#Mytour: Hành trình 3 ngày ngắm đào Sa Pa, cưỡi mây ở Y Tý

Sa Pa mùa nào cũng đẹp. Tuy nhiên, tôi thích đến đây vào mùa xuân nhất. Tháng 3, khắp rẻo đất miền Tây Bắc mộng mơ với những cành đào khoe sắc trong sương.

Dạo này, tôi nghe mọi người nói Sa Pa (Lào Cai) giống công trường xây dựng, Sa Pa mất chất khiến tinh thần xao động... Tuy nhiên, tôi và anh chưa tới Sa Pa cùng nhau bao giờ. Chưa kể, tôi cũng muốn tận mắt ngắm nơi đây theo góc nhìn của tôi. Lỡ đâu, vài điều dễ thương vẫn đang trốn ở đâu đó, chờ đợi người tới phát hiện.

Hoặc tôi dễ tính, hoặc Sa Pa vẫn dễ thương thật.

Tôi và anh đã cùng nhau đến rất nhiều nơi nhưng chưa đến Sa Pa bao giờ.

Tôi và anh đã cùng nhau đến rất nhiều nơi nhưng chưa đến Sa Pa bao giờ.

Sa Pa mùa nào đẹp nhất?

Thị trấn trong sương mùa nào cũng đẹp, nhưng tôi thích đến đây vào mùa xuân và mùa thu. Vào mùa xuân, bạn có thể ngắm những cành đào xinh đẹp khoe sắc phớt hồng bên cạnh những ngôi nhà truyền thống của người vùng cao. Trước khung cảnh đó, tôi đoán ai cũng sẽ rung động.

Những cây đào vùng Tây Bắc không uốn dáng, tạo thế như Hà Nội.

Tháng 3 là thời điểm hoa đào ở Sa Pa tươi thắm nhất. Khi đó, thị trấn mộng mơ như khoác lên mình chiếc áo lông mềm mại và duyên dáng với sắc hồng pha lẫn xanh tươi. Đào khoe sắc ở mọi nơi, từ những sườn đồi đến các con đường dẫn vào buôn làng.

Tháng 3, vùng đất Tây Bắc hóa cảnh nên thơ với những rặng đào khoe sắc.

Chẳng uốn dáng, tạo thế như những cây đào ở Hà Nội, đào ở đây tự nhiên, vươn thẳng lên bầu trời, xòe rộng ra xung quanh. Những cánh đào phai mang vẻ dịu dàng, thuần khiết tựa người dân nơi đây.

Tuy nhiên, nếu chọn đến Sa Pa vào dịp này, bạn nên chọn những ngày khô ráo. Do điều kiện mặt đường không tốt, nếu trời mưa, chuyện đi lại khá khó khăn.

Những đứa trẻ vùng cao tựa những con mèo nhỏ, thoắt cái đã có thể leo lên cành cây.

Trong hành trình này, chúng tôi ấn tượng với những đứa trẻ địa phương. Tụi nhỏ ở đây tựa mấy con mèo nhỏ, chẳng sợ gì hết. Chỉ mất mấy giây, chúng đã leo tót lên cành đào. Một, hai, ba... rồi mấy em đều bám cây, cười giòn tan.

Sang thu, bạn có thể ngắm cánh đồng lúa chín vàng, bạt ngàn bên sườn núi. Sau những làn mây bồng bềnh, Sa Pa hiện ra như thiên đường mơ mộng.

Vào mùa thu, lúa trên những thửa ruộng bậc thang chín vàng, tạo khung cảnh khiến bao người say đắm.

Ngày đầu tiên là một ngày thứ bảy

Sa Pa đông đúc với người và xe qua lại. Đường tắc, người tràn xuống đường rất đông, trông hệt như phố đi bộ Hồ Gươm. Những em bé dân tộc địu em nhỏ trên lưng, tay cầm từng chuỗi vòng và đồ lưu niệm nhỏ, giơ lên trước mặt từng vị khách, van nài với đôi mắt trong buồn bã.

Thị trấn ấy vẫn hút hồn với màn sương sớm và hơi nước bốc lên từ mặt hồ xanh ngắt. Sa Pa có những dãy nhà ẩn sau núi, sau mây cùng các cô gái dân tộc đeo gùi địa lan, đứng chải tóc. Họ cuốn mái tóc quanh đầu rồi dùng lược gài vào, xinh xinh như đeo mặt trăng bạc lên mái tóc.

Người ta nói Sa Pa bây giờ chẳng còn gì nhưng tôi vẫn muốn đến tận nơi để ngắm nơi này dưới lăng kính của bản thân.

Buổi đầu tiên ở Sa Pa của chúng tôi gói gọn bằng 2 cốc cà phê, "một cốt dừa, một nâu đá". Nhấp ngụm nước ấm áp, tôi nghe anh nói về Sa Pa.

Anh thích nơi này. Anh bảo Sa Pa đúng chất phố núi, là nơi chúng tôi có thể hít làn không khí mát rượi mỗi sáng và chạm tay vào mây nhưng nếu thích, tôi cũng có thể gọi ly trà sữa và cũng không lo buổi tối buồn thiu nằm trong phòng.

Sa Pa về đêm không buồn, cũng sáng trưng như đường phố ở Hà Nội.

Sa Pa nhộn nhịp cũng có cái hay của nó. Vậy nên, trước tiên, anh bảo lòng hãy vui rồi hẵng đi du lịch. Chúng ta đừng mang theo nỗi buồn đến đây, tội mảnh đất này.

Chủ nhật lười biếng

Sáng hôm sau, trời mưa rả rích. Hai đứa lười nên dành cả buổi sáng ở homestay, gọi 2 ly cà phê ngon tuyệt rồi hướng mặt ra ngoài ô cửa kính ngắm mưa. Tầm trưa, chúng tôi mới cùng nhau lên Y Tý.

Khi lên Sa Pa, bạn nên mang theo áo ấm.

Chị Hương, chủ homestay, bảo chúng tôi mua áo mưa để lấy may. May mắn đến thật sự. Cả đoạn đường, chúng tôi không gặp mưa. Trời chuyển nắng đẹp.

Nếu bạn cảm thấy hơi sợ cái tấp nập của Sa Pa, hãy lên Y Tý ngay đi. Y Tý có mây bay lưng đèo, có nhà trình tường của người Hà Nhì, có tấm chân tình trong bữa cơm tối.

Chúng tôi tốn gần 5 tiếng để đi từ Sa Pa đến Y Tý. Thực ra đi đường không mất nhiều thời gian đến vậy nhưng hai đứa thuộc kiểu thích dừng lại xem cái này một tí, cái kia một tí nên đến nơi cũng hơi muộn.

Y Tý của chúng tôi còn là một đêm gió rít lạnh buốt, quây quần trong ngôi nhà với bức tường đất dày, nghe câu chuyện về chuyến đi của mấy bạn ở cùng nhà, chuyện kể về lễ Cấp Sắc, lễ Khô Già Già, buổi tối bán thắng cố hay trang phục những cô gái dân tộc ở đây. Bạn biết không, những trang phục đó đắt như hàng hiệu.

Hoàng hôn ở Ô Quy Hồ rất quyến rũ. Nếu muốn ngắm, bạn không nên dành ngày cuối cùng ở Sa Pa mới đến đây.

Tối thứ hai, chúng tôi về Hà Nội, đây cũng là lúc Sa Pa vãn khách. Thị trấn trở lại lặng lẽ và lãng mạn. Mấy người đang yêu, họ nép vào nhau trong cái lạnh cuối xuân, bước những bước chầm chậm trên đường.

Khi vãn khách, Sa Pa trở về với bản chất lãng mạn vốn có.

Thành thật mà nói, nếu có thể, bạn hãy ở lại Sa Pa thêm một ngày trong tuần để biết nơi đây còn có những lúc êm dịu như mây trôi.

Tôi nhớ có người đã nói: "Veni. Vidi. Amavi", nghĩa là: "Chúng ta đến, ngắm nhìn và yêu thương". Vì vậy, hãy đi để cảm nhận. Chắc chắn, Sa Pa vẫn sẽ dành cho bạn những điều để bạn yêu nơi này.

#Justgo: Du lịch Sa Pa, ghé bản làng đẹp nhất vùng cao Tây Bắc Cách trung tâm Sa Pa (Lào Cai) khoảng 3 km, bản Cát Cát, làng dân tộc người Mông, nằm bình yên bên thác nước Cát Cát trong thung lũng ngay chân núi Hoàng Liên Sơn.

Độc giả Vũ Kim Ngân

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/mytour-hanh-trinh-3-ngay-ngam-dao-sa-pa-cuoi-may-o-y-ty-post926941.html