Na Uy đầu tư 1,6 tỷ euro để thu giữ và lưu trữ CO2

Ngày 21/9, chính phủ Na Uy cho biết họ muốn đầu tư 16,8 tỷ curon (1,6 tỷ euro) vào việc thu giữ và lưu trữ CO2 (CCS), một công nghệ được coi là có triển vọng đối với khí hậu nhưng cực kỳ tốn kém.

Nhóm Extinction Rebellion diễu hành ở Oslo để phản đối các chính sách dầu mỏ của Na Uy,

Nhóm Extinction Rebellion diễu hành ở Oslo để phản đối các chính sách dầu mỏ của Na Uy,

Thông báo được đưa ra cùng ngày với việc nhóm Extinction Rebellion diễu hành ở Oslo để phản đối các chính sách dầu mỏ của Na Uy, nước sản xuất dầu lớn nhất Tây Âu.

Được đặt tên là "Longship" theo tên những con tàu Viking, "đây là dự án khí hậu lớn nhất từng được thực hiện trong ngành công nghiệp Na Uy", Bộ trưởng Dầu mỏ và Năng lượng Na Uy Tina Bru cho biết khi trình bày Sách trắng về CCS.

Chính phủ Na Uy cho biết họ muốn ưu tiên tài trợ cho việc thực hiện dự án thu giữ và lưu trữ CO2 tại một nhà máy xi măng ở Brevik, miền nam đất nước. Ngành công nghiệp xi măng được coi là nguyên nhân gây ra 7% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Từ năm 2024, nhà máy Norcem có thể thu được khoảng 400.000 tấn CO2 , hoặc gần một nửa trong số 900.000 tấn CO2 mà nó thải ra trong năm 2019.

Chính phủ cũng muốn đóng góp vào dự án CCS cho nhà máy đốt rác ở Oslo do Fortum vận hành, nếu tìm thấy các nguồn tài trợ khác, ví dụ như từ EU. "Để Longship trở thành một dự án khí hậu thành công cho tương lai, các quốc gia khác cũng phải bắt đầu sử dụng công nghệ này", Thủ tướng Na Uy Erna Solberg nói.

Chính phủ Na Uy cuối cùng cũng đang xem xét tài trợ cho Northern Lights, được hỗ trợ bởi các tập đoàn dầu khí khổng lồ của Na Uy là Equinor, Shell và Total, dự án này nhằm mục đích vận chuyển CO2 lỏng đến một terminal, từ đó nó sẽ được bơm xuống dưới đáy biển thông qua các đường ống.

Những đề xuất này hiện phải được Quốc hội Na Uy xem xét, nơi chúng có thể thay đổi do chính phủ đương quyền không chiếm đa số. Các kế hoạch trên được tiết lộ khi các nhà hoạt động thuộc tổ chức Extinction Rebellion diễu hành trước khuôn viên Cung điện Hoàng gia và các bộ để yêu cầu chấm dứt khai thác dầu. Cảnh sát Oslo thông báo bắt giữ 32 người trong các đợt biểu tình này.

Na Uy đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính từ 50 - 55% từ nay đến năm 2030. Năm 2013, họ đã từ bỏ một dự án CCS đầy tham vọng tại nhà máy lọc dầu Mongstad, vốn phải chịu thêm chi phí và sự chậm trễ đáng kể.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/na-uy-dau-tu-16-ty-euro-de-thu-giu-va-luu-tru-co2-579032.html