Nagorno-Karabakh: Cuộc chiến đầu tiên của kỷ nguyên UAV tấn công

Xin giới thiệu bài viết với tiêu đề trên của chuyên gia quân sự Nga Boris Rozhin bàn về chủ đề cuộc xung đột hiện nay tại Nagorno-Karabakh

Cuộc chiến đã trở thành một ví dụ điển hình về chiến tranh trong thời đại máy bay không người lái (UAV) tấn công- một phương tiện tác chiến mới làm thay đổi hoàn toàn phương thức tác chiến. Bài đăng trên “tài liệu quân sự” và một số báo chuyên ngành quân sự Nga khác ngày 14/10/2020.

Chuyên gia quân sự Nga Boris Rozhin

Chuyên gia quân sự Nga Boris Rozhin

Sau đây là nội dung bài báo:

Dòng chữ trên ảnh: UAV tại Nagorno-Karabakh

Diễn biến các hoạt động chiến sự giữa Armenia và Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh đã trở thành một ví dụ rất sinh động cho thấy tình huống trên chiến trường đã thay đổi mạnh mẽ như thế nào do có sự xuất hiện và phát triển của các UAV trinh sát- tấn công.

Trong những cuộc xung đột cục bộ giữa những năm 2010, UAV mới chỉ bắt đầu tham gia.

Nhưng từ giờ trở đi, thời kỳ độc quyền của Mỹ trong lĩnh vực máy bay không người lái chiến đấu đã là quá khứ.

Từ những thử nghiệm (UAV) đầu tiên của “Hezbollah” và “Nhà nước Hồi giáo” (IS) với những quả bom làm thủ công nhưng được thả trúng nắp tháp pháo đang mở của những chiếc xe tăng “Abrams” và T-72, thế giới giờ đã bước sang một thời kỳ mới, khi mà trên thực tế tất cả những cuộc xung đột gần đây nhất – tại Iraq, Syria, Libya, Yemen – đều đã cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của UAV và cùng với đó là các khả năng của chúng làm thay đổi cục diện chiến tranh.

Máy bay không người lái tấn công không chỉ có hiệu quả trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố mà còn cả trong cuộc chiến chống lại những quân đội thời kỳ công nghiệp hóa và hậu công nghiệp hóa.

Cuộc chạy đua máy bay không người lái toàn cầu

Các quốc gia như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và một số nước khác đã kịp thời nắm bắt những xu hướng đang thay đổi đó.

Giờ đây, họ đã trở thành những quốc gia dẫn đầu trong việc sản xuất các UAV trinh sát và tấn công, các UAV không người lái kamikaze (cảm tử). Vị thế hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực này đã bị lung lay.

Nhưng nếu nói cho công bằng, thì cũng cần phải thấy rõ một điều là những thành công mà Iran và Trung Quốc có được đều xuất phát từ việc các nước này sao chép và cải tiến các công nghệ của Mỹ,- tuy vậy, “các trò” này đã có thể với tới trình độ của “thầy Mỹ”, và trong một số trường hợp, thậm chí còn qua mặt cả "thầy" của mình.

Cục Thông tin và Truyền thông Đại chúng Bộ Quốc phòng LB Nga

Nhờ tiến hành các cuộc chiến tranh phức hợp, các quốc gia như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm tác chiến trong việc sử dụng UAV.

Ngoài ra, các chiến thuật sử dụng UAV trong cuộc chiến chống lại kẻ thù yếu hơn và chống lại cả kẻ thù “ngang sức ngang tài” cũng đang được liên tục hoàn thiện.

Những kinh nghiệm mà Iran có được tại Iraq, Syria và Yemen, còn Thổ Nhĩ Kỳ- tại Iraq, Libya và Syria, quan trọng không kém gì chính những tính năng của các UAV mà những nước này sử dụng.

Chính bản thân máy bay không người lái không phải là một loại "vũ khí tuyệt đối" nào đó. Nếu có cách tiếp cận bài bản, hoàn toàn có thể tiêu diệt chúng, như những gì đã xảy ra tại Syria và Libya, nơi lực lượng UAV của Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu những tổn thất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, việc sử dụng ồ ạt cũng những UAV Bayraktar tương tự nhưng phối kết hợp bài bản với các hệ thống tác chiến điện tử và phương tiện hỏa lực hủy diệt tiêu chuẩn chống lại một đối phương chỉ có hệ thống phòng không lạc hậu hoặc được tổ chức kém, thì có thể đạt được những kết quả tầm chiến dịch quan trọng, thậm chí trong trường hợp với Libya,- đó còn là cả các kết quả mang ý nghĩa chiến lược.

UAV trên bầu trời Nagorno-Karabakh

Tại Nagorno-Karabakh, những thực tiễn mới của cuộc "chiến tranh không người lái" được biểu hiện rất rõ. Trong trang bị của Quân đội Armenia là nhiều tổ hợp phòng không do Liên Xô và Nga sản xuất. Những tổ hợp hiện đại nhất được triển khai trên lãnh thổ Armenia.

Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng LB Nga / mil.ru

Nhiệm vụ phòng không ở Cộng hòa Nagorno-Karabakh do một số tổ hợp tên lửa phòng không “Osa” đảm nhiệm. Đây là những tổ hợp tuy đã cũ, nhưng vẫn còn khá hiệu quả.

Nếu không có nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc chiến tại Nagorno-Karabakh vẫn được tiến hành như trước đây, tức không có máy bay không người lái, thì các tổ hợp phòng không Armenia chắc chắn sẽ đáp ứng được nhiệm vụ kiềm chế Không quân Azerbaijan.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay cả khi đã chiếm được ưu thế trên không, đến nay Azerbaijan vẫn sử dụng rất hạn chế lực lượng không quân của mình – những tổ hợp tên lửa phòng không còn lại ở Nagorno-Karabakh vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Không quân Azerbaijan, đấy là chưa kể tới việc các máy bay nước này có thể bị các tổ hợp tên lửa phòng không bố trí trên lãnh thổ Armenia bắn hạ.

Sơ đồ bố trí bán kính tác chiến của các trận địa tên lửa phòng không và các trạm radar (lưu ý: các tam giác màu trắng là các trận địa trống-ND)

Rõ ràng như đã thấy ở trên- các máy bay lên thẳng như Mi-8 và các máy bay trinh sát An-2 có thể dễ dàng bị người Armenia bắn rơi. Tuy nhiên, đây là thực tế của những cuộc xung đột trước đây.

Vào thời điểm bắt đầu cuộc chiến tranh năm 2020, Armenia ở trong tình trạng tụt hậu rất nghiêm trọng cả về công nghệ lẫn chiến thuật và hoàn toàn không được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các phương pháp tấn công mà người Houthy đã thực hiện tại Yemen và người Thổ đang thực hiện ở Syria và Libya.

Kết quả là, sau khi hầu hết các tổ hợp tên lửa phòng không chủ yếu bị loại khỏi vòng chiến trong những ngày đầu tiên (ngay trong ngày đầu, một cuộc tấn công được chuẩn bị kỹ từ trước đã hủy diệt một số lượng đáng kể các tổ hợp phòng không của Nagorno-Karabakh), Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm được ưu thế trên không.

Và ưu thế này giúp Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ gây được những tổn thất lớn cho các đơn vị bộ binh cơ giới và các đơn vị cơ giới của Armenia trước khi những đơn vị này được đưa vào tham chiến chống Các Lực lượng Vũ trang Azerbaijan- trong khi đó phía Azebaijan gần như không chịu tổn thất đáng kể nào.

Những ưu thế này đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho Quân đội Azerbaijan tiến hành thắng lợi chiến dịch tấn công trên hướng Jebrail, chọc thủng tuyến phòng thủ vòng ngoài của lực lượng Quân đội (Cộng hòa) Nagorno-Karabakh.

Karabakh không được bảo vệ

Ảnh: Vitaly V. Kuzmin / CC BY-SA 3.0

Khác với chiến trường Libya, nơi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất giàu có có thể tự cho phép mình “đổi” tới 12-14 tổ hợp tên lửa-pháo phòng không “Pantsir” để “lấy” 33-36 chiếc UAV Bayraktar và 3 chiếc UAV Predator, Armenia không có những khả năng như vậy.

Sau khi hệ thống phòng không hiện có của Karabakh bị phá hủy, Armenia đơn giản là không có khả năng nhanh chóng bổ sung cho Karabakh các tổ hợp tên lửa phòng không mới.

Về lý thuyết, lực lượng phòng không cần phải đối phó với các UAV và "mạng đổi mạng" với chúng để buộc đối phương phải dồn lực lượng không phải cho việc đi săn các xe ô tô riêng rẽ và các trận địa của bộ binh cơ giới của mình, mà là để chống lại các hệ thống phòng không và tác chiến điện tử.

Tuy nhiên, đã không có bất kỳ một cơ hội nào như vậy cho Armenia- người Armenia rơi vào tình thế bị đối phương chiếm mất ưu thế trên không, và sẽ không kịp làm gì để thay đổi tình hình trong tương lai gần.

Vì vậy, sẽ không tránh khỏi việc các tổn thất gia tăng và xuất hiện nhiều lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ vì những tổn thất phương tiện vật chất và hệ thống đảm bảo hậu cần bị gián đoạn.

Việc nước này đang tính đến phương án khẩn cấp mua các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai chỉ là một nỗ lực giải quyết một cách chắp vá một vấn đề đã mang tính hệ thống trong điều kiện phải chịu áp lực về thời gian.

Hiện đại hóa quốc phòng

Bất kể cuộc chiến tranh này có kết thúc theo cách nào đi nữa, kinh nghiệm của nó sẽ buộc Armenia phải xem xét lại cách tiếp cận của mình trong việc tổ chức hệ thống phòng không.

Cần phải mua những tổ hợp phòng không hiệu quả hơn ("Pantsiri", "Tor" hoặc các phiên bản tương tự của nước ngoài với một số lượng lớn).

Cũng cần phải mua các hệ thống tác chiến điện tử (do Nga, Trung Quốc hoặc Iran sản xuất) để chủ động đối phó với các UAV đối phương, – những máy bay không người lái hoạt động theo chiến thuật “bầy đàn” với sự hỗ trợ của các tổ hợp tác chiến điện tử trên không và trên mặt đất gây nhiễu chế áp hoạt động của các hệ thống phòng không (có thể tính tới việc mua các hệ thống KORAL và REDET-2).

Ảnh: Thông tấn xã Liên bang / Evgeny Rudakov

Chương trình hiện đại hóa lực lượng phòng không Armenia sẽ đòi hỏi những khoản chi rất đáng kể- vượt quá khả năng ngân sách quốc phòng hiện có của nước này.

Do đó, sẽ cần các khoản tín dụng cho quốc phòng từ nước ngoài (lấy ví dụ như từ Nga chẳng hạn), hoặc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp lớn ở Armenia và cộng đồng người Armenia ở nước ngoài- tất nhiên, đây sẽ là phương pháp giúp đỡ Đất Mẹ hiệu quả hơn rất nhiều so với những lời hỗ trợ “chém gió” trên mạng Internet.

Một triệu đô la từ Kim Kardashian rõ ràng là chưa đủ trong trường hợp này (Kim Kardashian- ngôi sao truyền hình Mỹ- cộng đồng người Armenia là cộng đồng đông và khá thành đạt tại Mỹ-ND).

Một giải pháp thay thế, bổ sung cho việc củng cố lực lượng và phương tiện phòng không và các phương tiện tác chiến điện tử là tăng cường một cách tương xứng sức mạnh của lực lượng UAV (Armenia).

Cách làm như vậy sẽ cho phép sử dụng ồ ạt UAV tấn công và UAV cảm tử nhằm vào lực lượng đối phương đang tấn công. Bởi vì trên thực tế, nếu xét về khả năng phòng không, Azerbaijan cũng không có ưu thế quá lớn trước Armenia và Nga vẫn là nước cung cấp chủ yếu các tổ hợp phòng không cho Azerbaijan.

Nếu phía Armenia sử dụng ồ ạt các máy bay không người lái, Quân đội Azerbaijan sẽ gặp phải những vấn đề tương tự như chính Armenia trong việc bảo vệ đội hình chiến đấu,các trận địa pháo phản lực phóng loạt và pháo tự hành, cũng như chính các hệ thống phòng không của mình.

Kinh nghiệm Libya

Ngay cả đối với Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy- thậm chí khi chỉ phải đối đầu với một số lượng không nhiều các máy bay của Quân đội Quốc gia Libya (hầu hết đã lạc hậu) và các UAV Wing Long II của Trung Quốc, nước này cũng đã phải chịu những tổn thất tương đối nặng.

Cả các tổ hợp tên lửa phòng không “Hawk”, các tổ hợp tác chiến điện tử và nhiều trang thiết bị kỹ thuật quân sự khác đã bị phá hủy. Và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chiếm thành phố Sirte của Libya bị bẻ gãy.

UAV Wing Long II Trung Quốc: Ảnh: Hãng Thông tấn Liên bang (chú thích- từ trên xuống: Máy bay không người lái trinh sát- tấn công; chiều dài- 11m; sải cánh- 20,5m; trọng lượng cất cánh tối đa- 4,2 tấn; cự ly bay- không ít hơn 1.500km;

thời gian bay; 32 giờ; vũ khí- bom có điều khiển FT-7, FT-9, FT-10, GB4,GB7, tên lửa BRM1, AKD-10, RA-7; các tính năng: 1/có khả năng bay tự động,2/ đường truyền dữ liệu vệ tinh,3 hệ thống phát hiện radar –ND).

Trong trường hợp đối phương sử dụng ồ ạt các UAV chống lại cụm quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya,rất khó tin là Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm được điều gì đó – Ancara chỉ còn mỗi một cách là "đổi" các tổ hợp tên lửa phòng không “Hawk” của mình để “lấy” các UAV của đối phương.

Có thể cho rằng ở giai đoạn hiện nay, “đạn” đang có ưu thế hơn “vỏ thép”- đặc biệt là với những nước không thuộc “bộ ba lớn”. Trong tương lai, tương quan lực lượng có thể thay đổi, nhưng hiện tại cần phải sẵn sàng hành động trong “trạng thái bình thường mới” này.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (còn tiếp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nagorno-karabakh-cuoc-chien-dau-tien-cua-ky-nguyen-uav-tan-cong-3420650/