Myanmar: Nhà sư, bác sĩ cùng xuống đường biểu tình tẩy chay đảo chính

Hôm 8-2, Reuters đưa tin đã có thêm các nhà sư và nhân viên y tá tham gia các cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại cuộc đảo chính ở Myanmar. Cảnh sát đã phun vòi rồng vào người biểu tình để trấn áp.

Theo đó, hàng chục nghìn người tiếp tục xuống đường vào ngày 8-2, ngày thứ 3 của cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại việc quân đội nước này phế truất và bắt giữ nhà lãnh đạo được bầu Aung San Suu Kyi một tuần trước.

Những lời kêu gọi tham gia biểu tình ngày càng nhiều hơn và có tổ chức hơn kể từ khi cuộc đảo chính diễn ra vào ngày 1-2 tuần trước, sự kiện khiến quốc tế lên án rộng rãi.

“Các nhân viên y tế của chúng tôi đang dẫn đầu chiến dịch này để kêu gọi tất cả nhân viên chính phủ tham gia” - Aye Misan, y tá tại một bệnh viện chính phủ cho biết tại một cuộc biểu tình ở thành phố lớn nhất Yangon.

“Thông điệp của chúng tôi gửi tới công chúng là chúng tôi đặt mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn chế độ quân đội nắm giữ chính quyền và chúng tôi phải chiến đấu cho số phận của mình” – người này nói.

Biểu tình tiếp tục tăng nhiệt ở Myanmar - Ảnh: Reuters

Biểu tình tiếp tục tăng nhiệt ở Myanmar - Ảnh: Reuters

“Chúng tôi, toàn thể những người coi trọng công lý, tự do, bình đẳng, hòa bình và an toàn, không chỉ từ chối chấp nhận những người làm sai luật mà còn yêu cầu họ được ngăn chặn và loại bỏ thông qua hợp tác” - đài truyền hình MRTV cho biết trong một bình luận.

Mặc dù phát ngôn này không quy trách nhiệm cho bất kỳ cơ quan hoặc nhóm nào, nhưng sau đó nó đã được đọc trên một mạng truyền thông thuộc sở hữu của quân đội.

Các cuộc biểu tình phần lớn đã diễn ra trong hòa bình, không giống như các cuộc đàn áp đối với những cuộc biểu tình trước đó, đặc biệt là vào các năm 1988 và 2007. Tuy nhiên một đoàn xe tải quân sự đã đến Yangon vào cuối ngày 7-2 làm dấy lên lo ngại quân đội có thể thay đổi cách hành xử bằng cách đàn áp bạo lực hơn.

Trước đó, cảnh sát ở thủ đô Naypyidaw đã phun vòi rồng vào một nhóm người biểu tình, một đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy.

Hàng nghìn người cũng đã tuần hành ở thành phố Dawei, đông nam đất nước và ở thủ phủ bang Kachin ở cực bắc. Đám đông khổng lồ quy tụ phản ánh thái độ tẩy chay chế độ quân sự của các nhóm sắc tộc khác nhau, ngay cả những người đã chỉ trích bà Suu Kyi và cáo buộc chính phủ của bà đã bỏ mặc những người thuộc sắc dân thiểu số cũng tham gia lần này.

Tại Yangon, một nhóm các nhà sư mặc áo cà sa, những người có lịch sử tập hợp hành động cộng đồng ở đất nước có đông người theo Phật giáo, đã tuần hành như một đội tiên phong phản đối cùng với công nhân và sinh viên. Họ treo Phật kỳ nhiều màu cùng với các biểu ngữ đỏ, màu của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi, tổ chức đã giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử vào tháng 11-2020.

Một biểu ngữ trong số đó ra yêu sách: “Hãy thả các nhà lãnh đạo của chúng tôi, tôn trọng phiếu bầu của chúng tôi, tẩy chay cuộc đảo chính quân sự”.

Trong một diễn biến có thể khiến quân đội lo lắng, một số nhân viên chính phủ đã được nhìn thấy tham gia cùng các bác sĩ và một số giáo viên để vận động kêu gọi chiến dịch bất tuân dân sự và đình công. Trước đó, chính phủ đã dỡ bỏ lệnh cấm Internet kéo dài một ngày vào cuối tuần.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/tiep-tuc-tang-nhiet-o-myanmar-canh-sat-phun-voi-rong-tran-ap_107237.html