#MyTour: 7 ngày rủ nhau đến Phượng Hoàng Cổ Trấn

Hoàng Lê cho biết chuyến đi đến Phượng Hoàng Cổ Trấn là lần đầu tiên cô du lịch nước ngoài tự túc. Trong 7 ngày, cô và những người bạn đồng hành đã có rất nhiều kỷ niệm.

Hà Nội độ này đang chuyển mùa và mưa nhiều. Rảnh rỗi ngồi nhà thẫn thờ với những thứ không gì cả, tôi lại nhớ cái mùi mưa ẩm trên những con đường đá, những ngóc ngách xa lạ với ti tỉ thứ nhỏ xinh của Phượng Hoàng Cổ Trấn (Trung Quốc).Đó là lần đầu tiên tôi đi du lịch nước ngoài tự túc. Đồng hành cùng tôi là 3 người bạn. Trước khi đi, chúng tôi đã nghiên cứu lịch trình, đặt vé tàu, đặt khách sạn và quan trọng nhất là tự học tiếng Trung.

Chuyến đi đến Phượng Hoàng Cổ Trấn là lần đầu tiên tôi du lịch nước ngoài tự túc.

Hành trình của chúng tôi không dành cho những người ưa an nhàn. Chuyến đi của chúng tôi di chuyển hoàn toàn bằng ôtô, tàu hỏa và cáp treo. Những giấc ngủ đứt quãng trên chuyến tàu đêm rung rinh, tu tu xình xịch.

Chúng tôi sẽ nhớ mãi những anh cảnh sát cao 1,8 m nghiêm nghị ở cửa khẩu. Những lúc chờ tàu, chờ xe, mua vé, tìm quán ăn tốn kha khá thời gian. Hay cảnh đám đông chật cứng ùa ra từ tàu hỏa như đàn kiến vỡ tổ. Người Trung Quốc thật đông. Chúng tôi kéo những chiếc vali trên đại lộ trước bao con mắt xa lạ "xì xồ hảo hảo".

Cảm giác ngồi tàu rời đất nước trong ánh sáng đom đóm xa xa lập lòe cũng rất đặc biệt. Nhớ thương người ở lại nhưng ai cũng hào hứng khi cuộc hành trình mới mẻ, đẹp đẽ và tự do bắt đầu. Hành trình đến cổ trấn cũng gian nan và kỳ thú không kém chuyện đi thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng.

Hành trình đến cổ trấn của chúng tôi cũng gian nan và kỳ thú không kém chuyện đi thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng.

Say đắm khung cảnh bồng lai

Ngày thứ nhất: Sau một đêm đi tàu từ Hà Nội, chúng tôi đến thành phố Nam Ninh. Sau khi nghỉ ngơi và khám phá thành phố, 17h30, đoàn tiếp tục lên tàu tiếp tục hành trình đến Trương Gia Giới, thuộc địa phận tỉnh Hồ Nam, trong đêm.

Ngày 2: Trước khi đến Phượng Hoàng Cổ Trấn, đoàn dành 2 ngày tại Trương Gia Giới. Nơi đây quả là thủ phủ của cáp treo với những đoạn dài hàng nghìn km. Đi đâu, dưới đường hay nằm trong homestay, chỉ cần ngước lên trời, chúng tôi có thể thấy những cabin đang di chuyển từ từ trên đầu.

Chúng tôi rất may mắn khi đặt một homestay có anh chủ rất dễ thương và nhiệt tình, chỉ đường đi nước bước chu đáo. Anh lái cả ôtô con của nhà để đưa cả đoàn ra trạm đúng giờ, đặt vé cáp treo lên Thiên Môn Sơn.

Những ngày chúng tôi ở Thiên Môn Sơn, thời tiết có sương mù dày đặc.

Hai ngày đoàn ở đây, thời tiết có sương mù dày đặc. Tuy nhiên, như vậy cũng đủ để chúng tôi cảm nhận sự hùng vĩ, hiểm trở của núi non, cảnh vật và trình độ đào núi, xuyên không cao siêu của người Trung Quốc.

Ngồi trong cabin vượt qua quãng đường dài đằng đẵng, chúng tôi nghe tiếng nhạc du dương với tiếng sáo trúc rất thanh tịnh. Cáp nối từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác, càng lên cao, sương càng trắng.

Những đoạn cao quá, cabin đi qua mây. Bốn bề xung quanh chỉ một màn sương trắng đục. Khi ấy, chúng tôi ngỡ mình như đang ở 9 tầng mây.

Tôi thư thái đi dạo trên con đường ven sườn núi, một bên là vách đá và bên còn lại là vực thẳm. Đoạn đường dài tưởng chừng không hồi kết. Đoạn cầu kính "Rồng cuộn" thách thức độ cao, nhìn thấy vách núi khiến tôi tim đập, chân run.

Thử thách cầu kính tại Thiên Môn sơn khiến nhiều người sợ hãi.

Một số người khác khóc thét, lê bước từng milimet. Một số ngồi bệt xuống, dí người vào vách đá, vừa bám núi, vừa hét lớn vì sợ hãi. Ấy thế nhưng chẳng ai chịu quay lại. Một bác lớn tuổi khóc như một đứa trẻ.

Sau đó, chúng tôi tiếp tục xuyên qua rừng Ước. Khu rừng huyền bí được bao trùm bởi những dải lụa đỏ treo kín trên các ngọn cây. Mỗi dải lụa là một lời cầu nguyện. Tương truyền, nếu mỗi người viết một lời ước lên dải lụa đỏ, treo lên cành cây thì điều ước đó sẽ thành sự thực.

Tại lối ra, chị Hằng Nga trong trang phục đẹp đẽ, đánh đàn tam thập lục và ngân nga giọng ca trong trẻo.

Tương truyền, nếu mỗi người viết một lời ước lên dải lụa đỏ, treo lên cành cây thì điều ước đó sẽ thành sự thực.

Cổng Trời là đỉnh của hành trình Thiên Môn Sơn. Vòm núi ở đây tỏa ra những làn sương mờ ảo khiến người ta liên tưởng đến chiếc gương phản chiếu ánh sáng từ thiên đường. Bước qua Cổng Trời, ta sẽ bắt gặp 999 bậc thang chìm trong màn sương không thấy đáy.

Tuy nhiên, vì đã thấm mệt, đoàn chọn mua vé đi cầu thang máy xuyên trong lòng núi xuống điểm tập kết xe bus. Công trình này là kiệt tác của nhân loại. Hơn 10 cầu thang máy hiện đại được xây nối tiếp nhau cùng hệ thống đèn điện, màn hình, tranh ảnh sinh động.

99 khúc cua ở Thiên Môn Sơn không dành cho những người yếu tim.

Hành trình kết thúc với màn chinh phục 99 khúc cua Thiên Môn Sơn. Đường rất dốc và quanh co. Xe ngoặt trái, ngoặt phải liên tục.

Đường 2 chiều nhưng một bên là vực, một bên là vách núi. Sương trắng che khuất, tầm nhìn hẹp, xe đi nhanh và gió thổi mạnh khiến tôi cảm giác mình đang trên đường đua. Chắc các bác tài ở đây đều là những tay lái đua cự phách.

Hàng Thạch Trại, phim trường quay Avatar, mang vẻ đẹp hùng vĩ.

Ngày 3: Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục khám phá Hoàng Thạch Trại, phim trường quay Avatar.

Trước khi đi, nhìn Hoàng Thạch Trại qua ảnh, tôi cảm thấy bình thường. Nhưng đi rồi, tôi mới choáng ngợp bởi cảnh vật nơi đây quá hùng vĩ, tuyệt đẹp và bao la. Núi xanh bám đuổi mây trắng trùng trùng điệp điệp. Tôi thật sự mãn nhãn với tầm nhìn không giới hạn.

Đi trong sương trắng mù mịt trên đỉnh núi cao hàng nghìn mét, gió thổi se lạnh với bầu không khí thanh khiết khiến tôi nghĩ chốn bồng lai có thật. Tranh thủy mặc của Trung Quốc không tự nhiên mà có. Lãng mạn, thanh tịnh nhưng cũng huyền bí và ảo diệu. Trải nghiệm này thật đáng giá.

Lạc lối ở Phượng Hoàng Cổ Trấn

Sau đó, chúng tôi đến Phượng Hoàng Cổ Trấn. Khung cảnh thị trấn nhỏ hiện dần qua cửa kính ôtô với ánh đèn lung linh và đầy sức sống, đối lập hoàn toàn với bóng tối chập choạng cùng màn sương dần buông.

Tôi và những người bạn đồng hành lăn vali vào ngõ nhỏ, tìm homestay đã đặt trước. Homestay của chúng tôi nằm trong con hẻm yên tĩnh ở ven sông.

Homestay của chúng tôi nằm trong con hẻm yên tĩnh ở ven sông.

Căn nhà nhỏ xinh xắn, đáng yêu với lối kiến trúc Trung Quốc truyền thống pha chút cách điệu. Nhà được xây bằng gỗ. Các phòng xung quanh xếp lại tạo thành một giếng trời ở chính giữa, dẫn ánh sáng mặt trời vào tận tầng một.

Phượng Hoàng Cổ Trấn nổi bật với những nét cổ xưa. Toàn bộ nhà ở đây cao không quá bốn tầng và nằm liền kề hai bên bờ sông với lối kiến trúc xây dựng bằng gỗ, gạch và đá.

Tôi rất thích sân thượng của homestay. Ngồi ở đây, tôi có thể ngắm toàn cảnh thị trấn. Chủ nơi này cũng rất đẹp trai, nhẹ nhàng, tử tế, phong cách lãng tử và nói tiếng Anh giỏi.

Chủ yếu nhà ở đây là khách sạn, cửa hàng và quán ăn. Nếu chịu khó len lỏi vào từng ngóc ngách sâu trong thị trấn, bạn có thể sẽ gặp một vài nhà dân.

Nếu chịu khó len lỏi vào từng ngóc ngách sâu trong thị trấn, bạn có thể sẽ gặp một vài nhà dân.

Ngày 4: Tôi đến thị trấn nhỏ này trong những ngày mưa phùn, tiết trời se se chuyển mùa. Vì vậy, nét cổ của Phượng Hoàng Cổ Trấn như trầm mặc hơn vào ban ngày.

Nơi đây không phải là cái gì đó quá ấn tượng. Thị trấn cũng giản dị và gần gũi với những hẻm nhỏ, gian hàng xinh xắn, mùi hương ẩm thực, mùi sông Đà Giang, mùi gỗ và mùi gạch đá ẩm. Tôi nghĩ nếu ở lâu, chắc cũng có vị hoài niệm như Hà Nội.

Người dân ở đây rất thân thiện. Họ chẳng có mánh khóe hay thói bắt chẹt khách du lịch. Thậm chí, tôi còn thấy họ thật thà.

Khách du lịch đến thị trấn đều là người Trung Quốc từ các tỉnh khác. Nhìn chung, họ ăn mặc khá lạ, hơi diêm dúa nhưng có vẻ rất lãng mạn. Đối với các cặp đôi, nam rất chiều chuộng nữ. Có thể, tính họ gia trưởng nhưng hết mực tôn thờ tình yêu và tôn trọng nửa kia.

Người dân ở Phượng Hoàng Cổ Trấn rất thân thiện.

Màn đêm buông xuống, thị trấn cổ hoàn toàn thay mình, đổi vị. Đèn giăng sáng mọi ngóc ngách, từ những căn nhà gỗ, dưới đường, trên sông đến ngọn cây. Nhạc nổi lên, từ acoustics, EDM, trống, sáo trúc đến nhạc dân tộc. Mỗi loại chiếm một không gian, thỏa sức vẫy vùng. Các quán bar tại Phượng Hoàng Cổ Trấn mở khá muộn.

Ngày thứ 5-7: Đoàn rời thị trấn vào cuối ngày thứ 5, di chuyển đến thành phố Hoài Hóa bằng ôtô trước khi bắt tàu trong đêm về thành phố Nam Ninh, thủ phủ của Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây.

Chúng tôi nghỉ ngơi, mua sắm và vui chơi tại Nam Ninh một ngày rồi di chuyển về Hà Nội.

Chuyến đi này đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm.

Chuyến đi này đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm. Suốt hành trình, chúng tôi cùng nhau vất vả, sung sướng, mệt mỏi, vui vẻ, vội vã, thảnh thơi, thất vọng và choáng ngợp. Toàn bộ công sức đoàn bỏ ra không hề phung phí.

Tôi đã có nhiều trải nghiệm mới trong cuộc đời. Trong 7 ngày, tôi hoàn toàn gạt bỏ những bộn bề và lo toan, trút đi những gánh nặng, đi đến một nơi thật xa để tự do và cảm nhận bản thân.

Đôi lúc nhớ lại, tôi vẫn thấy nguyên vẹn những cảm xúc đó, rõ nét và đẹp đẽ. Đây là một trong những chuyến đi tuyệt vời, có gì để nhớ, để nhắc lại và cảm thấy niềm vui xôn xao.

Độc giả Hoàng Lê

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/mytour-7-ngay-ru-nhau-den-phuong-hoang-co-tran-post869193.html