NAFTA đứng trước khả năng bị 'lỗi thời'

Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có thể bị 'làm ngơ' trong bối cảnh Mỹ thúc đẩy thỏa thuận phiên bản mới với Mexico và khả năng tham gia của Canada vào cuối tuần này.

Ô tô hiện vẫn đang là lĩnh vực "chia sẽ" NAFTA. Ảnh: Luke Sharrett/Getty Images

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết ông rất lạc quan vào khả năng Canada tham gia vào thỏa thuận thương mại mới Mỹ đã ký với Mexico trước đó, một thỏa thuận được cho là sự thay thế NAFTA.

"Tôi nghĩ Canada rất muốn có được thỏa thuận. Gần như sẽ không tốt nếu như họ không làm vậy", CNBC dẫn lời ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.

Người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng nhắc lại thời hạn ngày thứ Sáu tới đối với việc quyết định tham gia của Canada vào thỏa thuận này.

"Canada muốn trở thành một phần của thỏa thuận. Chúng tôi sẽ cho họ đến thứ Sáu tới và tôi nghĩ rằng chúng tôi gần như đang đi đúng hướng. Chúng tôi sẽ xem điều gì sẽ xảy đến".

Theo thông tin được đưa bởi AFP, Thủ tướng Canada Justin Trudeau mới đây cũng cho thấy tín hiệu tích cực khi tiết lộ thỏa thuận có thể diễn ra vào cuối tuần này.

"Canada có thể đạt được một thỏa thuận tốt vào thứ Sáu tới" nhưng bất kỳ một thỏa thuận cuối cùng nào cũng dựa trên việc có tốt cho Canada hay không, AFP dẫn lời ông Trudeau. "Tôi đã nói ngay từ đầu rằng việc không có một thỏa thuận NAFTA còn tốt hơn một NAFTA tồi tệ".

Trước đó, theo thông tin từ Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), Mỹ và Mexico đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về một số nguyên tắc và vấn đề nhằm hoàn thiện, thực hiện và nâng cấp NAFTA với các điều khoản hiện đại, đại diện cho thỏa thuận tiêu chuẩn cao của thế kỷ XXI.

Thỏa thuận Mỹ - Mexico sẽ kéo dài 16 năm và được xem xét sau mỗi 6 năm. Diễn biến mới nhất này tạo ra áp lực cho Canada trong khả năng đồng ý với các điều khoản mới liên quan đến lĩnh vực ô tô cũng như giải quyết tranh chấp nhằm duy trì hiệp định giữa ba quốc gia.

Trong năm nay, mối quan hệ giữa Mỹ, Mexico và Canada không mấy hòa hảo khi Washington cho thấy thái độ dứt khoát trong thuế quan với đồng minh.

Tháng 3 vừa qua, chính quyền ông Donald Trump tiến hành nâng thuế lên mức 10% và 25% đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu nhưng có miễn trừ với một số quốc gia đồng minh, trong đó Canada và Mexico là 2 nước đầu tiên.

Sau 3 tháng miễn trừ, quyết định đánh thuế được Mỹ công bố thông qua họp báo điện thoại, đóng sập cánh cửa gia hạn mà chính quyền ông Trump đã để ngỏ trước đó cho các quốc gia được xem là đồng minh và cho thấy lập trường cứng rắn từ Mỹ.

Hai quốc gia đồng minh sau đó đã cho thấy phản ứng gay gắt và hành động trả đũa áp lên các sản phẩm từ Mỹ.

Căng thẳng trong quan hệ sau đó còn được đẩy cao hơn nữa tại Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi giữa tháng 6 khi ông Trump đưa ra nhiều lời chỉ trích nặng nề đối với Thủ tướng Canada.

Trên trang Twitter cá nhân, người đứng đầu Nhà Trắng viết: “Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã hành động quá mềm yếu trong suốt cuộc gặp gỡ G7 và chỉ tổ chức họp báo mới sau khi tôi rời đi cùng với lời nói rằng ông ấy sẽ không bị bắt nạt. Thật sự thiếu trung thực và đầy yếu ớt".

Thậm chí chỉ vài phút sau khi tuyên bố chung được thông qua bởi các nhà lãnh đạo nhóm nước G7, ông Donald Trump cho biết Mỹ sẽ không phê chuẩn và đồng ý.

"Dựa trên những tuyên bố sai lầm của ông Justin trong cuộc họp báo, và dựa vào thực tế mức thuế ngất ngưởng Canada đang áp dụng đối với nông dân, công nhân và công ty Hoa Kỳ, tôi chỉ đạo các đại diện Mỹ không phê chuẩn tuyên bố chung trong khi xem xét tăng thuế với sản phẩm ô tô đang ngập tràn thị trường Mỹ", ông Trump viết trên Twitter.

Thông tin từ CNBC dẫn lời Ngoại trưởng Canada cho biết các cuộc đàm phán NAFTA với Mỹ đang ở “thời điểm mãnh liệt” và khẳng định quốc gia của bà đang tìm kiếm thỏa hiệp có lợi cho đôi bên.

Nếu Canada tham gia vào hiệp định mới trong những ngày sắp tới, diễn biến thương mại chung sẽ được điều chỉnh theo một hướng rất khác.

Mỹ Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nafta-dung-truoc-kha-nang-bi-loi-thoi-1535604577547.htm