakh

Hồi cuối tháng 10, Cố vấn Tổng thống Hoa Kỳ về An ninh Quốc gia Robert O'Brien đã tuyên bố phản đối việc triển khai quân gìn giữ hòa bình của các quốc gia - đồng chủ tịch của Nhóm OSCE Minsk (Nga, Mỹ, Pháp) hoặc các nước láng giềng, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, tới Nagorno-Karabakh.

Mỹ gợi ý cả hai quốc gia Armenia và Azerbaijan nên chấp nhận lực lượng gìn giữ hòa bình của Scandinavia, Mỹ đã làm việc với các chính phủ vùng này để tạo ra lực lượng gìn giữ hòa bình có thể được triển khai trong khu vực nhằm đảm bảo tuân thủ lệnh ngừng bắn.

Các nhà chức trách Mỹ phụ thuộc hoặc quá tin tưởng vào công việc của họ trong Nhóm OSCE Minsk hoặc quá ảo tưởng vào sức mạnh của Hoa Kỳ, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin "chỉ nhìn thấy cơ hội đã nắm bắt nó và tìm mọi cách để đưa quân đội Nga vào khu vực này".

Ngay sau khi thỏa thuận hòa bình được ký kết, vài chục máy bay Nga đã sẵn sàng làm nhiệm vụ, các máy bay vận tải hạng nặng Il-76 đã vận chuyển thiết bị và lực lượng đến Nagorno-Karabakh. Như vậy, ông Putin đã chuẩn bị sẵn cho công việc này, trong khi Mỹ hoàn toàn thụ động và bất ngờ.

Ông Putin và Erdogan đã bàn tính điều gì?

Ngoài ra, tờ tạp chí Mỹ cho rằng, chi tiết về các cuộc đàm phán kín giữa ông Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn chưa được công khai và tình báo Mỹ cũng mù tịt về vấn đề này.

Đặc biệt, liệu các thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước có bao gồm các điều khoản liên quan đến việc phân chia phạm vi ảnh hưởng bên ngoài Nagorno-Karabakh (vùng Caucasus - Kavkaz), thậm chí là trên trường quốc tế, hay không, vẫn là một ẩn số.

Theo tạp chí Mỹ, việc nắm được những điều này có ý nghĩa rất lớn đến việc hoạch định chiến lược của Hoa Kỳ ở khu vực vốn được coi là “sân sau” của Nga và cả trên thế giới. Tuy nhiên, dường như Hoa Kỳ đang hoàn toàn bất ngờ, bị động và bối rối trước hành động của Nga.

Theo National Interest, ông Erdogan có thể đồng ý tăng cường sự hiện diện của Nga ở Idlib của Syria để đổi lấy việc ông Putin ủng hộ việc Ankara tham gia vào tiến trình hòa bình ở Karabakh. Điều này sẽ khiến vị thế của chính quyền Assad được nâng cao, ảnh hưởng của Nga sẽ lấn át Mỹ trong quá trình giải quyết xung đột và tiến trình hòa bình ở đất nước này.

Kết quả là, do những tính toán sai lầm như vậy, lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực đã bị thiệt hại đáng kể.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nagorno-karabakh-vi-sao-my-that-bai-truoc-nga-tho-nhi-ky-3422682/