Myanmar mở cửa thị trường bán buôn, bán lẻ

Yêu cầu về vốn tối thiểu cho các công ty 100% vốn nước ngoài kinh doanh bán buôn là 5 triệu USD và bán lẻ là 3 triệu USD. Riêng đối với công ty liên doanh, tỷ lệ góp vốn tổi thiếu của nhà đầu tư trong

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, nhằm thúc đẩy cạnh tranh trong ngành bán buôn, bán lẻ, ngày 09 tháng 5 năm 2018, Bộ Thương mại Myanmar đã ban hành Chỉ thị số 25/2018 cho phép các công ty 100% vốn nước ngoài và các công ty liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài và bản địa được kinh doanh bán buôn và bán lẻ.

Chính sách này được kỳ vọng vừa giúp Myanmar thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vừa thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ ở Myanmar.

Theo Chỉ thị này, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và liên doanh không được phép vận hành các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện ích có diện tích sàn dưới 929m2. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có thể nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài và mua hàng sản xuất trong nước để kinh doanh tại các hệ thống bán buôn và bán lẻ tại các quận/huyện ở tất cả vùng/bang trên lãnh thổ Myanmar.

Yêu cầu về vốn tối thiểu cho các công ty 100% vốn nước ngoài kinh doanh bán buôn là 5 triệu USD và bán lẻ là 3 triệu USD. Riêng đối với công ty liên doanh, tỷ lệ góp vốn tổi thiếu của nhà đầu tư trong nước là 20%.

Bộ Thương mại Myanmar cũng đã công bố Danh sách bao gồm 24 nhóm sản phẩm/sản phẩm được phép kinh doanh trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, cụ thể: hàng tiêu dùng (quần áo, đồng hồ, mỹ phẩm); thực phẩm (nông sản, thủy sản, các sản phẩm thịt và thức ăn nhanh, đồ uống và rượu sản xuất trong nước); đồ gia dụng và nhà bếp; dược phẩm và thiết bị y tế; thức ăn chăn nuôi; đồ gỗ, công cụ và dụng cụ thể thao; đồ điện và điện tử; xe đạp; xe máy; linh kiện xe ô tô; máy móc nông nghiệp; vật liệu xây dựng…

Việc Myanmar mở cửa thị trường bán buôn, bán lẻ được đánh giá là bước đột phá đối với đất nước mà hàng hóa được phân phối chủ yếu dựa vào kênh phân phối truyền thống, tập trung vào các chợ đầu mối và chợ bán lẻ tại khắp các khu dân cư, quận/huyện trên toàn lãnh thổ Myanmar.

Với dân số 55,1 triệu người (năm 2017), chi phí lao động thấp, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện qua từng năm, Myanmar là một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam.

Quy định vận hành chuẩn cho việc đăng ký kinh doanh (SOP)

Bộ Thương mại Myanmar là cơ quan cấp phép cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và liên doanh hoạt động kinh doanh bán buôn và bán lẻ. Hồ sơ đăng ký cấp phép bao gồm:

1. Giấy chứng nhận đăng ký công ty;

2. Phê duyệt đầu tư của Ủy ban Đầu tư Myanmar(đối với các dự án có vốn đăng ký dưới 5 triệu USD, đơn vị phê duyệt là Ủy ban Đầu tư của vùng/bang);

3. Phê duyệt của chính quyền vùng/bang nơi thực hiện dự án;

4. Danh mục các mặt hàng phân phối;

5. Kế hoạch kinh doanh;

6. Vốn đầu tư đăng ký.

Sau khi ban hành Chỉ thị số 25/2018, ngày 26 tháng 7 năm 2018, Bộ Thương mại Myanmar đã ban hành Quy trình vận hành chuẩn (SOP) cho việc đăng ký kinh doanh bán buôn và bán lẻ.

Quy trình SOP quy định loại hình công ty, quy trình hoạt động của các công ty kinh doanh bán lẻ và bán buôn, số tiền đầu tư thấp nhất, diện tích đất - nếu doanh nghiệp mở cửa hàng hoặc công ty, thời hạn đăng ký.

Thanh Xuân

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/myanmar-mo-cua-thi-truong-ban-buon-ban-le-20180906100213355p0c6.htm