Na Uy tìm kiếm kim loại mầu dưới biển thay cho dầu khí

Na Uy - một trong những quốc gia giàu tài nguyên dầu khí nhất thế giới đang nghiên cứu phương án khai thác kim loại mầu dưới đáy biển (đồng, kẽm, litium và những kim loại khác dùng trong thiết bị công nghệ xanh như pin xe điện, pin mặt trời, tuabin gió) thay vì dầu thô trong tương lai gần, tùy thuộc vào nhu cầu, cũng như giá cả kim loại.

Bộ Dầu mỏ và Năng lượng Na Uy dự định bắt đầu cấp phép khai thác khoáng sản đáy biển sớm nhất vào năm 2023, sau khi hoàn tất nghiên cứu tác động môi trường.

Vào năm 2017, chính phủ Na Uy đã bắt đầu tìm kiếm thăm dò kim loại dưới đáy biển, theo ước tính của Đại học Khoa học và Công nghệ (NTNU), trữ lượng trong thềm lục địa nước này bao gồm: 21,7 triệu tấn đồng, 22,7 triệu tấn kẽm, tuy nhiên, con số thực tế sẽ thấp hơn nhiều, khoảng 6,9 triệu và 7,1 triệu tấn tương ứng. Ngoài ra, các cuộc thám hiểm cũng đã phát hiện ra tỷ lệ cao lithium và scandium trong lớp vỏ mangan phát triển trên nền đá. Đáng chú ý, Nhật Bản cũng có kế hoạch tương tự nhưng chậm hơn 2-3 năm về mặt thời gian dự kiến triển khai 2026-2028.

Dầu thô và khí đốt đã làm cho Na Uy trở nên giàu có, đất nước 5,4 triệu dân đang tích cực tìm kiếm giải pháp thay thế dần dần ngành công nghiệp dầu khí, theo ước tính của Rystad Energy, ngành công nghiệp khai khoáng đáy biển có thể tạo doanh thu lên tới 20 tỷ USD/năm vào năm 2050 - so với khoảng 61 tỷ USD từ dầu khí đốt trong năm 2019. Trong khi một số công ty khai khoáng như Nordic Mining sẽ theo đuổi giấy phép thăm dò đáy biển, công ty năng lượng lớn nhất Na Uy - Equinor và Aker vẫn chưa có quyết cuối cùng. Nếu nhìn lại những thành tựu ngành khai thác dầu khí đã đạt được trong 50 năm qua, mục tiêu phát triển ngành công nghiệp khai khoáng đáy biển không còn viễn tưởng.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/na-uy-tim-kiem-kim-loai-mau-duoi-bien-thay-cho-dau-khi-595487.html