Myanmar: Gian nan cuộc chiến chống ma túy

Tờ Star vừa cho hay, Myanmar hiện bị xem là một địa bàn sản xuất ma túy đá lớn trên thế giới, trong đó bang Shan miền Đông nước này là nơi tập trung nhiều băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia và được xác định là 'điểm nóng.'

Ma túy đá được sản xuất tại các cơ sở trong các khu vực rừng rậm của bang Shan, sau đó được tuồn sang nhiều nước láng giềng và đến các thị trường được cho là sinh lời cao như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Cuối tháng Ba vừa qua, nhà chức trách Myanmar đã tịch thu 1,7 tấn ma túy đá có tổng trị giá gần 30 triệu USD được cất giấu trên một chiếc thuyền ngoài khơi phía Nam nước này.

Sỹ quan cảnh sát đánh tráo 64kg ma túy đá tang vật

Một cảnh sát Myanmar đã bị bắt giữ sau khi tráo 64kg ma túy đá mà lực lượng chức năng thu giữ trong các chiến dịch truy quét. Trao đổi với báo giới mới đây, người đứng đầu lực lượng cảnh sát khu vực Kengtung thuộc bang Shan cho biết lực lượng chức năng đã phát hiện các gói ma túy đá giả khoảng một tuần trước đây, khi tiến hành kiểm kê một số ma túy tịch thu trước một chiến dịch tiêu hủy ma túy được thực hiện hằng năm nhân Ngày Thế giới phòng chống ma túy (26-6).

Qua kiểm tra số ma túy nói trên tại một đồn cảnh sát đã phát hiện trong tổng số 103 gói ma túy tang vật có 64 gói là giả, trong đó chứa một loại muối phèn nhìn bề ngoài gần giống ma túy đá. Số ma túy bị đánh tráo ước tính trị giá khoảng 830.000 USD. Viên cảnh sát bị phát hiện đánh tráo ma túy này đã bị bắt giữ.

Một cảnh sát Myanmar đứng bảo vệ số ma túy chuẩn bị được thiêu hủy nhằm kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống ma túy năm 2016.

Một cảnh sát Myanmar đứng bảo vệ số ma túy chuẩn bị được thiêu hủy nhằm kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống ma túy năm 2016.

Ma túy lan tràn

Thành phố Laukkai - thủ phủ đặc khu Kokang tọa lạc phía đông bang Shan (Myanmar), giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Phần lớn cư dân là người dân tộc Hán. Ban đêm đường sá Laukkai vắng đến lạ. Mọi người ở trong nhà vì lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 9h tối đến 5h sáng. Nửa tiếng sau giờ giới nghiêm, cảnh sát bắt đầu tuần tra.

Tại Laukkai, dù có lệnh giới nghiêm nhưng các khách sạn có sòng bạc vẫn hoạt động nhộn nhịp. Người chơi chủ yếu là dân Trung Quốc. Cờ bạc hiện diện khắp nơi ở Laukkai chẳng khác gì ma túy. Ma túy lan tràn đến mức có thể mua dễ dàng. Một nam thanh niên cùng đi với anh tài xế xe ôm đẩy cửa bước vào tiệm vi tính ở góc phố.

Họ muốn mua Ah Thee, từ địa phương dùng để chỉ viên nén ma túy methamphetamine đóng nhãn WY. Một cô gái trạc 20 tuổi hướng dẫn hai người đàn ông chạy xe loằng ngoằng trên phố vắng. Đến trước một con hẻm, hai người mua hàng đứng đợi. Cô gái vào hẻm một lúc rồi trở ra báo giá: "60 viên giá 80 nhân dân tệ. Còn hàng đá 20 tệ mỗi viên".

Phóng viên báo Myanmar Times đi thực tế ở Laukkai ghi nhận giá viên nén methamphetamine ở Laukkai quá rẻ, chỉ khoảng 400 kyat (khoảng 6.000 đồng Việt Nam), tức rẻ hơn ly trà đá ở Myanmar.

Bang Shan là một cạnh của khu vực Tam giác vàng cùng với miền Tây nước Lào và miền Bắc Thái Lan. Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) đánh giá Tam giác vàng hiện là đầu mối sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới.

Trong vùng Tam giác vàng, Myanmar được mệnh danh là "thủ phủ ma túy đá thế giới" và đầu não sản xuất ma túy đá của Myanmar chính là bang Shan. Quá trình sản xuất ma túy ở bang Shan được chia làm ba giai đoạn chính. Từ thập niên 1950-1990, bang Shan là nguồn cung ứng thuốc phiện và heroin.

Từ cuối thập niên 1990, sau khi bị Afghanistan qua mặt, bang Shan bắt đầu chuyển sang điều chế methamphetamine. Đến đầu thập niên 2010, bang Shan tập trung sản xuất methamphetamine dạng tinh thể (ma túy đá) để xuất khẩu.

Hiện nay bang Shan đứng thứ hai thế giới về sản xuất heroin sau Afghanistan nhưng mặt hàng chủ lực là ma túy đá. Do sản xuất hàng loạt, giá một viên yaba (methamphetamine có độ tinh chế thấp trộn với bột cà phê) từ 5-15 USD vào năm 2014 đã rớt xuống chỉ còn khoảng 1 USD.

Ông Jeremy Douglas là người đấu tranh chống ma túy nhiều năm trong vùng Tam giác vàng. Với tư cách là đại diện khu vực của UNODC ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương, ông đã nhiều lần đến vùng núi bang Shan để giám sát các dự án.

Điều khiến ông và các đồng nghiệp rùng mình chính là số lượng ma túy đá bị tịch thu ở bang Shan tăng vọt trong năm năm gần đây song giá cả vẫn giữ ổn định. Như vậy chứng tỏ số lượng ma túy đá bị tịch thu chỉ là phần nổi của tảng băng.

Trong báo cáo với tiêu đề "Lửa và ma túy đá: Xung đột và ma túy ở bang Shan Myanmar" công bố hồi tháng 1-2019, Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (tổ chức phi chính phủ quốc tế ở Bỉ) đã lấy ví dụ các vụ bố ráp nêu trên ở Kutkai để nhận định hai đặc điểm phản ánh thực tế sản xuất ma túy đá hiện nay ở bang Shan.

Một là các địa điểm bị bố ráp không phải ở nơi hẻo lánh mà rất gần với tuyến đường bộ lớn nhất Myanmar nối liền biên giới Vân Nam (Trung Quốc). Khu vực này do lực lượng dân quân ủng hộ quân đội kiểm soát. Hai là các địa điểm bị bố ráp đều "vườn không nhà trống" khi quân đội ập vào. Ắt hẳn bọn sản xuất ma túy đã được đánh động trước rồi.

Nguyễn Lai

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/the-gioi-ma-tuy/myanmar-gian-nan-cuoc-chien-chong-ma-tuy-548958/