Nagorno-Karabakh: Càng tham vọng, Erdogan càng giúp cờ Putin thêm hoàn hảo

Việc Nga lần đầu tiên thời hậu Xô Viết triển khai quân tại cả ba nước vùng Nam Caucasus tác động rất tiêu cực đối với chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ...

Từ lễ duyệt binh mừng chiến thắng của Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ gửi thông điệp thách thức Nga

AzerNews đưa tin, ngày 10/12, tại thủ đô Baku, Azerbaijan đã tổ chức lễ diễu binh mừng chiến thắng trong cuộc xung đột vũ trang với Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia cuộc diễu binh này.

Phát biểu tại lễ diễu binh, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nhấn mạnh sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ thực sự đóng vai trò quan trọng làm nên chiến thắng cho quân đội Azerbaijan và khẳng định củng cố quan hệ chiến lược Baku-Ankara.

Đáp lời, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, với tư cách là khách mời danh dự, đã nhận định rằng : "Chiến tranh vẫn chưa kết thúc...Cuộc đấu tranh trên cả mặt trận chính trị lẫn quân sự sẽ vẫn tiếp tục".

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo: "Một kỷ nguyên mới trong khu vực sẽ bắt đầu nếu Armenia không học hỏi được từ những gì đã xảy ra ở Karabakh...Hãy thánh hóa linh hồn của Enver Pasha".

Putin có thể phá nhiều thế cờ của bộ đôi Aliyev-Erdogan, đảm bảo lợi ích Nga tại Nam Caucasus

Putin có thể phá nhiều thế cờ của bộ đôi Aliyev-Erdogan, đảm bảo lợi ích Nga tại Nam Caucasus

Với những lời lẽ vang lên từ cuộc diễu binh của quân đội Azerbaijan tại Baku, không khó nhận diện là Tổng thống Erdogan vẫn nuôi tham vọng rất lớn tại Nam Cacausus, thậm chí Akara đang thách thức Moscow trong cả không gian hậu Xô Viết.

Theo giới phân tích, về mặt quân sự, lợi thế của Azerbaijan trong cuộc chiến với Armenia tại Nagorno-Karabakh là điều không thể chối cãi và để có kết quả này thì Baku đã phụ thuộc rất lớn vào trợ giúp của Ankara.

Sự phụ thuộc của Baku phụ thuộc vào Ankara đến mức chuyên gia phân tích chính trị Nga có bút danh Evgeny Krutikov, đã nhận định rằng: “Thổ Nhĩ Kỳ hầu như điều khiển hoàn toàn các chiến dịch quân sự của Azerbaijan”.

Ngược lại, cựu Đại sứ Liên minh châu Âu tại Syria và tại Thổ Nhĩ Kỳ Marc Pierini thì nhấn mạnh rằng: "Chính những tính toán sai lầm về chiến lược đã dẫn đến thất bại đau đớn cho Armenia". Và Moscow bị vạ lây vì thất bại này của Yerevan.

Chính vì thế, chuyên gia nghiên cứu chính trị Marie Mendras, Giáo sư Đại học Khoa học Chính trị Sciences Po ở Paris, đã khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ ở thế thượng phong trong cuộc xung đột so với Nga.

“Thổ Nhĩ Kỳ ở thế mạnh so với Nga, bởi Nga đã tỏ ra thụ động, thể hiện vẻ thoái lui. Chính Thổ Nhĩ Kỳ đã mở chiến dịch tấn công để đọ sức với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ muốn chứng tỏ khả năng thống trị một khu vực rộng lớn, vượt ngoài cả Nam Caucasus”.

Rõ ràng, khát vọng khôi phục một phần di sản Đế chế Ottoman vẫn nằm trong chiến lược đối ngoại của Ankara và Nam Caucasus nói riêng, không gian hậu Xô Viết nói chung, vẫn là khu vực mà Erdogan muốn truyền bá chủ nghĩa Pan-Turk.

Càng tham vọng, Erdogan càng giúp cờ Putin thêm hoàn hảo

Giới phân tích cho rằng, với những gì diễn ra tại Nagorno-Karabakh, đó chỉ là thắng lợi về mặt quân sự cho cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Azerbaijan, còn chiến thắng địa chính trị thì lại thuộc về Nga.

Có thể thấy, với việc kiến tạo, thúc đẩy ký kết Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện giữa Azerbaijan và Armenia, Tổng thống Putin một lần nữa khẳng định Nga vẫn làm chủ tình hình Nam Caucasus trước tham vọng bành trướng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đơn giản là khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh giờ đã phải nằm dưới sự bảo hộ của Nga chiếu theo những điều khoản được nêu trong Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện giữa Azerbaijan và Armenia.

Lần đầu tiên thời hậu Xô Viết, Nga triển khai quân đội tới cả 3 nước vùng Nam Caucaus

Rõ ràng, trong ván cờ này, Tổng thống Putin lại một lần nữa chứng tỏ sự khôn khéo, khi đặt Armenia cùng với Nagorno-Karabakh và trong một chừng mực nào đó là cả Azerbaijan “dưới sự bảo hộ” của Nga, mà không cần đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Bởi theo thỏa thuận ngừng bắn toàn diện giữa Azerbaijan và Armenia công bố, Nga độc quyền triển khai gần 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân Armenia trong một thời hạn “tối thiểu” là 5 năm.

Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ, "người bảo trợ" của Azerbaijan, sau cùng được rút xuống ở mức quan sát viên tại Trung tâm điều phối Nga-Thổ. Đáng nói là trung tâm này được đặt trên lãnh thổ Azerbaijan, chứ không phải tại khu vực Nagorno-Karabakh.

Cựu Bộ trưởng về hội nhập Châu Âu của Gruzia, Thorniké Gordadzé, đã cho hay: "Để bảo đảm việc giám sát thực thi lệnh ngừng bắn, Nga đã bố trí nhiều loại vũ khí mà được cho là chỉ để dùng tấn công trên lãnh thổ Azerbaijan", theo Le Monde.

Chuyên gia phân tích chính trị Kavus Abushov làm việc tại Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế ở thủ đô Baku nhắc lại rằng, ngay từ năm 1994, Nga đã muốn triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Nagorno-Karabakh.

Tuy nhiên, trong hơn 20 năm qua, Azerbaijan luôn phản đối việc triển khai quân Nga ở điểm nóng này. Nhưng sau cuộc xung đột vừa qua, thậm chí hy vọng của Baku về một lực lượng gìn giữ hòa bình gồm 50% Nga và 50% Thổ cũng tan thành mây khói.

Nhà chính trị học Azerbaijan cho rằng Vladimir Putin dùng tiểu xảo để lật ngược thế cờ vào phút chót. Còn theo cựu Bộ trưởng Gruzia về hội nhập Châu Âu, để ngăn chặn Nagorno-Karabakh thất thủ, Moscow đã gây sức ép quân sự với Baku.

Dù sao đi nữa, những diễn biến vừa qua đã đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của quân đội Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Và khi đặt Baku vào sự đã rồi, ông Putin đã biến chiến thắng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ-Azerbaijan thành thắng lợi địa chính trị cho Nga.

Việc Nga lần đầu tiên thời hậu Xô Viết triển khai quân đội tại cả ba nước vùng Nam Caucasus có tác động rất tiêu cực đối với chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ trong cả không gian hậu Xô Viết, chứ không chỉ tại sân sau chiến lược của Nga.

Thể hiện rõ nhất là hiệu ứng từ nước cờ của Tổng thống Putin sẽ phá thế nguy hiểm của "tam đầu chế" Thổ Nhĩ Kỳ-Kazakhstan-Azerbaijan, vốn đang tạo ra những chuyển động chính trị gây bất lợi cho Nga tại Nam Caucasus.

Xin nhắc lại là với tác động của Ankara, Kazakhstan đã gia nhập Hội đồng Thổ Nhĩ Kỳ, hình thành nên "tam đầu chế" Thổ Nhĩ Kỳ-Kazakhstan-Azerbaijan tạo ra mầm mống bất ổn, khiến Nga phải đối mặt với nguy hiểm tại sân sau chiến lược của mình.

Ngừng bắn tại Nagorno-Karabakh chỉ là nước cờ nhỏ của Putin

Khi nước cờ của Tổng thống Putin tác động vào mắt xích Azerbaijan khiến nó bị rão ra, làm giảm sức tàn phá của tam đầu chế Thổ Nhĩ Kỳ-Kazakhstan-Azerbaijan, từ đó mang đến hy vọng Nam Caucasus có thể bình yên.

Sâu xa hơn, khi hiệu ứng từ nước cờ của Tổng thống Putin làm giảm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Nam Caucausus, việc "ủy thác" của Mỹ-phương Tây cho Thổ Nhĩ Kỳ "quậy" sân sau chiến lược của Nga có thể chấm dứt sau hơn hai thập kỷ.

Khi đó tham vọng của Erdogan-Ankara sẽ gặp rào cản không chỉ của Moscow, mà còn cả Washington. Trong trường hợp này, với lợi thế đóng quân đội trên toàn Nam Caucasus, Nga sẽ dễ dàng mặc cả với Mỹ để kiềm chế sự ương ngạnh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Rõ ràng, Erdogan càng tham vọng thì càng giúp nước cờ của Putin thêm hoàn hảo, ngay cả khi thỏa thuận ngừng bắn bị vi phạm. Bởi Nagorno-Karabakh bất ổn là điều kiện để Nga ở lại điểm nóng và có thể hành động nóng.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nagorno-karabakh-cang-tham-vong-erdogan-cang-giup-co-putin-them-hoan-hao-3424418/