Myanmar: Con đường hòa bình gian nan

Tiến trình hòa bình của Myanmar đang vận hành không theo đúng hướng mà chính phủ nước này kỳ vọng. Trong số hơn 20 nhóm sắc tộc đang xung đột tại quốc gia này, mới chỉ có 2 nhóm chính ký hiệp định ngừng bắn toàn quốc (NCA). Trong khi đó, việc ký kết này được xem là một điều kiện để tham gia vào cuộc họp tới đây của chính phủ, bước tiếp theo trong nỗ lực chấm dứt hàng thập kỷ xung đột tại quốc gia này.

Các tay súng thuộc nhóm vũ trang MNDAA tại khu vực Kokang, Đông Bắc Myanmar, gần biên giới với Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Ba cửa ải

Ngày 25-4 vừa qua, Chính phủ Myanmar tuyên bố vòng thứ hai của Hội nghị Palong thế kỷ 21, vốn bị trì hoãn khá lâu, sẽ bắt đầu vào cuối tháng 5. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng chỉ có các bên đã ký NCA 2015 mới được tham dự hội nghị. Trong số 8 nhóm đã ký NCA, có 6 nhóm thuộc thành phần nổi dậy thiểu số hoặc là các nhóm xã hội dân sự. Hầu hết các lực lượng nổi dậy có vũ trang mạnh đều từng nhiều lần gạt bỏ điều kiện phải ký NCA mới được tham dự hội nghị, một sự kiện quan trọng sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có sự hiện diện của họ.

Những nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình mà Chính phủ thực hiện từ năm ngoái không đem lại hiệu quả như mong đợi. Hội nghị thiếu vắng sự tham dự của các bên từ chối ký NCA (các đại diện của Quân đội Thống nhất bang Wa (UWSA) bỏ về ngay trong ngày thứ hai). Kể từ đó, các cuộc xung đột đã bùng phát mạnh ở miền Bắc Myanmar, đặc biệt tại một số nơi thuộc bang Kachin và Shan, dọc biên giới với Trung Quốc. Dù hội nghị tới đây có đạt được tiến triển quan trọng nào đi chăng nữa thì triển vọng của tiến trình hòa bình Myanmar vẫn phụ thuộc vào 3 nhân tố: quy mô hợp tác giữa chính phủ dân sự và quân đội Myanmar, sức mạnh của liên minh nổi dậy đang phát triển nhanh chóng ở miền Bắc, và ảnh hưởng mà Trung Quốc có thể có đối với các nhóm nổi dậy dọc biên giới nước này.

Nhiệm vụ khó khăn

Yếu tố then chốt thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Myanmar chính là khả năng quân đội và chính phủ dân cử tại quốc gia này thống nhất về một chiến lược tạo dựng các điều kiện tích cực để hướng tới hòa bình. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã lên nắm quyền thay thế đảng Liên đoàn Đoàn kết và Phát triển được quân đội “chống lưng” sau các cuộc bầu cử năm 2015. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, quân đội vẫn duy trì sức ảnh hưởng đáng kể trong việc định hướng các chính sách của Myanmar.

Sau cuộc họp gần đây nhất của Hội nghị Palong, quân đội đã tăng cường các chiến dịch ở bang Kachin và bang Shan ở miền Bắc. Chính phủ dân sự, dưới sự lãnh đạo trên thực tế của Cố vấn nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Aung San Suu Kyi, không có nhiều lựa chọn ngoài việc phải chấp nhận chiến lược của quân đội để đối phó các nhóm nổi dậy chống đối. Lý do một phần dẫn tới thực tế này là bởi về cơ bản, mọi thỏa thuận mà chính phủ đề xuất nhưng không có sự ủng hộ của giới tướng lĩnh quân sự đều có thể sẽ bị lực lượng này phớt lờ, và một phần cũng bởi các nhóm vũ trang có nhiều tiềm lực nhất đang hoạt động ở khu vực dọc biên giới với Trung Quốc hiện vẫn không có ý định nhượng bộ Naypyidaw.

Thêm vào đó, chính phủ cần sự trợ giúp của quân đội đối với kế hoạch dài hạn là chuyển đổi sang thể chế nhà nước liên bang. Để có được những biến chuyển và đạt các mục tiêu như mong muốn, chính phủ dân sự phải xúc tiến thành công việc sửa đổi bản Hiến pháp do quân đội soạn thảo, văn kiện cho phép họ nghiễm nhiên chiếm tới 1/4 số ghế Quốc hội, đủ để phản đối mọi đề xuất thay đổi.

Trong khi đó, các nhóm sắc tộc vũ trang mạnh nhất ở Myanmar đang tập hợp ngày càng chặt chẽ dưới ngọn cờ của cái gọi là Liên minh phương Bắc - một khối rời rạc được chính thức thành lập vào tháng 11-2016 với sự tham gia của Quân đội Độc lập Kachin, Quân đội Arakan, Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar và Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang. USWA được cho là ngầm ủng hộ liên minh này.

Thực tế, Liên minh phương Bắc và cả UWSA đều là những nhân tố không thể thiếu trong bất cứ cuộc đàm phán quan trọng nào, và sự thống nhất cũng như có tổ chức giữa lực lượng nổi dậy có thể sẽ có lợi cho tiến trình hòa bình. Tuy nhiên, điều này lại đang cản trở chiến lược của quân đội nhằm gây chia rẽ và làm suy yếu Hội đồng Liên bang Đoàn kết Dân tộc - một ủy ban đàm phán gồm 7 nhóm chống đối mà chính phủ cho là có nhiều khả năng sẽ ký NCA nhất. Quân đội hiện không được trang bị đủ mạnh để có thể duy trì các cuộc phản công quy mô lớn tại các vùng biên giới hiểm trở. Nếu Liên minh phương Bắc có thể duy trì sự thống nhất và có được sự hậu thuẫn của USWA, quân đội càng ít có khả năng thành công trong việc buộc các nhóm phiến quân ở biên giới ngồi vào bàn đàm phán.

Trung Quốc, vốn đang có những ảnh hưởng nhất định đối với một vài nhóm trong liên minh nổi dậy, đặc biệt là những nhóm đang hoạt động ở biên giới Trung Quốc-Myanmar, không hài lòng với xu hướng bạo lực lan ra khắp vùng biên giới, và không thể ngăn chặn cuộc tấn công hồi tháng 11-2016 của Liên minh phương Bắc. Thêm vào đó, Trung Quốc về lâu dài không muốn gia tăng hỗ trợ cho các nhóm nổi dậy, gây nguy hiểm cho tiến trình hòa bình mà họ muốn tận dụng để thúc đẩy những mục đích kinh tế và chiến lược lớn hơn tại Myanmar, trong đó có nỗ lực làm suy yếu sự ảnh hưởng của phương Tây tại đất nước này, hay tạo điều kiện phát triển các mối quan hệ trong lĩnh vực năng lượng và thương mại xuyên biên giới.

Với tình hình địa chính trị hiện nay, hy vọng tiến tới hòa bình của Myanmar vẫn còn rất mờ mịt. Các cuộc đàm phán sẽ phải mất rất nhiều năm, và ngay cả khi kết thúc thì vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc xử lý vấn đề tội phạm và bạo lực có tổ chức.

Như Trung (Theo Stratfor)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/myanmar-con-duong-hoa-binh-gian-nan/