Nấc thang căng thẳng mới

Chính trường Tây Ban Nha đang đối mặt những nấc thang căng thẳng mới khi Tòa án tối cao nước này vừa bác đơn xin tại ngoại, tiếp tục giam giữ các cựu lãnh đạo cấp cao của vùng Ca-ta-lô-ni-a. Bùng nổ kể từ khi chính quyền vùng Ca-ta-lô-ni-a tiến hành trưng cầu ý dân về độc lập vào tháng 10-2017, cuộc khủng hoảng tại 'xứ sở bò tót' đã khiến giới chức Liên hiệp châu Âu (EU) vô cùng lo ngại, bởi đây có thể là mồi lửa cho phong trào ly khai ở hàng loạt quốc gia châu Âu.

Phản ứng mạnh mẽ trước việc chính quyền xứ Ca-ta-lô-ni-a tuyên bố độc lập sau cuộc trưng cầu ý dân hồi đầu tháng 10 vừa qua, Chính phủ Tây Ban Nha đã tuyên bố giải tán chính quyền của vùng lãnh thổ giàu có này. Thủ hiến bị phế truất vùng Ca-ta-lô-ni-a C.Pui-đơ-môn hiện đang chạy trốn ở Bỉ, trong khi nhiều cựu lãnh đạo cấp cao khác thuộc chính quyền Ca-ta-lô-ni-a bị chính quyền trung ương Ma-đrít bắt giữ. Trước đó, Thủ tướng Tây Ban Nha M.Ra-hoi từng nhiều lần cảnh báo, một Ca-ta-lô-ni-a ly khai sẽ không được châu Âu công nhận và vùng Ca-ta-lô-ni-a sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Bất chấp thái độ cứng rắn của chính quyền Ma-đrít, cựu Thủ hiến Ca-ta-lô-ni-a C.Pui-đơ-môn cùng các chính trị gia khác của vùng này vẫn ký một văn kiện tuyên bố Ca-ta-lô-ni-a tách khỏi Tây Ban Nha, khiến tình hình chính trị tại nước này càng thêm căng thẳng.

Là một vùng đất giàu có ở khu vực đông-bắc, đóng góp tới 19% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha, vùng Ca-ta-lô-ni-a luôn có sức ảnh hưởng trên bàn đàm phán về quyền lực với chính phủ Tây Ban Nha và giành được quyền tự trị. Thế nhưng, việc vùng Ca-ta-lô-ni-a kiên quyết tách khỏi Tây Ban Nha như một quốc gia độc lập lại mang đến những bất lợi lớn cho vùng này, như lời cảnh báo của Thủ tướng M.Ra-hoi rằng Ca-ta-lô-ni-a phải trả giá đắt. Giới chuyên gia cho biết, vùng Ca-ta-lô-ni-a sẽ đối mặt vô vàn khó khăn nếu tách khỏi Tây Ban Nha, bởi điều này đồng nghĩa với việc vùng Ca-ta-lô-ni-a không còn duy trì tư cách thành viên trong EU. Nếu kịch bản này xảy ra, những người có hộ chiếu Ca-ta-lô-ni-a sẽ không thể tự do đi lại ở EU, hàng hóa và dịch vụ từ Ca-ta-lô-ni-a cũng không thể dịch chuyển tự do trong khối này. Tình trạng rối ren tại vùng lãnh thổ này chắc chắn khiến các nhà đầu tư trở nên dè dặt bởi họ mất niềm tin vào tình hình kinh tế của Ca-ta-lô-ni-a.

Câu chuyện vùng Ca-ta-lô-ni-a thời gian qua đã khiến giới chức châu Âu lo lắng không yên, trong bối cảnh xu hướng ly khai gia tăng trong khu vực. Các lãnh đạo EU tuyên bố, việc vùng Ca-ta-lô-ni-a đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha là một thảm họa và EU sẽ nỗ lực ngăn chặn điều này xảy ra. Cuộc khủng hoảng tại Tây Ban Nha rất có thể sẽ khơi mào phong trào đòi độc lập ở các nước thuộc “lục địa già”, như vùng Phlan-đơ và Oa-lô-ni-a ở Bỉ, đảo Co-xi-ca ở Pháp… Sau sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu quyết định rời EU, xu hướng ly khai đã khiến “con thuyền” EU chao đảo mạnh. Tại Anh, sau sự kiện Anh rời EU, còn gọi là Brexit, đảng Dân tộc Xcốt-len đang tìm cách tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần hai về độc lập vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019 tới. Bởi vậy, nhiều ý kiến lo ngại rằng, phong trào ly khai ở vùng Ca-ta-lô-ni-a của Tây Ban Nha sẽ báo hiệu cho một cuộc khủng hoảng mới ở châu Âu, đe dọa trực tiếp an ninh và sự thịnh vượng chung của ngôi nhà chung EU.

Theo kế hoạch, cuộc bầu cử địa phương để bầu ra chính quyền mới cho vùng Ca-ta-lô-ni-a sẽ diễn ra vào ngày 21-12 tới. Đây là một trong những giải pháp của chính quyền trung ương Ma-đrít nhằm đối phó tình hình rối ren trong nước. Tuy nhiên, để lập lại sự ổn định chính trị cho Tây Ban Nha, chính phủ của Thủ tướng M.Ra-hoi còn cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, cũng đã đến lúc các nhà lãnh đạo EU tính đến những giải pháp mang tính lâu dài nhằm ngăn chặn mầm mống ly khai đang lan rộng tại “lục địa già”.

MAI HƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/35013602-nac-thang-cang-thang-moi.html