Na Uy-Việt Nam: Chia sẻ kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản trên biển bền vững

Việc nghiên cứu kinh nghiệm và bài học thành công của Na Uy giúp Việt Nam giải quyết các khó khăn hiện tại cũng như xây dựng được các chính sách phù hợp để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển mạnh mẽ và bền vững hơn.

Hội thảo “Na Uy-Việt Nam: Thúc đẩy hợp tác trong nuôi trồng thủy sản trên biển” được tổ chức tại Nha Trang ngày 5/6. (Ảnh: PH)

Hội thảo “Na Uy-Việt Nam: Thúc đẩy hợp tác trong nuôi trồng thủy sản trên biển” được tổ chức tại Nha Trang ngày 5/6. (Ảnh: PH)

Ngày 6/5, tại Khánh Hòa, Innovation Norway - Phòng Thương mại, Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội phối hợp với Cục Thủy sản (DFish) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo “Na Uy-Việt Nam: Thúc đẩy hợp tác trong nuôi trồng thủy sản trên biển”.

Hội thảo có sự hiện diện của Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken; Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa Lê Văn Hoan; Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân và Tham tán Thương mại Đại sứ quán Na Uy, Giám đốc văn phòng Innovation Norway tại Hà Nội Arne Kjetil Lian.

Sự kiện còn quy tụ khoảng 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý Trung ương như Cục Thủy sản, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường; Chi cục Thủy sản - Sở NN&PTNN các tỉnh ven biển Khánh Hòa, Phú Yên, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Trị, Kiên Giang...; các viện nghiên cứu, các trường đại học; các hiệp hội nuôi biển Việt Nam; các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ; một số lượng đông đảo doanh nghiệp Na Uy và Việt Nam đại diện cho các phân khúc khác nhau trong chuỗi nuôi trồng thủy sản...

Hội thảo nhằm tạo một diễn đàn để các bên liên quan đến từ khu vực Nhà nước, tư nhân và giới nghiên cứu cùng thảo luận về lộ trình phát triển ngành nuôi trồng thủy sản một cách bền vững cũng như vai trò của các bên liên quan trong quá trình đó.

Tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và các giải pháp công nghệ đối với sự phát triển của ngành cũng như cách thức đào tạo lực lượng lao động có tay nghề để đáp ứng yêu cầu của ngành cũng là một phần nội dung trong chương trình của sự kiện.

Hai diễn giả đặc biệt đến từ Tổng cục Thủy sản Na Uy là bà Anne B. Osland và ông Erlend Hopsdal Skjetne đã chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về cách thức Chính phủ Na Uy xây dựng chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các trang trại nuôi cá trên biển, đảm bảo sự phù hợp của các thủ tục cấp phép với quy hoạch không gian biển, trong đó có tính đến các yêu cầu về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học biển.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Solbakken khẳng định: “Sự kiện này tạo một động lực mới cho hợp tác song phương Na Uy-Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản và để triển khai Ý định thư giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy ký kết năm 2021 về Tăng cường hợp tác song phương trong ngành nuôi trồng thủy sản trên biển”.

Đại sứ Solbakken nhấn mạnh: “Là một quốc gia đại dương, các ngành kinh tế biển trong đó có đánh bắt và nuôi trồng hải sản, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Na Uy cũng như tạo việc làm của các cộng đồng dân cư duyên hải rộng lớn của chúng tôi".

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: PH)

Theo Đại sứ, quản trị tốt các vùng biển và nguồn lợi đại dương có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo các ngành kinh tế biển có thể phát triển hài hòa cùng nhau và cùng với môi trường.

Yếu tố quan trọng đằng sau câu chuyện thành công của Na Uy với tư cách là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hải sản hàng đầu thế giới là khả năng duy trì đối thoại cởi mở và tin tưởng lẫn nhau giữa chính phủ, ngành công nghiệp và các tổ chức nghiên cứu.

"Điều này được thể hiện rõ qua những nội dung mà chúng tôi chia sẻ tại Hội thảo hôm nay. Đó là những ví dụ điển hình về những gì Na Uy đã làm", bà Solbakken nhấn mạnh.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản Bộ NN&PTNT cho biết. mặc dù có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển, nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, máy móc thiết bị còn đơn giản, thiếu lao động có trình độ cao... Với đường bờ biển dài, Việt Nam và Na Uy có nhiều điểm tương đồng và nhiều mối quan tâm chung.

"Vì vậy, nghiên cứu kinh nghiệm và bài học thành công của Na Uy sẽ góp phần đưa ra những gợi ý giúp chúng tôi giải quyết các khó khăn hiện tại cũng như xây dựng được các chính sách phù hợp để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển mạnh mẽ và bền vững hơn”, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Bà Anne B. Osland, Vụ trưởng Vụ Cấp phép Nuôi trồng, Cục Quản lý nuôi trồng và vùng bờ, Tổng cục Thủy sản Na Uy chia sẻ rằng, trong xu thế chuyển dịch sang các hoạt động nuôi trồng bền vững, để tiếp tục phát triển, ngành nuôi trồng thủy sản của Na Uy buộc phải chú trọng tới các quy trình bền vững. Khởi điểm là phải có quy hoạch và chính sách hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành.

Bà nói: "Na Uy có nhiều kinh nghiệm có thể chia sẻ về quy trình xây dựng chính sách với các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt liên quan tới cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển hay còn gọi là nuôi trồng thủy sản xa bờ, quy trình vận hành cơ sở nuôi trồng để vừa đảm bảo năng suất vừa giảm thiểu tác động đối với hệ sinh thái biển".

Hiện nay, nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất của Na Uy, chỉ sau dầu mỏ và khí đốt. Đây đã trở thành một ngành công nghiệp với năng suất cao, chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa, tạo công ăn việc làm cho hơn 8.000 người trong các cộng đồng cư dân sinh sống ven biển.

Đổi mới sáng tạo và phát triển những loại hình công nghệ mới là "chìa khóa" đảm bảo sự thành công trong tương lai. Việc nghiên cứu và phát triển các quy trình sản xuất mới, bền vững hơn có thể diễn ra trong toàn bộ chuỗi giá trị, trong đó phải kể tới vai trò then chốt của khu vực tư nhân.

Sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, ngành công nghiệp và giới nghiên cứu là một yếu tố quan trọng dẫn tới sự thành công nói trên của ngành nuôi trồng thủy sản Na Uy. Vì thế, công nghệ và tính bền vững hiện đang trở thành một xu thế chung chiếm lĩnh toàn ngành.

Trong khi đó, Việt Nam đang triển khai Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/10/2021 nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển một cách đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển.

Giảm khai thác, tăng nuôi trồng cũng được Bộ NN&PTNT coi là một chính sách giúp cân bằng giữa nhu cầu của con người với bảo tồn tài nguyên biển và phát triển bền vững. Vì vậy, chuyển đổi sang nuôi xa bờ, phát triển nuôi cá quy mô công nghiệp, hướng tới xuất khẩu, nâng cao chất lượng và giá trị thủy sản Việt Nam sẽ là xu hướng tất yếu.

Một chi tiết thú vị được chia sẻ tại Hội thảo là một số trang trại nuôi cá ngoài khơi của Na Uy mở cửa cho công chúng tham quan với mục đích cung cấp thông tin và giáo dục. Điều này cho thấy các ngành kinh tế biển không phải lúc nào cũng xung đột mà có thể bổ sung cho nhau và phát triển cùng nhau.

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng có cơ hội tham gia chuyến đi thực tế tới thăm trang trại nuôi cá của Công ty TNHH Australis Việt Nam ngoài Vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa để tìm hiểu về các phương thức nuôi biển công nghiệp và các trang thiết bị hệ thống tự động giúp giảm phát thải carbon từ hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/na-uy-viet-nam-chia-se-kinh-nghiem-trong-nuoi-trong-thuy-san-tren-bien-ben-vung-229781.html