Myanmar có quần thể sếu đầu đỏ đông nhất Đông Nam Á

Chuyên gia Thet Zaw Naing thuộc Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) cho biết Myanmar hiện đang là quốc gia bảo tồn được số lượng lớn nhất loài sếu đầu đỏ quý hiếm ở Đông Nam Á.

Sếu đầu đỏ ở Myanmar (Ảnh: ElevenMyanmar)

Từ năm 2016, Cục Lâm nghiệp Myanmar hợp tác với Khu bảo tồn động vật hoang dã Minmahlagyun và Chương trình Myanmar thuộc WCS tiến hành bảo tồn và nghiên cứu loài sếu đầu đỏ quý hiếm ở Kahaema, Maubin, Pantanaw và Eainmae Townships thuộc vùng Ayeyawady.

“Năm 2016, chúng tôi phát hiện và bảo tồn 33 tổ sếu đầu đỏ, Sau đó, con số này tiếp tục tăng lên thành 138 tổ vào năm 2017 và 184 tổ vào năm 2018. Số lượng cá thể sếu đầu đỏ được phát hiện trong năm 2016 là hơn 400 cá thể và năm 2018 là hơn 600 cá thể. Con số gia tăng đó thực chất chưa cao. Nhờ vào sự hỗ trợ nhiệt tình trong nghiên cứu và bảo tồn loài động vật quý hiếm này của người dân địa phương, dự kiến số lượng sếu đầu đỏ tại Myanmar sẽ tăng lên trong thời gian tới”.

“Chúng tôi cũng phát hiện sếu đầu đỏ ở những nơi khác như các bang Rakhine và Kayah nhưng không ước tính số lượng vì chưa thể tiến hành nghiên cứu ở đó. Như vậy, có thể khẳng định, Myanmar hiện là quốc gia có số lượng sếu đầu đỏ nhiều nhất ở Đông Nam Á”.

Bên cạnh việc bị săn bắn và phá hủy tổ, tình trang sinh cảnh sống bị thu hẹp do con người xâm lấn, biến đổi khí hậu làm cạn kiệt nguồn nước, cạn kiệt nguồn thức ăn đã và đang dần đẩy loài chim quý hiếm này đến bờ vực tuyệt chủng.

Trên thế giới hiện còn khoảng 7.500 đến 20.000 cá thể sếu đầu đỏ.

Sếu đầu đỏ được tìm thấy ở Ấn Độ, Đông Nam Á và Úc. Chúng đã tuyệt chủng ở Thái Lan và phía đông Philippines. Từ năm 1980, chúng cũng tuyệt chủng ở Pakistan.

Sếu đầu đỏ nằm trong danh sách những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất hành tinh. Ở Myanmar, sếu đầu đỏ là loài động vật hoang dã được bảo tồn theo Luật Bảo vệ động thực vật hoang dã và bảo tồn các khu vực tự nhiên năm 1994.

Sếu đầu đỏ còn có tên gọi là sếu cổ trụi hay sếu lớn Phương Đông. Sếu đầu đỏ phương Đông là loài lớn nhất trong họ sếu, rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường. Sếu trưởng thành cao khoảng 150-180cm; sải cánh từ 220-250cm, trọng lượng trung bình 8-10kg. Chúng có chế độ ăn tạp, có thể ăn các thức ăn thô thường gặp tại đầm lầy và các vùng nước nông như rễ, củ cây, côn trùng, động vật giáp xác và một số loài thú có vú nhỏ. Loài này nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới (Sách đỏ IUCN), nên được bảo vệ nghiêm ngặt.

Sếu đầu đỏ phân bố chủ yếu ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Ở Việt Nam, số lượng loài này hiện nay bị suy giảm nghiêm trọng, chỉ còn hơn 1000 cá thể. Năm 2018, chỉ phát hiện còn 11 cá thể tại khu vực Tràm Chim, Đồng Tháp.

Trong những năm qua, để giữ chân đàn sếu, Chính phủ Việt Nam, các tổ chức bảo tồn và các nhà tài trợ đã cùng hành động để cải thiện môi trường sống cho chúng. Nhiều dự án đã được xây dựng nhằm bảo tồn và phục hồi sinh cảnh đất ngập nước, hạn chế các mối đe dọa đối với sếu đầu đỏ và các loài chim nước ở những điểm dừng chân của sếu như Tràm Chim, Láng Sen, Kiên Lương … với ngân sách lên tới hàng triệu USD./.

Cáp Tuấn Ba (Theo Yonhap & ElevenMyanmar)

Nguồn Kiểm Sát: https://kiemsat.vn/myanmar-co-quan-the-seu-dau-do-dong-nhat-dong-nam-a-52505.html