Myanmar bắt đầu tiến trình hòa đàm nội bộ sau tổng tuyển cử

Theo thông báo của bộ phận báo chí Quân đội Myanmar, cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11 ở nước này đã diễn ra thành công và dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cơ bản được khống chế.

Tổng tuyển cử 2020 tại Myanmar: Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi bỏ phiếu sớm tại thủ đô Naypyidaw hôm 29/10. (Nguồn: AP)

Tổng tuyển cử 2020 tại Myanmar: Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi bỏ phiếu sớm tại thủ đô Naypyidaw hôm 29/10. (Nguồn: AP)

Ngày 9/11, Quân đội Myanmar đã thành lập Ủy ban Đàm phán hòa bình do Trung tướng Yar Pyae đứng đầu.

Mục đích của việc thành lập ủy ban này là tiếp tục đàm phán với các lực lượng vũ trang vốn đã ký kết Hiệp định Ngừng bắn Quốc gia (NCA) để thúc đẩy hơn nữa tiến trình hòa bình, đồng thời thảo luận với những bên chưa ký kết cho đến khi họ ký kết NCA và tổ chức các cuộc đàm phán cần thiết để hoàn thành những mục tiêu khôi phục nền hòa bình bền vững.

Theo thông báo của bộ phận báo chí Quân đội Myanmar, cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11 ở nước này đã diễn ra thành công và dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cơ bản được khống chế. Trong bối cảnh đó, mục tiêu kiến tạo một nền hòa bình lâu dài tại Myanmar được đặt lên hàng đầu và cần tiếp tục các cuộc đàm phán càng sớm càng tốt.

Qua 3 lần tổ chức Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21 vào tháng 8/2016, tháng 5/2017, tháng 7/2018, tổng cộng 51 nguyên tắc cơ bản liên quan đến liên bang đã được ký kết. Đặc biệt, tại hội nghị lần thứ 4 vào tháng 8 vừa qua, các bên đã ký Hiệp định Liên bang phần III, được đánh giá là đầy đủ khi chỉ rõ được con đường và cách thức giải quyết các vấn đề liên quan NCA và những khó khăn trong quá trình thực hiện, cũng như mô tả chi tiết mô hình Liên bang Dân chủ Myanmar hướng tới và cách thức thực thi.

Thông qua các nỗ lực đối thoại, đến nay, 10 tổ chức vũ trang sắc tộc đã ký NCA với Chính phủ Myanmar kể từ khi hiệp định này được khởi xướng tháng 10/2015.

Tuy nhiên, dù Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21 đã mang lại nhiều hy vọng, nhưng việc một số nhóm vũ trang đòi ly khai, chưa ký hiệp định ngừng bắn không tham dự cho thấy con đường hòa bình của Myanmar vẫn còn gian nan.

Bên cạnh đó, xung đột sắc tộc bùng phát từ năm 2017 tại bang Rakhine đã cản trở chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc nhằm mở ra cơ hội phát triển cho Myanmar.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và cuộc tổng tuyển cử, các cuộc thương lượng hòa bình được tạm hoãn vô thời hạn./.

Đào Thị Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/myanmar-bat-dau-tien-trinh-hoa-dam-noi-bo-sau-tong-tuyen-cu/676078.vnp